Băng tan nhanh kỷ lục, cảnh báo năm tai họa tại Bắc Cực
Theo tính toán của các nhà khoa học, lượng băng tan chảy ở Greenland mỗi năm khiến nước biển dâng cao khoảng 0,7mm, song với tốc độ tan chảy như hiện nay, con số này có thể còn tăng.
Băng trên đảo Greenland (Nguồn: AFP/TTXVN)
2019 có thể là một năm tai họa khác đối với Bắc Cực khi nhiệt độ tại đảo Greenland (Đạn Mạch) đã tăng lên mức kỷ lục, đẩy nhanh tốc độ tan băng khiến giới khoa học dự báo khối lượng băng tan năm nay có thể vượt mức kỷ lục ghi nhận năm 2012.
Theo Viện Khí tượng Đan Mạch (DMI), Trạm quan sát Summit của Greenland, nằm ở độ cao cách mặt nước biển 3.000m, hôm 30/4 đã ghi nhận nền nhiệt độ ấm nhất trong lịch sử -1,2 độ C, trong khi đó, ngày 12/6, nhiệt độ đo được tại Qaanaaq, Greenland là 17,3 độ C - thấp hơn 0,3 độ C so với nhiệt độ nóng kỷ lục ghi nhận ngày 30/6/2012.
Thực trạng này đã khiến các lớp băng tại đây nhanh chóng tan chảy. Chỉ tính riêng ngày 17/6, Greenland đã mất 3,7 tỷ tấn băng đá.
Ngoài ra, DMI cho biết mùa tan băng năm nay diễn ra từ đầu tháng 5, tức sớm hơn một tháng so với mọi năm theo những ghi ghép có từ năm 1980. Mùa tan băng sớm vào tháng 5 từng xảy ra vào năm 2016.
Theo tính toán của các nhà khoa học, lượng băng tan chảy ở Greenland mỗi năm khiến nước biển dâng cao khoảng 0,7mm, song với tốc độ tan chảy như hiện nay, con số này có thể còn tăng.
Kể từ năm 1972 đến nay, lượng băng tan chảy của Greenland đã góp phần làm mực nước biển dâng cao tổng cộng 13,7mm. Theo nhà nghiên cứu khí hậu Xavier Fettweis thuộc Đại học Liege, từ đầu tháng 6 đến nay, 37 tỷ tấn băng ở Greenland tan chảy.
Hiện tốc độ băng tan chảy tại Greenland nhanh gấp 6 lần so với những năm 80 của thế kỷ trước. Đây là những thông tin cảnh báo đáng báo động về tình trạng ấm lên của Trái Đất.
Năm 2014, Ủy ban liên chính phủ của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) dự báo viễn cảnh tồi tệ nhất vào cuối thế kỷ 21, mực nước biển sẽ dâng cao hơn 1m so với mực nước biển trong giai đoạn 1986-2005.
Do bầu không khí nóng lên, cuộc sống của con người và các sinh vật tại Bắc Cực buộc phải thay đổi để thích nghi. Đối với con người, mùa săn bắt sẽ dần thu hẹp, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh tồn của con người tại đây vốn phụ thuộc chủ yếu từ nguồn thực phẩm săn bắt này.
Theo Cơ quan giám sát địa chất học của Mỹ, số lượng gấu Bắc cực đã giảm khoảng 40% trong thập kỷ qua do tình trạng băng tan, trong khi số lượng kỳ lân biển cũng giảm dần do loài này buộc tìm kiếm nơi trú ngụ trong các hầm băng vốn là nơi ẩn náu của những "kẻ săn mồi" như cá voi sát thủ./.