Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bánh a quát của người Pa Cô

Thứ Tư, 25/08/2021 10:18 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong văn hoá ẩm thực của các đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, có nhiều loại bánh như a quát, a-đép-man, a-peng, ân-chát... nhưng bánh a quát là loại bánh gần gũi với đời sống thường nhật của đồng bào hơn cả, đặc biệt hơn là nó còn mang ý nghĩa về huyền thoại tình yêu của người Pa Cô, nơi đại ngàn Trường Sơn.​

Chuyện cổ Pa Cô kể lại rằng, xưa, có nàng Pê-chôn rất xinh đẹp. Sắc đẹp của nàng hơn cả một con chim công đang múa và khắp các thung lũng, không có người con gái nào đẹp như nàng. Ai cũng yêu thích, nhưng chỉ có một người có thể lấy được nàng làm vợ là chàng A Chích. A Chích là chàng trai biết nói lý nói lẽ, biết thổi khèn hay như những con chim trong rừng hót và có sự dũng cảm như một con hổ. Tài năng của chàng đã chinh phục được nàng Pê-chôn. Bố mẹ nàng Pê-chôn đã đồng ý gả nàng Pê-chôn cho chàng A Chích.

Để mừng cho đôi lứa, có một vị thần đã báo mộng cho dân làng làm một loại bánh. Đó là bánh có hình sừng trâu được gói bằng nếp than. Hai vợ chồng A Chích và Pê-chôn đang sống với nhau rất hạnh phúc thì tai hoạ ập đến. Có một kẻ nhà giàu làng bên, tên là Pất-nha, đã cướp Pê-chôn về làm vợ. Pất-nha có nhiều nô lệ và quân hầu. Vì thế, A Chích quyết tâm tìm thợ rèn giỏi nhất bên đất Lào để nhờ rèn một cây kiếm sắc bén. Sau khi có kiếm, A Chích đã tìm đến nhà Pất-nha để đánh và cướp lại vợ. Sau đó, hai vợ chồng A Chích và Pê-chôn chung sống với nhau rất hạnh phúc.

Bánh a quát gắn với câu chuyện huyền thoại, nhưng ẩn chứa trong đó là những nghi lễ, những phong tục, tập quán lâu đời của hai cộng đồng Tà Ôi và Pa Cô. Những yếu tố tạo nên sự đặc sắc trong văn hóa của cộng đồng này đó là sự bình dị, mộc mạc và những gì gắn với cuộc sống nơi rừng núi của đồng bào Tà Ôi, Pa Cô.

Bánh a quát được sử dụng rộng rãi trong các sự kiện của cộng đồng người Pa Cô như: Lễ mừng lúa mới, nghi lễ với tổ tiên, lễ tạ ơn trời đất, đãi khách quý, Tết Nguyên Đán... Đặc biệt trong đám cưới, nhà trai không tổ chức làm bánh a quát mà chỉ có nhà gái làm đãi khách và cho nhà trai làm quà. Những thời điểm xuất hiện nói lên giá trị của bánh a quát trong đời sống, văn hóa của người Pa Cô cũng như ý nghĩa bánh chưng, bánh dầy của người Kinh.

Quây quần dưới mái hiên nhà sàn truyền thống, khách thăm mới hiểu được sự tỉ mỉ, chăm chút của người Pa Cô đối với loại bánh bình dị, mộc mạc này. 
  Chiếc bánh do các cô gái Pa Cô làm với sự cần mẫn chăm chút cho ngày vui cộng đồng là một nét đẹp bao đời nay của người Pa Cô.
 Bánh a quát loại bánh truyền thống của đồng bào Pa Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế để mời khách luôn có đôi, có cặp được gọi là bánh “tình yêu”.
 Bánh “Tình yêu” được làm từ gạo nếp than (Cu-char) mà người Pa Cô gọi là hạt ngọc của trời, hạt ngọc của Giàng.
 Bánh a quát được gói bằng lá đót, lá phải không quá già vì lá già thì dễ rách, lá non quá thì không tạo được khuôn.
 Chiếc bánh a quát tượng trưng cho tình yêu thủy chung, sắt son của người Pa Cô.
 Bánh a quát luôn được bó thành một cặp, chiếc lớn mang hình tượng người con trai và chiếc nhỏ hơn là của người con gái.
 Ý nghĩa tình yêu không đơn thuần là ghép hai chiếc bánh với nhau, mà còn ẩn dụ trong từng chi tiết như chọn hạt gạo phải tròn, những chiếc lá không rách, sợi dây buộc dẻo dai, bánh phải giống hình sừng trâu…
 Những chiếc bánh dẻo thơm, vị ngọt bùi mang hương vị của núi rừng khiến người ta dễ dàng cảm nhận được sự giản dị, mộc mạc, nồng hậu trong đời sống của người Pa Cô.
 Sự đáng quý ở bánh a quát là những dịp nó được sử dụng. Đó là trong lễ, tết của bản làng, lễ cưới xin hay đãi khách quý của gia đình. Sự xuất hiện trong những dịp quan trọng của cộng đồng đã nói lên giá trị của bánh a quát trong văn hóa ẩm thực của hai cộng đồng Tà-ôi và Pa Cô cũng như bánh chưng, bánh dầy của người Kinh trong Tết Nguyên Đán.
Dân tộc Tà Ôi còn có tên gọi là Ta uôih hay Ta uốt, cộng đồng dân tộc Tà Ôi ở Việt Nam gồm có 3 nhóm: Nhóm Tà Ôi chính dòng, nhóm Pa Cô và nhóm Pa Hi. Theo điều tra dân số Việt Nam năm 2019, dân tộc Tà Ôi có 52.356 người, sinh sống chủ yếu ở huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), huyện A Lưới và Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế), một số đồng bào sinh sống tại tỉnh Quảng Bình.

 

 

 

Thanh Bình

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN