Bài toán sơ tán công dân khỏi Afghanistan
(ĐCSVN) – Nếu như Mỹ không quyết định gia hạn thời gian để sơ tán công dân, thì điều này có nghĩa là các nước chỉ còn 7 ngày để đưa công dân của mình cũng như người dân bản địa ra khỏi Afghanistan.
Mỹ có lùi thời hạn rút quân khỏi Afghanistan?
Truyền thông quốc tế đưa tin, hàng chục nghìn người vẫn tập trung ở các khu vực quanh sân bay Kabul với mong muốn rời khỏi Afghanistan trong bối cảnh lực lượng Taliban lên nắm quyền kiểm soát đất nước. Số lượng chuyến bay có hạn, trong khi việc kiểm soát an ninh diễn ra chặt chẽ khiến cho nhiều nước lo ngại không thể sơ tán toàn bộ nhân viên ở Afghanistan trước thời hạn ngày 31/8.
Binh sỹ Mỹ đảm bảo an ninh cho công tác sơ tán người dân tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, Afghanistan ngày 18/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 21/8 tuyên bố Mỹ và các nước đồng minh không thể sơ tán hàng chục nghìn nhân viên Afghanistan và gia đình họ khỏi quốc gia Tây Nam Á này trước thời hạn chót. Ông Borrell cho biết các quan chức châu Âu đã "phàn nàn" với phía Mỹ rằng công tác đảm bảo an ninh của họ tại sân bay Kabul quá nghiêm ngặt và cản trở những người Afghanistan từng làm việc cho các nước châu Âu vào được sân bay này.
Trong khi đó, các quan chức cấp cao Mỹ cho biết nước này đang chạy đua với "thời gian và không gian" để sơ tán người khỏi Afghanistan. Việc kiểm tra nghiêm ngặt cũng nhằm để ngăn chặn những nguy cơ và mối đe dọa đối với an ninh. Một số nhà lập pháp Mỹ đưa ra cảnh báo về nguy cơ những kẻ khủng bố hoặc tội phạm có thể lọt qua sân bay Kabul. Ngày 22/8, Mỹ thông báo đã đóng cửa sân bay Kabul trong 48 giờ để tổ chức vận chuyển hết những người đã vào bên trong sân bay. Mỹ sẽ chỉ cho phép công dân nước này, những người thuộc các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và người có thẻ xanh được vào sân bay Kabul bắt đầu từ ngày 23/8.
Hiện tại, gần 6.000 quân Mỹ đang kiểm soát hoàn toàn hoạt động tại sân bay Kabul, từ việc điều hành không lưu, cứu hỏa cho đến đảm bảo an ninh quanh khu vực sân bay và tuần tra không phận Kabul. Do đó, việc ở lại hay rút đi của lực lượng này có ý nghĩa rất lớn đối với chiến dịch di tản mà các nước phương Tây đang thực hiện.
Do vậy, các nước đang tiến hành sơ tán công dân khỏi Afghanistan cho rằng cần có thêm thời gian để hoàn tất các hoạt động hiện nay. Và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phải đưa ra quyết định cuối cùng về việc đi hay ở thêm vài ngày tại Afghanistan. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản là các lãnh đạo các nước thuyết phục và ông Biden đồng ý, mà quan trọng hơn là lực lượng Taliban cũng phải đồng ý cho việc Mỹ ở lại sau ngày 31/8. Trước đó, người phát ngôn của Taliban từng tuyên bố 31/8 là thời hạn chót Mỹ phải hoàn tất việc rút khỏi Afghanistan nếu không muốn bị xem là chiếm đóng, và cảnh báo sẽ có hậu quả nếu lực lượng Mỹ ở lại sau thời gian này.
Hàng chục nghìn người vẫn tìm kiếm cơ hội rời khỏi Afghanistan
Cho đến nay, tổng số người được di tản khỏi Afghanistan từ tháng 7/2021 trên các chuyến bay của Mỹ là 53.000 người, trong đó 48.000 người được di tản từ ngày 14/8 khi lực lượng Taliban tiến vào Kabul.
Trong khi đó, Pháp đã sơ tán được gần 1.200 người, trong đó có gần một trăm công dân Pháp, gần một nghìn người Afghanistan. Trong 2 tuần qua, Anh đã sơ tán khoảng 8.600 người khỏi Afghanistan, riêng trong vòng 24 giờ qua là 2.000 người. Ngày 24/8, các máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã lên đường thực hiện nhiệm vụ sơ tán nhân viên ngoại giao, công dân nước này và các nhân viên người Afghanistan làm việc tại Đại sứ quán Nhật Bản. Các quốc gia khác, bao gồm Canada, Italy, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Australia cũng đang tiến hành sơ tán công dân.
Người dân Afghanistan tập trung gần sân bay ở Kabul với hy vọng được lên máy bay rời khỏi đất nước, ngày 20/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Hàng chục nghìn người đang tìm kiếm cơ hội rời khỏi Afghanistan quanh khu vực sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, biến nơi đây trở thành khu vực tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Gần 20 người được cho là đã chết vì bị giẫm đạp trong đám đông hỗn loạn hoặc bị trúng đạn trong những ngày qua.
Bên cạnh các công dân nước ngoài và các công dân Afghanistan có “đủ điều kiện” lên các máy bay sơ tán để rời khỏi Afghanistan thì còn một bộ phận người dân quốc gia Tây Nam Á này không có giấy tờ hoặc không đủ điều kiện, họ là những người tìm cách chạy trốn sang các nước láng giềng để xin tị nạn. Tuy nhiên, thực tế khắc nghiệt hơn những gì họ nghĩ: nhiều nước không muốn đón chào họ.
Pakistan có đường biên giới hơn 2.600 km với Afghanistan, từ lâu đã phải nhận người tị nạn Afghanistan trong suốt các cuộc xung đột vào những năm 1970, 1980. Nhiều người Pakistan bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng, họ không muốn tiếp nhận thêm người tị nạn Afghanistan bởi cuộc sống của họ cũng đã quá khó khăn rồi. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã siết chặt biên giới, bắt giữ bất cứ người Afghanistan nào vượt biên từ Iran sang. Trong khi Australia thậm chí còn triển khai chiến dịch truyền thông tới người tị nạn Afghanistan rằng có tìm cách vượt biên trái phép vào Australia cũng sẽ “không có bất cứ cơ hội thành công” nào.
Rõ ràng, thách thức đối với những người mong muốn rời khỏi Afghanistan vẫn còn nhiều. Thời hạn 7 ngày cho công cuộc di tản khỏi đất nước dưới quyền kiểm soát của Taliban có lẽ sẽ vẫn là bài toán khó mà nhiều người phải loay hoay đi tìm lời giải./.