Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh: Nhiều hoạt động thiết thực vì sự tiến bộ của phụ nữ
(ĐCSVN) – Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh đã lồng ghép các nội dung hoạt động công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ với nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương và từng nhóm đối tượng.
Công tác thực hiện bình đẳng giới được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy vai trò của phụ nữ trên các lĩnh vực, ngày càng nhiều công chức nữ được tín nhiệm, đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức vụ quản lý, lãnh đạo. Đặc biệt, các nhiệm kỳ Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, bầu cử HĐND đều có sự quan tâm nhất định đến tỷ lệ nữ, nữ dân tộc thiểu số (DTTS).
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, quán triệt Luật Bình đẳng giới, Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021- 2026 và các văn bản chỉ đạo của tỉnh từng lúc thiếu thường xuyên. Vai trò tham mưu, đề xuất quy hoạch đào tạo nguồn cán bộ nữ ở một số cơ sở Hội còn hạn chế. Dù công tác cán bộ nữ ngày càng được quan tâm nhưng nhìn chung tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vị trí lãnh đạo, quản lý còn thấp. Mặt khác, tính an phận thủ thường ở phần đông phụ nữ vẫn còn tồn tại, tính tự lực phấn đấu của chị em chưa cao.
Huyện Trà Cú lồng ghép dạy nghề vào thực hiện công tác bình đẳng giới ở địa phương. |
Xác định những tích cực và tồn tại hạn chế một cách rõ ràng như trên, Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh đã đặc biệt chú ý tới công tác truyền thông, coi đây là then chốt trong nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trong đó có phụ nữ DTTS. Theo đó, hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã cụ thể hóa các văn bản, chỉ thị về bình đẳng giới do cấp trên phát động đồng thời lập kế hoạch, triển khai công tác thi hành Luật Bình đẳng giới, Tháng hành động vì bình đẳng giới tới 100% cán bộ, công chức và người lao động trong Ban; cấp phát 3.000 tờ rơi và xây dựng 14 pano tuyên truyền hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS. Từ đó, giúp đồng bào nắm rõ hơn hoạt động bình đẳng giới, góp phần tích cực trong tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chấp hành nghiêm túc các nội dung thông tin, từng bước giữ gìn an ninh trật tự gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức về giới.
Đối với công tác phối hợp giải quyết các vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cũng liên tục tăng cường phối hợp với các ngành liên quan (Sở Tư Pháp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh…) tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới cho đồng bào DTTS, vận động đồng bào DTTS phát huy phong tục, tập quán và truyền thống tốt đẹp của dân tộc phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới của đồng bào dân tộc.
Thực tế tại địa bàn tỉnh Trà Vinh vì định kiến giới, vai trò, vị trí của phụ nữ còn ăn sâu trong tiềm thức của người dân do đó, vẫn tồn tại quan điểm cho rằng công việc gia đình là trách nhiệm của phụ nữ, phụ nữ chỉ nên làm nội trợ, không có khả năng lãnh đạo cũng như bản thân nhiều chị em phụ nữ còn tự ti, thiếu ý chí phấn đấu. Nguyên nhân của thực trạng trên được lý giải là do tư tưởng nặng về “trọng nam, khinh nữ” cộng với công tác tuyên truyền chưa đủ sức tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân.
Trên cơ sở đó, đồng chí Kiên Ninh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh đề xuất, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới hơn nữa đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới cũng như công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ. “Bản thân Ban Dân tộc tỉnh với vai trò, trách nhiệm là thành viên của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng đã tích cực tham gia việc giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới theo yêu cầu của cấp trên” – đồng chí Kiên Ninh cho biết.
Cũng thời gian qua, liên quan tới công tác tập huấn về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 18 cuộc tập huấn, tọa đàm, mô hình điểm với 900 đại biểu tham dự trên địa bàn các huyện, thành phố. Việc tập huấn cho cán bộ công chức làm công tác bình đẳng giới ngày càng được quan tâm, luôn chú trọng công tác tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ, công chức, người lao động. Tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác bình đẳng giới do cấp trên phát động.
Với công tác phối hợp liên ngành, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động phối hợp với Đài PT-TH tỉnh Trà Vinh xây dựng 2 phóng sự đặc thù bằng tiếng Khmer; phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền Luật Bình đẳng giới; Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025”; Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025; phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Trà Vinh thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.
Nhận thức rõ ràng tồn tại, một cách thẳng thắn, Ban Dân tộc Trà Vinh chỉ ra khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong đó có phụ nữ DTTS trên địa bàn, đó là: việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến Luật Bình đẳng giới chưa được quan tâm đúng mức, chưa được phổ biến sâu rộng đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS; chưa có nhiều mô hình điểm về hoạt động bình đẳng giới để nhân rộng trong vùng đồng bào DTTS; vẫn còn một bộ phận cộng đồng xã hội nhận thức chưa đầy đủ về giới, có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng bạo lực gia đình mà nạn nhân là nữ giới và trẻ em.
Vì vậy, Ban Dân tộc tỉnh đề xuất tới đây, tiếp tục tăng cường công tác triển khai, quán triệt cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, người có uy tín về Luật Bình đẳng giới, Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 4/6/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới, Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn Trà Vinh giai đoạn 2021-2025 và phổ biến giáo dục pháp luật về quyền của phụ nữ, trẻ em nhằm đảm bảo bình đẳng giới.
Song song, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới.
Đặc biệt, hằng năm tổ chức tốt và hiệu quả Tháng hành động vì sự bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới, định kỳ từ 15/11 đến 15/12.