Bài 4: Chuyển đổi số đang “bén duyên” để nâng tầm du lịch Quảng Nam
(ĐCSVN) - Quảng Nam - Địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Thời gian qua, các cấp uỷ, chính quyền và ngành chức năng cũng như các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều quan tâm, đầu tư phát triển du lịch. Trong đó, “du lịch thông minh” đang được triển khai với nền tảng số, công nghệ số, kinh tế số đã bắt đầu “bén duyên” ở địa phương này.
- Bài 1: Nền tảng ban đầu trong chuyển đổi số ở Quảng Nam
- Bài 2: Vai trò “bà đỡ” của Bưu điện trong chuyển đổi số ở Quảng Nam
- Bài 3: Chuyển đổi số trong lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam
Để rõ hơn những chuyển động và kết quả bước đầu về chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch tại Quảng Nam, phóng viên (PV) đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thanh Hồng - Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Nam về vấn đề này.
Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng |
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, xin đồng chí giới thiệu khái quát đến bạn đọc về thực trạng việc ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin để quảng bá, giới thiệu về tiềm năng du lịch của tỉnh hiện nay?
Đồng chí Nguyễn Thanh Hồng: Du lịch Việt Nam là ngành kinh tế năng động và có tốc độ phát triển nhanh chóng. Việc liên kết chặt chẽ ngành du lịch Việt Nam với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường kết nối số và phát triển du lịch số.
Xác định được tầm quan trọng cũng như xu hướng tất yếu của chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, đồng thời nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, thời gian qua ngành Du lịch tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực, triển khai thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và giới thiệu, quảng bá cũng như thông tin, hướng dẫn cho du khách thăm quan, tìm hiểu các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
Dựa trên hiện trạng và nhu cầu du lịch của tỉnh, các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch tỉnh Quảng Nam đã được triển khai như: phân tích hành trình trải nghiệm của du khách; lợi ích của khách du lịch, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy du lịch phát triển. Các phần mềm ứng dụng đã được xây dựng để du khách có thể thực hiện một chương trình du lịch hoàn toàn qua hệ thống internet, từ tìm hiểu, cập nhật thông tin về Quảng Nam qua các cổng thông tin du lịch, mạng xã hội và các diễn đàn du lịch; thông tin về vé, phòng khách sạn; tra cứu các sự kiện văn hóa, điểm đến, ẩm thực, giao thông, thời tiết; tương tác mạng xã hội trên suốt lịch trình; thanh toán dịch vụ bằng thẻ ngân hàng; nhận các thông tin sự kiện văn hóa, thể thao du lịch Quảng Nam; đánh giá, góp ý về chất lượng dịch vụ, phục vụ,...
Đặc biệt, trên cơ sở Đề án “Du lịch thông minh” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam chủ trì, được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2022- 2025; đồng thời, kết hợp xã hội hóa xây dựng Trang thông tin visitquangnam.com với nhiều ngôn ngữ để quảng bá du lịch Quảng Nam đến với thế giới, ngành Du lịch Quảng Nam xác định đây chính là nền tảng hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch, giúp cho các chủ thể dễ dàng tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn. Mặt khác, du lịch Quảng Nam thời gian qua cũng tận dụng mọi tiềm năng, thế mạnh cả về vật chất, nguồn lực, tiềm năng, nhất là những thành tựu của khoa học kỹ thuật, công nghệ để vận dụng, triển khai nhiều công việc liên quan đến các lĩnh vực quản lý và hoạt động chuyên môn của ngành. Sắp tới đây, Quảng Nam sẽ tiếp tục phát huy các nền tảng, công nghệ số để không ngừng quảng bá, giới thiệu cũng như xây dựng thương hiệu và lợi thế du lịch mà địa phương đang sở hữu để đưa du lịch của địa phương đến với bạn bè, du khách gần xa.
Tỉnh Quảng Nam khai trương hệ thống du lịch thông minh tỉnh Quảng Nam (5/2022). |
PV: Có thể thấy du lịch Quảng Nam bước đầu thích ứng và triển khai hiệu quả các thành tựu công nghệ thông minh cho phát triển du lịch. Vậy những phần mềm, công nghệ số nào mà ngành Du lịch địa phương đã và đang ứng dụng, triển khai hiệu nay thưa đồng chí? các đơn vị, địa phương, điểm (khu) du lịch nào đã làm tốt?
Đồng chí Nguyễn Thanh Hồng: Hiện ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đang triển khai hệ thống du lịch thông minh trên toàn tỉnh, được sử dụng tại Trung tâm thông tin xúc tiến Du lịch tỉnh, có khả năng chia sẻ, dùng chung cho các ứng dụng, dịch vụ du lịch của tỉnh và cả nước.
Trong đó, Cổng thông tin chung của du lịch Quảng Nam với tên miền https://quangnamtourism.com.vn/ và ứng dụng cho điện thoại thông minh là Quangnamtourism chạy trên các hệ điều hành di động iOS và Android. Được tích hợp bản đồ số du lịch Quảng Nam, giúp các du khách tìm kiếm thông tin hữu ích một cách chủ động trong suốt chuyến đi. Từ việc tra cứu các thông tin cơ bản, các sự kiện đang và sắp diễn ra, lịch trình chuyến bay, tàu xe,... tới việc kết nối du khách với các điểm đến, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, cơ sở mua sắm,... Ứng dụng còn hỗ trợ cảnh báo về tình trạng tắc nghẽn giao thông quanh khu vực du khách đang đứng, vùng cảnh báo an ninh trật tự, vùng cảnh báo dịch bệnh,… Quangnamtourism được xem như một “trợ lý du lịch ảo” uy tín cho du khách. Cùng với đó, trang thông tin visitquangnam.com với nhiều ngôn ngữ giúp quảng bá du lịch Quảng Nam đến với thế giới.
Bên cạnh đó, nhiều điểm đến và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cũng năng động hơn trong xây dựng du lịch thông minh. Đối với Khu di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, du khách có thể truy cập khám phá về Mỹ Sơn đều có trên ứng dụng, như: Lịch sử, giá trị, địa chỉ tham quan, thông tin về chất lượng hay dịch vụ ẩm thực… Tuy nhiên, nếu chỉ cung cấp những thông tin này thì đã có nhiều trang thông tin thực hiện. Cổng thông tin hay ứng dụng còn đưa ra rất nhiều chỉ dẫn tiện ích cho du khách như: Phương tiện di chuyển, kinh nghiệm mua đồ lưu niệm, bản đồ du lịch…; ứng dụng cũng hướng dẫn khách có thể tự thiết kế tour tham quan Mỹ Sơn tùy thuộc vào thời gian của du khách. Du khách cũng có thể tìm kiếm các địa điểm du lịch, dịch vụ, thương mại của tỉnh Quảng Nam hiển thị dưới dạng bản đồ google map hoặc danh sách, trải nghiệm và khám phá các địa điểm bằng công nghệ ảnh 360 độ, đặt phòng khách sạn, đặt tour du lịch, các dịch vụ đặt chỗ và thương mại điện tử... Các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, youtube, Instagram, tiktok… Các nền tảng thông minh cho phép khách du lịch khám phá Quảng Nam... và đặt các dịch vụ qua mạng hết sức thuận lợi.
|
PV: Thực tế chuyển đổi số với du lịch Quảng Nam đang ở giai đoạn đầu, vậy đồng chí cho biết những khó khăn của ngành khi triển khai chuyển đổi số và các giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Đồng chí Nguyễn Thanh Hồng: Trong quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Du lịch tại Quảng Nam hiện chưa đồng bộ và thống nhất. Những hoạt động số hóa trong ngành còn rời rạc và chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ để kết nối và đồng nhất, dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành và đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, cũng như những lĩnh vực khác, việc chuyển đổi số của ngành du lịch đang đối mặt với không ít khó khăn, như: Thiếu hụt nguồn lực (bao gồm nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực); văn hóa doanh nghiệp; thiếu hụt dữ liệu (bao gồm các báo cáo, phân tích thông tin); tâm lý trong việc tiếp cận và ứng dụng… Đối với doanh nghiệp đang hoạt động khi tiến hành chuyển đổi số sẽ phải áp dụng công nghệ mới dẫn đến vấn đề chi phí đầu tư bước đầu khá lớn.
Du lịch thông minh được phát triển trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông. Đây là điều kiện, tiền đề tiên quyết. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng về công nghệ để phát triển ở Quảng Nam chưa cao; cùng với đó hạ tầng cơ sở cũng đang là vấn đề bất cập. Xây dựng hạ tầng viễn thông tại các điểm du lịch tại Quảng Nam không hề đơn giản, hạ tầng công nghệ thông tin (mạng lưới viễn thông, trang thiết bị hiện đại đi kèm) ở các huyện, thị xã, thành phố không đồng đều, chênh lệch rõ rệt giữa khu vực nội thành, khu vực trọng điểm so với các vùng ngoại thành, nông thôn…
Ngoài ra, các dữ liệu chung cần chia sẻ giữa du lịch Quảng Nam với du lịch cả nước và thế giới; giữa du lịch với các lĩnh vực khác… hiện chưa thống nhất, đồng bộ, kết nối thông suốt, còn nhiều lĩnh vực, khoảng trống tiếp tục cập nhật, bổ sung, nâng cấp….
Hiện nay, tại các khu du lịch như phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn… ngành Du lịch Quảng Nam sử dụng công nghệ thông tin để cập nhật thông tin liên quan đến du lịch, điểm du lịch và bán vé cho khách tham quan. |
Để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển bền vững trong thời gian tới, ngành Du lịch Quảng Nam xác định một số mục tiêu chuyển đổi số để tập trung đầu tư, thực hiện như: Xây dựng và phát triển một hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch thống nhất giúp kết nối, liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; tập trung hệ tài nguyên số, dữ liệu số dùng chung toàn tỉnh, cung cấp dữ liệu mở phục vụ cơ quan quản lý hoạch định chính sách; gia tăng trải nghiệm du lịch thông minh, mang đến cho du khách nhiều tiện lợi, từ việc tìm thông tin, lên ý tưởng tới việc đặt, giao dịch và thanh toán điện tử.
Các doanh nghiệp du lịch cần chú trọng xây dựng hệ thống quản trị, vận hành trên nền tảng công nghệ; tận dụng nguồn dữ liệu lớn để phân tích, thấu hiểu khách hàng; tăng cường quảng bá trên các nền tảng số du lịch; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ với các nước phát triển để học hỏi kinh nghiệm; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sử dụng và vận hành công nghệ, sẵn sàng tiếp cận và thích ứng với du lịch thông minh; cần đổi mới hoạt động quảng bá, xúc tiến trên cơ sở áp dụng công nghệ số và thiết bị số tiên tiến. Từ đó, giúp nâng tầm hình ảnh về tỉnh Quảng Nam và con người Quảng Nam thân thiện trong mắt du khách; về tiềm năng du lịch Quảng Nam với các thế mạnh về du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đến bạn bè, du khách gần xa.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!