Bài 2: Vai trò “bà đỡ” của Bưu điện trong chuyển đổi số ở Quảng Nam
(ĐCSVN) - Chuyển đổi số đang là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị và có sự tích cực tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Với Bưu điện Quảng Nam - hiện đang là đơn vị khá thành công với những nhiệm vụ được chính quyền tỉnh giao, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở địa phương.
Bưu điện Quảng Nam là doanh nghiệp Nhà nước, được giao và tham gia cung cấp hệ thống các dịch vụ công (công ích) trên địa bàn tỉnh. Chia sẻ những công việc mà đơn vị đã triển khai trong thời gian qua, Giám đốc Bưu điện Quảng Nam Trần Việt Hùng cho biết, trên cơ sở Đề án chuyển đổi số Quốc gia và Đề án chuyển đổi số của tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, Bưu điện Quảng Nam đã trực tiếp tham gia nhiều công việc có liên quan, qua đó góp phần định hình những nền tảng và bước đi ban đầu của quá trình chuyển đổi số ở địa phương.
Cụ thể, ở lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC), qua triển khai các nhiệm vụ mà lãnh đạo và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh giao, Bưu điện Quảng Nam dần khẳng định được vai trò là “Cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương trong CCHC nói chung và chuyển đổi số nói riêng đến với người dân.
Ông Trần Việt Hùng - Giám đốc Bưu điện Quảng Nam |
“Bưu điện Quảng Nam trên cơ sở kế hoạch, cách làm, lộ trình chuyển đổi số của UBND tỉnh đã từng bước trở thành “bà đỡ”, trực tiếp hướng dẫn giúp người dân làm quen để tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Quá trình này nhân lực của ngành Bưu điện tham gia đầy đủ ở các cấp từ tỉnh, huyện, thành phố đến xã, phường, thị trấn và triển khai ở cả 04 nội dung theo Đề án chuyển đổi số gồm: Chính quyền số, Xã hội số, Kinh tế số và Công dân số”- ông Trần Việt Hùng khẳng định.
Trước hết, trên lĩnh vực xã hội số, Bưu điện Quảng Nam đã cùng các cấp chính quyền thực hiện CCHC, trong đó đã tham gia đảm nhận nhiệm vụ tại bộ phận “một cửa” từ tỉnh đến cơ sở. Với việc tham gia công tác này, bưu điện đã giúp hệ thống hành chính các cấp giảm áp lực về biên chế, thực hiện tinh giảm biên chế ở các cơ quan hành chính địa phương.
Cùng với việc giảm áp lực về biên chế, việc vận hành bộ phận “một cửa” luôn đòi hỏi sự rạch ròi, minh bạch, kịp thời trong giải quyết các thủ tục hành chính. Ở góc độ này, từ khi bưu điện được tham gia đảm nhận đã có sự chuyển biến rõ nét, không còn tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, gây tốn kém về thời gian và chi phí tiền của cho Nhân dân khi đến bộ phận “một cửa”.
Đến nay, tại bộ phận “một cửa” cấp tỉnh, nhân viên bưu điện đã thay cho đội ngũ cán bộ của 16/16 sở, ngành tỉnh để làm các thủ tục hành chính như: Tiếp nhận hồ sơ, chuyển phát kết quả. Người dân chỉ đến một lần, sau khi có kết quả nhân viên bưu điện sẽ trực tiếp chuyển phát đến tận nhà cho người dân.
Cũng liên quan đến Xã hội số, Bưu điện Quảng Nam đã tiến hành số hoá hồ sơ công dân, tổ chức, doanh nghiệp. Qua phần mềm số hoá được UBND tỉnh triển khai ở cả 3 cấp chính quyền (tỉnh, huyện và cơ sở), tại bộ phận “một cửa”, nhân viên bưu điện sẽ Scan các hồ sơ, chuyển toàn bộ hồ sơ giấy thành hồ sơ số. Từ đó, các bộ phận có liên quan tham gia xử lý hồ sơ đều phải thực hiện qua hồ sơ số này. Đồng thời, tất cả dữ liệu số hoá đó cũng được lưu trữ, cung cấp trên cổng Dịch vụ công của tỉnh.
Người dân huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cài tài khoản ngân hàng trên điện thoại thông minh để thanh toán không dùng tiền mặt. |
Ngoài ra, trong thời gian qua, Bưu điện Quảng Nam cũng đã cập nhật địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn tỉnh. Theo ông Trần Việt Hùng, Giám đốc Bưu điện tỉnh Quảng Nam: Đến nay, số lượng địa chỉ thu thập tại Quảng Nam được Bưu điện tỉnh thực hiện là 420.772 địa chỉ; trong đó số địa chỉ nhà dân độc lập là 335.833 địa chỉ; số lượng địa chỉ có số nhà của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, UBND các xã, phường, thị trấn, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở bưu điện là 44.789 địa chỉ; các địa chỉ đã được kiểm tra rà soát các trường thông tin cơ bản của tỉnh là 420.772 địa chỉ. Tất cả các địa chỉ trên được Bưu điện Quảng Nam cập nhật trên không gian số. Sau khi cập nhật, đơn vị đã chuyển giao để Trung ương quản lý, cung cấp trên cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Trước đó từ năm 2000, Bưu điện Quảng Nam cũng đã cập nhật, hoàn thành hệ thống mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh để cung cấp trên cổng “Tìm mộ liệt sĩ” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý. Qua cổng này, đã giúp thân nhân liệt sĩ tìm kiếm mộ liệt sĩ là người thân của mình được dễ dàng, chính xác; đồng thời công tác quản lý mộ liệt sĩ cũng hiệu quả, đảm bảo các yêu cầu đặt ra.
Cùng với các nhiệm vụ trên, từ năm 2021, Bưu điện Quảng Nam đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh triển khai hệ sinh thái hành chính công, cấp tài khoản PostID, cài đặt App công dân số, App chính quyền số, cổng Smart Quảng Nam cho người dân và cán bộ chính quyền địa phương. Đây là những địa chỉ giúp chính quyền và người dân Quảng Nam tương tác, giải quyết các công việc liên quan trên không gian mạng.
Về kinh tế số, theo Giám đốc Bưu điện tỉnh Quảng Nam, đơn vị đã giúp người dân đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử để buôn bán, trao đổi. Trong đó, đã hỗ trợ người dân đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm vùng miền lên sàn thương mại điện tử Postmart để bán online. Tính đến nay, tổng số nhà cung cấp được lên sàn là 297 tài khoản với 1.451 sản phẩm; có 112 nhà cung cấp OCOP với 128 sản phẩm; 25 nhà cung cấp sản phẩm vùng miền với 135 sản phẩm. Cạnh đó, Bưu điện Quảng Nam cũng cung cấp 150 điểm bán bưu điện với gần 1.200 sản phẩm.
Bưu điện Quảng Nam ký kết với Ngân hàng MB hỗ trợ người dân mở tài khoản ngân hàng online. |
“Bưu điện tiến hành thu gom hàng từ hộ sản xuất, chuyển phát đến người nhận và thu hộ tiền bán hàng cho hộ sản xuất. Đồng thời cũng kết nối hệ thống vận chuyển, logistics cho một số doanh nghiệp; hỗ trợ kinh doanh trong tỉnh, nhất là hỗ trợ tiêu thụ một số sản phẩm OCOP trên sàn và hệ thống cửa hàng Postmart của Bưu điện tỉnh. Với cách làm này, sản phẩm của người dân được trao đổi, buôn bán trực tuyến, hàng hoá được bưu điện chuyển đến tận nhà người mua”- Giám đốc Bưu điện Quảng Nam thông tin.
Về Công dân số, theo ông Trần Việt Hùng, hiện tại Quảng Nam đang phát triển mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bưu điện tỉnh đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các ứng dụng đảm bảo thuận lợi giúp người dân dễ sử dụng. Nhờ đó, việc người dân tiếp cận dịch vụ và mở tài khoản ngân hàng trên điện thoại thông minh được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. Bưu điện tỉnh đã làm việc với các ngân hàng; bình quân mỗi ngày toàn tỉnh mở khoảng 1.000 tài khoản cho người dân và dự kiến trong tới cả tỉnh sẽ mở thêm khoảng 60.000 tài khoản ngân hàng của người dân, tạo thuận lợi để Nhân dân thanh toán, trao đổi online mà không dùng tiền mặt.
Với những nỗ lực đó, Bưu điện Quảng Nam hiện đang có những đóng góp tích cực, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở địa phương. Đồng thời khẳng định được vị trí là “bà đỡ”, giúp người dân tiếp cận hệ thống các dịch vụ công qua chuyển đổi số hiệu quả, thiết thực./.