Bài 1: Muôn kiểu tin giả, tin sai sự thật về dịch COVID-19
(ĐCSVN) - Không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng xã hội, tin giả liên quan đến dịch COVID-19 còn tạo ra nhiều tác động tiêu cực ở những mức độ khác nhau đối với công tác phòng, chống dịch. Do đó, ngăn chặn, đẩy lùi tin giả đang là yêu cầu mang tính cấp thiết đối với “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19 hiện nay.
Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch. Trong cuộc chiến với dịch COVID-19, nhiều thông tin chính xác, tích cực đã góp phần nhân lên quyết tâm chống dịch, lan tỏa những thông điệp nhân văn, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng chung sức, đồng lòng phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có không ít tin giả, tin sai sự thật liên quan đến dịch COVID-19 được lan truyền một cách cố ý, nhất là trên không gian mạng. Thời gian gần đây, trong khi dịch COVID-19 liên tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, thì trên không gian mạng, tình trạng phát tán tin giả, sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19 lại có dấu hiệu gia tăng.
Cơ quan chức năng Thành phố Hà Nội làm việc với một đối tượng có hành vi "cung cấp thông tin sai sự thật" liên quan đến dịch COVID-19. (Ảnh: Phạm Linh) |
Tin giả (fake news) có thể được hiểu là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung, được phát tán trên Internet và các phương tiện truyền thông. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhất là các mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube..., đã trở thành mảnh đất màu mỡ để tin giả xuất hiện và lan truyền. Tin giả nói chung, tin giả liên quan đến dịch COVID-19 nói riêng đang trở thành một thực trạng đáng báo động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định xã hội; hạn chế hiệu quả hoạt động phòng, chống dịch của các địa phương và các lực lượng chức năng.
Trước hết, tin giả liên quan đến dịch COVID-19 là những thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh, gây tâm lý hoang mang trong dư luận xã hội. Còn nhớ, trong đợt dịch COVID-19 đầu tiên ở nước ta, những thông tin dạng như thế này đã tạo ra tâm lý bất ổn trong một bộ phận nhân dân. Nhiều người đã ra sức tích trữ lương thực, thực phẩm; tạo ra tình trạng khan hiếm hàng hóa cục bộ; gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng hàng hóa tại nhiều địa phương. Gần đây nhất, thời điểm cuối tháng 7/2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, các đối tượng tung tin giả đã xoáy sâu vào nỗi lo lắng, sợ hãi, bất an của người dân bằng thủ đoạn cắt, ghép hình ảnh kèm theo những thông tin sai sự thật như “xác người chết vì COVID-19 chất đầy trong phòng” hay “người dân tự thiêu để phản đối công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở Thủ Đức”...
Một tin giả liên quan đến việc tiêm vaccine phòng COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh chụp màn hình). |
Đặc biệt, tin giả liên quan đến dịch COVID-19 còn là những thông tin sai lệch về công tác phòng, chống dịch bệnh; xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền các cấp. Trên mạng xã hội đã từng lan truyền dòng trạng thái của một facebooker xuyên tạc phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để đưa ra những thông tin suy diễn vô căn cứ như: “dịch bùng ra một cái, chắc chắn Việt Nam sẽ bứt lên Top 1 ngay”; “không có việc Nhà nước lo và ra viện được tặng hoa nữa đâu”; “Hà Nội 11 triệu dân chỉ có khoảng 300 cái (máy thở)”... Hay mới đây, khi Quân đội huy động cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh bảo đảm nhu cầu cuộc sống trong thời gian giãn cách xã hội, một số đối tượng đã cố tình tung tin sai sự thật trên mạng xã hội về việc “Quân đội thực hiện thiết quân luật tại TP Hồ Chí Minh”. Cùng với thông tin này là hình ảnh “xe thiết giáp chắn đường”, “quân đội mặc đồ bảo hộ cầm súng”... Nhưng qua xác minh, các xe thiết giáp trong hình là những phương tiện tham gia buổi luyện tập Khu vực phòng thủ ở Hải Phòng từ nhiều tháng trước đó; còn hình ảnh “quân nhân ôm súng” lại là hình ảnh quân đội nước ngoài với những khẩu súng không phải là trang bị của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hình ảnh về tin giả liên quan đến cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh. (Ảnh chụp màn hình) |
Bên cạnh đó, còn là hàng loạt thông tin giả kết hợp với các luận điệu kích động người dân nhằm gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch; những tin giả núp dưới bóng những việc làm tích cực, nghĩa hiệp (không có thực) để định hướng dư luận một cách tinh vi hoặc nhằm mục đích trục lợi cá nhân. Điển hình là tin giả về việc “Người dân quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh bỏ về khi biết tiêm vắc xin Trung Quốc". Nhưng thực tế, tại thời điểm thông tin này được lan truyền (ngày 13/8), thì hoàn toàn không có việc tổ chức tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19 trên địa bàn quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh, làm rõ để xử lý hành vi vi phạm của chủ tài khoản đưa thông tin sai sự thật này. Hoặc tin về việc “Bác sỹ Khoa rút máy thở của mẹ để nhường cho sản phụ”. Đây là sự việc hoàn toàn không có thật. Hệ quả là, nhiều “anh hùng bàn phím” đã chia sẻ thông tin này kèm theo những bình luận sai trái, phiến diện như “Thành phố Hồ Chí Minh thiếu máy thở để điều trị bệnh nhân COVID-19”, “Nhiều bệnh nhân COVID-19 tử vong do không được cứu chữa kịp thời”...
Rõ ràng, với cách thức biểu hiện, nội dung, tính chất khác nhau nhưng tin giả liên quan đến dịch COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội đã trở thành tác nhân gây hoang mang, tâm lý bất ổn, hoảng loạn trong nhân dân; ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước. Sẽ càng nguy hiểm hơn, khi những tin giả này bị các đối tượng chống đối, thù địch, phản động lợi dụng nhằm mục đích tuyên truyền, kích động chống phá Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc./.