Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài cuối: Kỳ vọng vào Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá

Chủ Nhật, 09/06/2024 22:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thiết chế văn hóa thôn, bản dù chỉ là một chỉ tiêu trong rất nhiều các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của văn hóa quốc gia nhưng bởi là thiết chế gần dân, sát dân nhất nên nếu được quan tâm phát triển thỏa đáng sẽ góp phần thiết thực nâng cao chất lượng đời sống văn hoá ngay từ cơ sở. Để giải quyết căn bản các khó khăn đang gặp phải trong phát triển thiết chế này thì sự kỳ vọng vào Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá càng lớn.

Tại Tây Nguyên, nhà Rông là thiết chế văn hóa truyền thống ở buôn, làng (ảnh: CTV)

Là một trong những nội dung được nêu ra tại nghị trường phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV đối với Tư lệnh ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho thấy thiết chế văn hoá thôn, bản - thiết chế nhỏ nhất trong 4 thiết chế văn hoá do ngành Văn hoá đang quản lý tưởng là chuyện nhỏ nhưng hoá ra lại không phải vậy.

Cụ thể, trong phiên chất vấn chiều ngày 5/6/2024, dẫn Báo cáo số 136/BC-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi chưa được thường xuyên, hiệu quả là do thiếu thiết chế văn hóa, thể thao tại cơ sở, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về giải pháp nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi?

Góp phần làm rõ hơn vấn đề này cùng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nêu trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới đã nêu 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó có một nhóm nhiệm vụ giải pháp rất quan trọng, đó là nâng cao mức thụ hưởng văn hóa của người dân; đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế cơ sở văn hóa cho từng vùng, từng địa phương...

Trên tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 là cơ sở để ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong Chương trình có Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì thực hiện.

Từ nguồn lực đầu tư của Chương trình, hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục triển khai thực hiện: hỗ trợ đầu tư xây dựng 20 mô hình văn hóa cấp thôn; xây dựng 800 câu lạc bộ và sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn, bản vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ xây dựng 3.590 thiết chế văn hóa, thể thao cấp thôn… 

Qua thông tin của người đứng đầu Ủy ban Dân tộc và nhìn vào các chỉ tiêu nêu trên thấy rằng phát triển thiết chế văn hóa thôn, bản tiếp tục được Đảng, Nhà nước ta quan tâm trong giai đoạn 2021 - 2025, bởi đây là nơi để các hoạt động văn hoá diễn ra, vừa với ý nghĩa nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, vừa bảo tồn văn hoá truyền thống và còn được nâng lên một mức cao hơn nữa, đó là gắn với sinh kế cho một làng, bản làm du lịch cộng đồng; khắc phục tình trạng “sự thiếu vắng của các thiết chế văn hoá sẽ làm giảm đi cơ hội tiếp cận, thực hành và thụ hưởng văn hoá của người dân” (Nguyễn Huy Phòng, 2024) cùng tình trạng “các thiết chế được đầu tư, xây dựng ở vùng đồng bào dân tộc không xây thì đang thiếu, nhưng xây thì sử dụng thế nào cho hiệu quả?” như người đứng đầu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trăn trở khi trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Thanh Hương.

 Lớp truyền dạy nghệ thuật đàn Tính của đồng bào dân tộc Tày xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn được tổ chức trong nhà văn hóa của thôn, xóm (Ảnh: CTV)

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hoá ở thôn, bản vùng đồng bào DTTS và miền núi, khắc phục những “điểm trắng” về thiết chế văn hoá thôn, bản ở những vùng đặc biệt khó khăn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn hoá. Quan điểm mới của Đảng ta về văn hoá  được thể hiện trong bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 là: “Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Văn hoá phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực, nguồn lực nội sinh trong quá trình phát triển. Đầu tư cho văn hoá là đầu tư cho phát triển, đầu tư cho tương lai. Chỉ khi đạt được đến sự thống nhất về nhận thức thì các cấp, các ngành và toàn xã hội mới có sự quan tâm, đầu tư, ưu tiên nguồn lực cho văn hoá nhiều hơn.

Vùng DTTS và miền núi cần được ưu tiên đặc biệt về chính sách phát triển văn hoá, trong đó có thiết chế văn hoá thôn, bản. Bởi vùng có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng, lại là kho báu về văn hoá các DTTS. Đầu tư cho vùng góp phần gia tăng sức mạnh mềm văn hoá, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, và ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xâm lăng, áp đặt văn hoá từ bên ngoài - TS. Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu quan điểm.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện thể chế, bắt đầu từ việc nhận diện những bất cập như Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu trong nội dung trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Thanh Hương. Chẳng hạn thiết chế văn hóa cấp xã, thôn không thuộc loại hình đơn vị sự nghiệp công nên không áp dụng được Luật Quản lý và sử dụng tài sản công và Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường, việc thực hiện xã hội hoá đối với các thiết chế này được thực hiện theo hướng cho thuê, liên doanh, liên kết. Do vậy việc quản lý, khai thác ra sao, cần phải được bàn rõ. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu điều chỉnh cho phù hợp, “bởi vì thiết chế văn hóa là điều kiện cần và đủ để hình thành môi trường văn hóa. Nếu không có thiết chế văn hóa thì sẽ rất khó khăn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết. 

Trong Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, bảo đảm ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; 80% các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hoá…”

Hiện nay, Chính phủ đã trình Quốc hội chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025 - 2035. Một trong 10 nội dung thành phần trong Chương trình là “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả. Xây dựng môi trường văn hoá từ cơ sở; tập trung đầu tư, khai thác, phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hoá thể thao tại cơ sở, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhu cầu thụ hưởng văn hoá của nhân dân…”.

Để đảm bảo tập trung nguồn lực và thống nhất quản lý, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển Dự án 6 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi vào Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá trong giai đoạn 2026 - 2030. Đề xuất này đã được sự đồng thuận của Ủy ban Dân tộc - cơ quan chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Chính phủ cũng đề ra mục tiêu tăng mức đầu tư cho văn hoá tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm. Chỉ khi Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá được ban hành thì mới khai thông được các nguồn lực, mở ra cơ hội hoàn thành chỉ tiêu về đầu tư xây dựng, sửa chữa số lượng công trình thiết chế văn hóa nói chung, thiết chế văn hóa thôn, bản vùng đồng bào DTTS nói riêng và chỉ tiêu về chất lượng thông qua việc đầu tư trang thiết bị hoạt động cho hệ thống thiết chế này.

Ba là, cấp uỷ, chính quyền các tỉnh vùng DTTS và miền núi trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cần quan tâm, có trách nhiệm xây dựng, ban hành, bố trí nguồn lực để phát triển thiết chế văn hoá thôn, bản đảm bảo hiệu quả, thống nhất, phù hợp với nhu cầu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế ở các tỉnh Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Kon Tum cho thấy, nơi nào cấp uỷ, chính quyền quan tâm thì việc phát triển thiết chế này dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có cơ hội. 

Bốn là, cộng đồng là chủ thể quan trọng trong sáng tạo, thực hành, trao truyền và thụ hưởng các giá trị văn hoá. Vì thế đồng bào cần được tham gia vào quản lý thiết chế văn hoá thôn, bản. Các cấp, các ngành cần mạnh dạn trao quyền, gia tăng trách nhiệm cho thôn, bản và đồng bào DTTS trong việc sử dụng nguồn vốn, thiết kế xây dựng công trình phù hợp với nhu cầu của cộng đồng.

Năm là, về nguồn nhân lực, trong bối cảnh nguồn nhân lực quản lý thiết chế văn hoá còn thiếu, cần huy động thêm sự tham gia của những người có ảnh hưởng với cộng đồng như người có uy tín, già làng, nghệ nhân vào việc duy trì hoạt động tại nhà văn hoá thôn, bản.

 Nhờ có nhà văn hóa bản được xây dựng khang trang nên các chị em dân tộc Thái ở Bản Pom Cại (xã Mường Tùng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) có nơi sinh hoạt và tổ chức hoạt động phong trào phụ nữ (ảnh: TQ)

LỜI KẾT

Chúng tôi muốn kể câu chuyện ở thôn Bản Tát nằm giữa vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, thuộc xã đặc biệt khó khăn Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Với 99% dân số, người Mông chiếm gần như tuyệt đối dân cư ở đây.

Khi màn đêm buông xuống, sự âm u, bí hiểm của núi rừng bị phá tan bởi những chương trình biểu diễn văn nghệ ngay tại khu vực nhà văn hóa thôn, do chính người Mông biểu diễn để phục vụ khách du lịch. Các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” như múa khèn, múa gậy sinh tiền, hát dân ca… tuy mộc mạc, giản dị nhưng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông đã mang lại sự hứng khởi, phấn khích cho khách du lịch. Thông thường, sau buổi biểu diễn, mỗi thành viên thu nhập 100.000 - 200.000đồng, một khoản thu nhập rất quý với những người đang sống dựa chủ yếu vào nghề nông ở một nơi xa xôi, hẻo lánh, đồng thời mở ra niềm hy vọng cho đồng bào vào khả năng phát triển kinh tế trên nền bản sắc văn hóa dân tộc.  

Đây là một ví dụ cho thấy trong không gian, môi trường của thiết chế văn hoá, đồng bào sẽ được thoả sức sáng tạo, bộc lộ phẩm chất, năng lực và kết nối cộng đồng. Ví dụ này cũng cho thấy nguồn lực văn hóa có thể tham gia tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của vùng DTTS và miền núi nói riêng, của quốc gia nói chung, nhất là kinh tế du lịch. Vậy nên, trong phiên thảo luận của các đại biểu Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa (ngày 8/6/2024), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã lưu ý: “bao giờ ba vấn đề về kinh tế, xã hội và văn hóa cũng cần đi liền, gắn bó mật thiết với nhau. Vì vậy, văn hóa cần phải được phát triển xứng tầm”.

Rất mừng là hiện nay, các đại biểu Quốc hội và dư luận quần chúng nhân dân đều đang hết sức ủng hộ việc Quốc hội sớm thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, trong đó có mục tiêu về phát triển thiết chế văn hóa thôn, bản nhằm phấn đấu hoàn thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đặt ra: “Gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao mức sống nhân dân. Xây dựng, phát huy yếu tố văn hoá để thực sự là đột phá phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế” và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”.

Hành trình vạn dặm bắt đầu từ những bước đi nhỏ. Thiết chế văn hóa thôn bản dù chỉ là một chỉ tiêu trong rất nhiều các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của văn hóa quốc gia, song bởi là thiết chế gần dân, sát dân nhất nên nếu được quan tâm phát triển thỏa đáng sẽ góp phần thiết thực nâng cao chất lượng đời sống văn hoá ngay tại nơi đồng bào sinh sống; là “bệ đỡ” cho các mô hình phát triển kinh tế du lịch cộng đồng, đồng thời góp phần tạo sự ổn định về chính trị, xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh con người, hướng đến sự phát triển bền vững, bao trùm, toàn diện; tạo nguồn sức mạnh nội sinh, sức mạnh mềm để xây dựng quốc gia phồn vinh, hạnh phúc và giới thiệu hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới./.

Phương Liên - Trần Quỳnh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN