Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 4: Xây dựng thiết chế văn hoá vùng dân tộc miền núi - Khó chồng khó

Thứ Ba, 04/06/2024 21:50 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Vai trò của nhà văn hoá thôn, bản đã rất rõ nhưng không phải nơi nào cũng có sự quan tâm thoả đáng hoặc do nhiều nguyên nhân mà việc phát triển thiết chế này còn gặp nhiều khó khăn. Kinh nghiệm từ những địa phương làm tốt vì thế càng cần được nghiên cứu, tham khảo

Những hình mẫu phát triển thiết chế văn hoá thôn, bản…

Nếu nói về sự quan tâm, có lẽ Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Sơn La - ba tỉnh thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi là những ví dụ điển hình.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của các thiết chế văn hoá, giai đoạn 2015 - 2020, Ninh Bình đã chi đầu tư cho sự nghiệp văn hoá lên tới 3,37% tổng chi ngân sách toàn tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025, chi đầu tư cho các công trình, dự án văn hoá chiếm 20% tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn của địa phương.

Để xây dựng các công trình văn hoá, thể thao thôn, xóm, bản, tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng một công trình nhà văn hoá; cấp huyện hỗ trợ từ 20 - 50 triệu đồng một công trình xây mới, hỗ trợ từ 10 - 20 triệu đồng một công trình sửa chữa, nâng cấp.

Với cơ chế này, trong 7 năm, từ 2016 - 2023, đã có 502 nhà văn hoá thôn, xóm, bản, tổ dân phố được đầu tư xây mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Nếu như năm 2010, tỉnh mới chỉ có 986/1.669 thôn, xóm, bản, làng có nhà văn hoá, đạt 59,08%. Đến năm 2023, đã có 1.616/1.679 thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố có nhà văn hoá, sân thể thao, khu thể thao đơn giản, đạt 96,25%.

Nhà văn hóa thôn 4 Vân Trung (xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) được đầu tư xây dựng đang trong quá trình hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho bà con (ảnh: Báo Ninh Bình)

Tại các thôn, xóm, bản, làng đã có nhà văn hoá đều thành lập ban chủ nhiệm gồm người phụ trách và các thành viên ở cộng đồng. Người phụ trách thường do Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Trưởng ban Công tác mặt trận đảm nhiệm.

Các nhà văn hoá thôn, xóm, làng, bản được xây dựng gắn liền với sân thể thao phổ thông trên diện tích chung từ 400m2 trở lên, hội trường có sức chứa thấp nhất 80 chỗ ngồi và được trang bị các thiết bị cơ bản phục vụ hoạt động văn hoá, thể thao của nhân dân. Hàng năm, các cơ quan chuyên ngành về văn hoá cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho hạt nhân văn nghệ là thành viên các đội, nhóm, câu lạc bộ văn nghệ; các lớp bồi dưỡng về quản lý và nghiệp vụ chuyên môn cho các thành viên quản lý nhà văn hoá - khu thể thao thôn.

Do được đầu tư về cơ sở vật chất, được bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ thường xuyên nên theo đánh giá của tỉnh Ninh Bình, thiết chế nhà văn hoá thôn, bản đã cơ bản tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương; tổ chức các hoạt động văn hoá, vui chơi giải trí; xây dựng và phát triển các tổ, đội văn nghệ, bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ, góp phần xây dựng phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng.

Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có 837 tổ, đội, nhóm văn nghệ quần chúng, với nhiều hình thức hoạt động đa dạng, phong phú, duy trì thường xuyên sinh hoạt, luyện tập và biểu diễn, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.

Tỉnh Vĩnh Phúc những năm qua cũng đã ban hành nhiều chính sách đặc thù đầu tư cho hệ thống thiết chế văn hoá thôn, bản. Chẳng hạn, tỉnh hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng xây nhà văn hoá thôn 100 triệu đồng/thôn; hỗ trợ 50 triệu đồng/thôn mua sắm trang thiết bị hoạt động nhà văn hoá thôn miền núi, cao hơn 10 triệu đồng/thôn đồng bằng; hỗ trợ xây dựng khu thiết chế văn hoá, thể thao Làng Văn hoá kiểu mẫu các công trình phụ trợ với mức 15 tỷ đồng/làng.

Với sự đầu tư mạnh tay của tỉnh, 1.237 thôn, tổ dân phố (100%) ở Vĩnh Phúc đã có nhà văn hoá. Trong đó 23 thôn và 5 tổ dân phố xây dựng Làng Văn hoá kiểu mẫu đã được đầu tư xây dựng toàn diện các công trình đảm bảo chất lượng trên diện tích từ 5.000 m2 trở lên.

Các hoạt động văn hoá, văn nghệ tại thôn, bản ở Vĩnh Phúc phát triển theo cơ chế tự quản, chủ yếu là mô hình câu lạc bộ, có tổ chức hoạt động và sinh hoạt định kỳ, có học tập, biểu diễn, giao lưu, trao đổi nghiệp vụ. Đây là một trong những loại hình được nhiều đối tượng người dân tham gia, phát triển sôi nổi, sâu rộng tại các thôn, bản. Toàn tỉnh hiện có 133 câu lạc bộ dân vũ, 556 câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ. Mỗi câu lạc bộ có từ 30 - 60 hội viên. Các thành viên tham gia ở nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp. Có người là nội trợ, có người là công nhân, cán bộ, công chức, lao động tự do, hưu trí, trẻ em…

Mặc dù là tỉnh biên giới, đang còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh Sơn La luôn quan tâm phát triển sự nghiệp văn hoá cơ sở. Theo số liệu của UBND tỉnh, đến hết năm 2023, Sơn La có 2.155/2.247 nhà văn hoá tổ, bản, tiểu khu, đạt 96%. UBND tỉnh đã tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết, trong đó quy hoạch đất sử dụng cho hệ thống thiết chế văn hoá - thể thao cấp bản, tiểu khu, tổ dân phố tối thiểu 300 - 500 m2 (khu vực dành cho nhà văn hoá là 200 m2).

Hằng năm, tỉnh đều giao dự toán đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hoá. Giai đoạn 2013 - 2023, đã bố trí thực hiện 3.582 lượt đầu tư xây dựng mới, sửa chữa với tổng kinh phí thực hiện gần 1.351 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho hệ thống nhà văn hoá - khu thể thao cấp bản lên tới gần 867 tỷ đồng, chiếm trên 64% tổng kinh phí. Sơn La cũng đã xây dựng được cơ chế quản lý thiết chế văn hoá thôn bản chủ yếu do Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, Trưởng ban Công tác Mặt trận hoặc Trưởng các tổ chức đoàn thể quản lý.

Đối với việc huy động nguồn lực xã hội để đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất các thiết chế văn hoá, thể thao ở các bản, tiểu khu, tổ dân phố, ngân sách địa phương hỗ trợ tuỳ theo khả năng cân đối, phần còn lại huy động xã hội hoá từ các hộ dân, tổ chức, đoàn thể, công ty, doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh. Với những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị và hỗ trợ một phần chi phí hoạt động.

Ngoài ra, tỉnh còn đẩy mạnh huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, các đoàn thể, nhân dân và tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để xây dựng và duy trì hoạt động của các thiết chế văn hoá, thể thao, đặc biệt là ở thôn, bản. Từ đó xuất hiện ngày càng nhiều các nhà văn hoá, khu thể thao thôn, bản có giá trị xây dựng lên đến hàng tỷ đồng.

Nhưng đa số gặp nhiều khó khăn trong phát triển thiết chế văn hoá thôn, bản

Một thực tế phải thừa nhận là những tỉnh có sự quan tâm và đầu tư mạnh tay cho thiết chế văn hoá thôn, bản như Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Sơn La không phải là nhiều ở vùng DTTS và miền núi, dẫn đến việc xây dựng và hiệu quả hoạt động của thiết chế này rất khó khăn.

Địa hình đồi núi cao, chia cắt, dân cư thưa ở các tỉnh miền núi là một trong những khó khăn lớn nhất cản trở quá trình đầu tư xây dựng thiết chế nhà văn hoá thôn, bản (ảnh: TQ)

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, một địa phương đang phấn đấu lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, đến nay, số thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng mới chỉ đạt 70,8%, chưa đạt mục tiêu nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh là từ 75 - 80%. Toàn tỉnh vẫn còn gần 30% thôn, bản, tổ dân phố chưa có nhà văn hoá, đa số đều ở địa bàn vùng khó khăn do thiếu kinh phí và không huy động được nguồn lực xã hội hoá hoặc ngay tại vùng đô thị trung tâm nhưng không có quỹ đất.

Bên cạnh đó, các thiết chế này được xây dựng từ nhiều chương trình, dự án khác nhau, phần lớn không đạt tiêu chuẩn theo quy định, có nơi được cải tạo từ các nhà trẻ, nhà kho hợp tác xã cũ, thiếu trang thiết bị để hoạt động. Việc quy hoạch, thiết kế nhà văn hoá ở vùng đồng bào DTTS không phù hợp. Một số nhà văn hoá xây dựng xa khu dân cư nên hoạt động không thuận tiện. Công tác vệ sinh môi trường khu vực nhà văn hoá chưa được quan tâm, thiếu hạng mục công trình phụ trợ, cây xanh. Nhà văn hoá thôn đang được giao cho nhiều đối tượng quản lý, chưa có mô hình quản lý, chưa ban hành quy chế hoạt động để thống nhất trong toàn tỉnh.

Tại tỉnh Bắc Giang - địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao dẫn đầu cả nước năm 2023 nhưng đến nay, vẫn còn 16 thôn, bản chưa có nhà văn hoá, chủ yếu tại hai huyện DTTS, miền núi là Lục Ngạn và Sơn Động; còn 66 nhà văn hoá thôn kiêm nhiệm và 414 nhà văn hoá thôn chưa đạt tiêu chuẩn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc sáp nhập thôn bản. Sau sáp nhập, diện tích, quy mô các nhà văn hoá cũ không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng khi mà số lượng dân cư tăng lên rất nhiều. Thực trạng vừa thừa, vừa thiếu nhà văn hoá thôn đang là nghịch lý. Bên cạnh đó, nhiều nhà văn hoá thôn xây dựng đã lâu, theo quy mô dân số cũ nên hầu hết không đủ sức chứa, xuống cấp so với yêu cầu của đơn vị mới. Do vậy, để có nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng đáp ứng quy mô dân số mới, cần xây mới hoặc cơi nới, mở rộng một số các công trình nhà văn hoá hiện có. Việc này cần có kinh phí nhưng “vẫn còn một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa quan tâm cân đối, bố trí ngân sách để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng các thiết chế văn hoá” - theo đánh giá của UBND tỉnh Bắc Giang.

Tại tỉnh Kon Tum - địa phương có 43 dân tộc cùng chung sống, thiết chế văn hoá thôn bản được đầu tư khá cơ bản, với 619/756 nhà văn hoá thôn, nhà rông được xây mới, sửa chữa, nâng cấp nhưng lại gặp khó ở chỗ chưa có cơ chế đầu tư kinh phí nhà nước nên mỗi khi các câu lạc bộ, các đoàn thể ở thôn bản tổ chức hoạt động nào thì đơn vị đó tự gây quỹ để triển khai.

Tựu chung lại, khó chồng khó trong việc phát triển thiết chế văn hoá thôn, bản theo đánh giá của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch là do quy hoạch đất và quy mô xây dựng ở vùng DTTS và miền núi gặp khó khăn bởi địa hình đồi núi dốc, không có mặt bằng, diện tích nhỏ hẹp, vị trí không thuận lợi nên không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đối với các thôn, bản sau sáp nhập, khó mở rộng xây dựng hệ thống thiết chế mới do không còn quỹ đất hoặc quỹ đất không tập trung.

Tại Bản Kéo (xã đặc biệt khó khăn Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) - nơi có 100% dân số là đồng bào dân tộc Xinh Mun sinh sống, dù tỷ lệ hộ nghèo còn trên 69% nhưng bà con đã góp mỗi hộ 200.000 đồng để cùng nguồn lực Nhà nước xây nhà văn hoá bản - ảnh: PL

Về cơ sở vật chất, kỹ thuật: đối với nhà văn hoá ấp, nhất là các tỉnh phía Nam chủ yếu tận dụng văn phòng ấp làm điểm sinh hoạt cộng đồng, nhiều nhà văn hoá hiện có chưa phát huy hết công năng, còn lãng phí thời gian hoạt động. Một số nơi xây dựng ở xa khu dân cư, không thuận tiện cho việc tổ chức các hoạt động để thu hút đông đảo người dân tham gia.

Về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, nhiều địa phương chưa xây dựng được phụ cấp kiêm nhiệm cho người phụ trách thiết chế văn hoá ở thôn, bản.

Về tổ chức hoạt động: nhiều địa phương chưa có quy chế quản lý, khai thác, tổ chức hoạt động; chưa quan tâm và có biện pháp hỗ trợ hoạt động của nhà văn hoá thôn, bản.

Về kinh phí, kết quả bố trí vốn ngân sách trung ương so với khái toán tổng mức đầu tư nâng cấp, xây mới các công trình văn hoá theo Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ, vốn đầu tư ngân sách trung ương bố trí cho các dự án xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao thông qua các chương trình bổ sung có mục tiêu cho ngành Văn hoá, Thể thao, vốn hỗ trợ cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (nội dung thiết chế văn hoá cơ sở) đều thấp.

Theo số liệu của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2014 - 2015, vốn bố trí cho nâng cấp, xây mới các công trình văn hoá chỉ đạt 49 tỷ đồng/1.320 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020 là gần 153 tỷ đồng/2.458 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2025 là gần 408 tỷ đồng/6.683 tỷ đồng. Còn trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, vốn sự nghiệp ngân sách nhà nước chi cho các nội dung thành phần có liên quan đến xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hoá (huyện, xã, thôn) là con số cực kỳ khiêm tốn… chỉ 5,2 tỷ đồng.

Ở nhiều địa phương, tỷ lệ chi cho các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch mới đạt 1,72% tổng chi ngân sách nhà nước (thấp hơn mục tiêu 2%); kinh phí xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị và kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên của nhà văn hoá thôn bản chủ yếu do nhân dân đóng góp, huy động các nguồn tài trợ. Việc huy động nguồn lực xã hội cho xây dựng, tổ chức hoạt động của thiết chế văn hoá các cấp còn vướng mắc, khó khăn, đặc biệt ở các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tổng hợp những yếu tố đó đã khiến cho thiết chế văn hoá thôn bản thiếu, chưa đảm bảo tiêu chuẩn quy định, chưa phù hợp về công năng sử dụng và đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hoá, tinh thần của đồng bào.

Kết cục là theo đánh giá của Đoàn Giám sát của Quốc hội, riêng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tính đến 6/2023, kết quả đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn; vẫn còn 04 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM dưới 30%; 16 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh “trắng xã NTM”. Số lượng xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM còn rất hạn chế. Trong các tiêu chí được đánh giá là cần phải cố gắng nhiều mới có thể hoàn thành có tiêu chí số 6 về Cơ sở vật chất văn hóa.

Trong bối cảnh phát triển thiết chế văn hoá thôn, bản ở đại đa số các tỉnh vùng DTTS và miền núi gặp khó khăn thì sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền và kinh nghiệm tổ chức thực hiện của các tỉnh Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Sơn La rất cần được tổng kết, đánh giá để các địa phương khác tham khảo, áp dụng./.

-----------------------

Mời đọc: 

Bài cuối: Kỳ vọng vào Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá

Phương Liên - Vân Hà - Phương Nam

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN