Bài 3: Tăng cường “vaccine” phòng ngừa, loại trừ tin giả
(ĐCSVN) - Cùng với xu thế phát triển của khoa học công nghệ, tin giả, tin sai sự thật đã trở thành loại “virus thông tin” hết sức nguy hiểm. Trong đó, tin giả liên quan đến dịch COVID-19 đã luôn đi liền với những hậu quả tiêu cực, gây hoang mang trong dư luận và đe dọa hủy hoại những nỗ lực phòng, chống dịch của nhân dân ta trong suốt gần hai năm qua. Do vậy, phòng ngừa và loại trừ tin giả là vấn đề có ý nghĩa quan trọng hiện nay.
“Tin thật đánh bật tin giả”
Tính đến đầu năm 2021, dân số Việt Nam đạt hơn 97,3 triệu người, trong đó có 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm trên 73% dân số cả nước. Với việc tích hợp rất nhiều tính năng tiện ích, mạng xã hội đang trở thành nơi để người sử dụng có thể chia sẻ các thông tin, hình ảnh một cách dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin tích cực, mạng xã hội còn là môi trường chứa đựng nhiều thông tin thiếu kiểm định, tin giả, thông tin sai trái, thậm chí, có những thông tin xuyên tạc, gây hại đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia.
Mặt khác, theo phân tích của nhiều chuyên gia, một nguyên nhân khiến tin giả xuất hiện ngày càng nhiều đó là do việc công bố tin chính thống, tin đã được kiểm chứng thường diễn ra chậm, thiếu tính thời sự. Không ít trường hợp, sau khi tin giả xuất hiện nhiều giờ, nhiều ngày thì cơ quan có trách nhiệm mới đưa ra thông tin chính thức theo kiểu “chữa cháy”.
Do đó, để ngăn chặn tin giả liên quan đến dịch COVID-19, cấp ủy, chính quyền các cấp cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh để thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn, cung cấp thống tin cho báo chí; cử người phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin, trong mọi tình huống bảo đảm thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ; tuân thủ kỷ luật phát ngôn, thống nhất đầu mối phát ngôn. Cần tránh tình trạng cùng một nội dung, sự việc nhưng lại phát ngôn không thống nhất dẫn tới việc bị lợi dụng để suy diễn, xuyên tạc. Cán bộ, đảng viên, cá nhân chủ trì các cơ quan, đơn vị và những người có ảnh hưởng xã hội cần đề cao trách nhiệm khi chia sẻ nội dung, thông tin liên quan đến dịch bệnh. Việc cung cấp thông tin theo hướng chủ động, kịp thời, chính xác sẽ là cơ sở thực hiện phương châm “tin thật đánh bật tin giả”; khi đó, người dân sẽ sớm được tiếp cận với thông tin chính thống và tin giả, tin sai sự thật sẽ không còn "đất sống", không còn cơ hội gây ra những tác động tiêu cực đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Cung cấp thông tin theo hướng kịp thời, chính xác sẽ giúp đẩy lùi tin giả, tin sai sự thật. (Ảnh minh họa/ TTXVN). |
Bên cạnh đó, về lâu dài, cần phát huy tốt chức năng thông tin của báo chí, truyền thông trong việc cung cấp kịp thời thông tin chính thống, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức về dịch COVID-19 cho các tầng lớp nhân dân. Như cách nói của đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Là một “vaccine đặc biệt” trong cuộc chiến chống dịch bệnh, báo chí cần cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, trung thực, giúp củng cố, xây đắp niềm tin xã hội.
Thực tế, công tác thông tin báo chí kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam cho đến nay đã góp phần tạo nên sự đồng thuận xã hội, xây dựng niềm tin của nhân dân, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, yêu nước và truyền thông góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội nhằm chung tay phòng, chống đại dịch thành công.
Phát huy những kết quả nói trên, gắn với yêu cầu ngăn chặn, loại trừ tin giả liên quan đến dịch COVID-19, thời gian tới, các cơ quan báo chí trung ương và địa phương cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích..., từ đó chủ động, tích cực tuyên truyền, cập nhật các thông tin chính xác liên quan đến tình hình dịch COVID-19; hoạt động phòng, chống dịch; các cách làm hay, tập thể điển hình, cá nhân tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch. Đẩy mạnh thông tin về những nỗ lực trong công tác điều trị và các kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào điều trị, các loại thuốc hỗ trợ điều trị đang phát triển và thử nghiệm thành công trong nước, tiến độ nhập, phân phối, tiêm vaccine gắn với việc thiết lập các vùng an toàn; các giải pháp mới của ngành y tế trong việc đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, tự xét nghiệm.... ở các địa phương trong cả nước.
Mới đây, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với tập thể lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu tăng cường tuyên truyền; kịp thời cập nhật thông tin, đồng thời phản bác các tin giả, xấu, độc về dịch bệnh để không gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân... Để thực hiện tốt điều này, vai trò của báo chí là hết sức quan trọng. Thông tin chính thống, tin thật, tin tích cực lan tỏa manh mẽ sẽ có ý nghĩa lớn trong việc định hướng nhận thức, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội, giúp đẩy lùi tin giả, tin sai sự thật.
Phát huy sức mạnh tổng hợp...
Tin giả nói chung, tin giả liên quan đến dịch COVID-19 hiện đang là vấn đề có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tình trạng này chỉ có thể được ngăn chặn, đẩy lùi với sự vào cuộc hiệu quả của các lực lượng có liên quan trên cơ sở những giải pháp đồng bộ, toàn diện. Để hạn chế tình trạng phát tán tin giả, ngày 23/7 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Văn bản số 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT về việc thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, sai sự thật về COVID-19 trên mạng.
Theo đó, để tạo ra “vaccine đặc trị” đối với tin giả, vấn đề quan trọng hiện nay là cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật, phổ biến rộng rãi đến mọi người dân những văn bản quy phạm liên quan đến các hành vi tung tin giả; tác hại, hậu quả của việc phát tán tin giả, chia sẻ thông tin sai sự thật... Qua đó góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng trong sử dụng mạng xã hội. Khi nhận thức đúng, có đủ kiến thức cần thiết người dân sẽ bình tĩnh, không nhẹ dạ, cả tin, hoang mang trước những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. Mặt khác, thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục sẽ giúp cho người dân am hiểu hơn về pháp luật, nắm rõ về các chế tài xử lý đối với hành vi tung tin giả, tin thất thiệt và những biểu hiện lơ là, chủ quan, thực hiện không nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19… để tự giác chấp hành.
Lực lượng Công an làm việc với đối tượng tung tin giả về dịch COVID-19. (Ảnh: Công an thành phố Đà Nẵng) |
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp lý, xử phạt nặng hơn nhằm tăng sức răn đe đối với các hành vi vi phạm liên quan đến việc phát tán, lan truyền tin giả. Trên cơ sở các quy định của Luật An ninh mạng, Bộ luật Hình sự, Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp dịch vụ Internet và thông tin trên mạng..., cần bổ sung những chế tài cụ thể để hạn chế tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật.
Đồng thời, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong ngăn chặn, xử lý tin giả. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác nắm bắt, phát hiện kịp thời tin giả, sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Khi phát hiện tin giả, sai sự thật, các lực lượng chức năng như Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an); Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng); Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam thuộc Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông)... cần kịp thời xác minh đối tượng phát tán tin giả, phối hợp với đơn vị liên quan để thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, sai sự thật; chủ động phối hợp xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến phát tán, tung tin giả, tin sai sự thật.
Đặc biệt, cần chú trọng phát huy vai trò tích cực của từng cá nhân khi tham gia mạng xã hội. Khi tham gia vào không gian mạng, mỗi người dân đồng thời đóng cả 3 vai trò: Sản xuất thông tin, tiêu thụ thông tin và phát tán thông tin. Do đó, việc ngăn chặn, đẩy lùi tin giả phụ thuộc rất lớn vào nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành vi của mỗi cá nhân. Khi tiếp nhận thông tin, cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, thận trọng; tuyệt đối không đăng tải, bình luận những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật...
Trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, mỗi người dân chính là một chiến sĩ, không chỉ chiến đấu chống dịch COVID-19, mà còn cần tỉnh táo, có trách nhiệm trước “virus” tin giả để vừa có thể góp phần chiến thắng đại dịch, vừa chung tay xây dựng được một môi trường mạng xã hội thực sự văn minh, lành mạnh./.