Bảo đảm tiến độ xây dựng các văn bản để triển khai chính sách cải cách tiền lương
(ĐCSVN) - Tai nạn trên đường dẫn vào trạm dừng chân cao tốc khiến 1 người chết, 12 người bị thương; Bảo đảm tiến độ xây dựng các văn bản để triển khai chính sách cải cách tiền lương; Tổng thống Nga ký sắc lệnh huy động công dân vào lực lượng quân sự dự bị là những tin tức đáng chú ý trong ngày hôm nay (2/3).
Tai nạn trên đường dẫn vào trạm dừng chân cao tốc khiến 1 người chết, 12 người bị thương
Hiện trường vụ va chạm giữa xe khách và xe đầu kéo trên đường dẫn vào trạm dừng chân cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: TTXVN |
Công an huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) đang phối hợp với lực lượng chức năng xác minh nguyên nhân vụ tai nạn trên đoạn đường dẫn vào trạm dừng chân cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, khiến 1 người chết, 12 người bị thương.
Thông tin ban đầu, khoảng 5 giờ ngày 2/3, xe khách giường nằm biển số 51B-225.41 do tài xế P.V.C. (55 tuổi, ngụ huyện Phong Điền, Cần Thơ) điều khiển di chuyển trên đường dẫn vào trạm dừng nghỉ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tại Km41, hướng phải tuyến, thuộc ấp 5 xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ. Trong lúc di chuyển, bất ngờ chiếc xe khách tông vào phía sau xe đầu kéo biển số 29C-805.65 do tài xế N.T.T (44 tuổi, ngụ Hà Nội) điều khiển chạy cùng chiều phía trước.
Cú tông mạnh khiến đầu chiếc xe khách biến dạng, hư hỏng nặng. Tài xế P.V.C. bị thương nặng, được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng sau đó đã tử vong. Ngoài ra, 12 người trên xe khách giường nằm bị thương nhẹ đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai).
Nhận được tin báo, Công an huyện Cẩm Mỹ nhanh chóng có mặt phối hợp với các đơn vị chức năng khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Bảo đảm tiến độ xây dựng các văn bản để triển khai chính sách cải cách tiền lương
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/3, đại diện Bộ Nội vụ đã thông tin về tiến độ xây dựng các văn bản để triển khai chính sách cải cách tiền lương từ 01/7/2024.
Quyền Vụ trưởng Vụ Tiền lương Nguyễn Bích Thu (Bộ Nội vụ) cho biết, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; căn cứ Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 104/2025/QH15 của Quốc hội khóa XV, ngay sau khi có các nghị quyết và kết luận của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ngay Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/1/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Trong kế hoạch này quy định rất rõ các nhiệm vụ, nội dung cụ thể và phân công, phân nhiệm rất rõ ràng cho các bộ, cơ quan, địa phương để triển khai thực hiện tốt nhất mục tiêu của nghị quyết và bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.
Bà Nguyễn Bích Thu, Quyền Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ). (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Trong đó, Bộ Nội vụ được phân công là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Nhà nước, cho nên được chủ trì, tham mưu một số việc: xây dựng tờ trình báo cáo Bộ Chính trị các nội dung cụ thể về chế độ tiền lương mới, đồng thời cũng phải biết được các tác động khi cải cách chính sách tiền lương đối với chính sách Bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và các trợ cấp xã hội. Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Sau đó, các năm sau cũng phải xây dựng nghị định điều chỉnh chế độ tiền lương theo Kết luận 64. Nhiệm vụ nữa là phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng các văn bản quy phạm để triển khai chế độ tiền lương mới.
Về nhiệm vụ xây dựng tờ trình báo cáo Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ đang hoàn tất hồ sơ để chuẩn bị trình các cấp có thẩm quyền trước khi trình xin ý kiến Bộ Chính trị. Sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến, đây sẽ là cơ sở cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành văn bản. Cụ thể, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Quốc hội sẽ có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Quốc hội, HĐND cấp tỉnh và cấp huyện, Tòa án, Viện kiểm sát, Kiểm toán Nhà nước. Bên cạnh đó sẽ có quyết định của Ban Bí thư về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
"Đồng thời sẽ có trên 10 thông tư để hướng dẫn triển khai. Bộ Nội vụ hết sức cố gắng và sẽ bảo đảm tiến độ theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ ban hành" - bà Nguyễn Bích Thu cho biết.
Tổng thống Nga ký sắc lệnh huy động công dân vào lực lượng quân sự dự bị
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 1/3 đã ký sắc lệnh thường niên để huy động công dân nước này bổ sung vào lực lượng dự bị để huấn luyện quân sự.
Sắc lệnh nêu rõ: “Huy động trong năm 2024 các công dân Nga vào lực lượng dự bị tham gia huấn luyện quân sự trong Các Lực lượng Vũ trang Nga, lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga, các cơ quan an ninh nhà nước và Cơ quan An ninh Liên bang”. Theo sắc lệnh, Chính phủ Nga và các cơ quan hành pháp của các chủ thể cấu thành Liên bang Nga được chỉ đạo đảm bảo thực hiện các hoạt động liên quan đến việc công dân đi huấn luyện. Sắc lệnh có hiệu lực kể từ ngày công bố.
Binh sĩ Nga di chuyển hướng về Ukraine trên tuyến đường gần Armiansk, Bán đảo Crimea, ngày 26/2/2022. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN |
Huy động để huấn luyện quân sự được tổ chức hằng năm tại Nga, nhằm khôi phục kỹ năng của những công dân từng phục vụ trong Các Lực lượng Vũ trang Nga. Theo quy định, những người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc đang học đại học đã nắm vững các chuyên ngành cần thiết trong quân đội sẽ tham gia huấn luyện. Huấn luyện quân sự cũng áp dụng cho những người đã xuất ngũ hoặc được hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Năm ngoái, Quốc hội Nga thông qua luật nâng trần tuổi huy động quân thêm ít nhất 5 tuổi. Luật mới cho phép Nga huy động nam giới đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự nhưng không vướng bận điều gì ở độ tuổi 40, 50 hoặc 55. Trong tất cả các trường hợp, giới hạn tuổi huy động quân được nâng lên 5 năm. Điều này đồng nghĩa những sĩ quan có cấp bậc cao nhất trong lực lượng dự bị, như các vị tướng, có thể được gọi nhập ngũ trở lại ở độ tuổi 70, thay vì 65, trong khi những sĩ quan cấp bậc cao khác có thể lên 55, 60 hoặc 65./.