Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 2: Giảm nghèo vùng dân tộc thiếu số và miền núi: Trong cái khó, ló cái khôn

Thứ Tư, 05/08/2020 15:04 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sinh sống, lao động sản xuất trong điều kiện bất lợi, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thường xuyên chịu rủi ro bởi biến đổi khí hậu, thiên tai và thiếu đất sản xuất nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số không khoanh tay ngồi yên mà chủ động biến thách thức thành cơ hội, chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng để tạo thêm sinh kế, tìm cách thoát nghèo bền vững.

Ở các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, Bắc Kạn nói riêng, trồng cỏ nuôi bò là một phương thức sản xuất đã tồn tại nhiều năm nay. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận nó như một cách để người nông dân ứng phó với biến đổi khí hậu thì mô hình này luôn chứng tỏ tính kinh tế và thời sự cao.

Mô hình chuyển đổi đất lúa ngập úng sang trồng cỏ nuôi bò nhốt đã giúp gia đình Chu Thị Lan thoát nghèo thay đổi cuộc sống (ảnh: Phương Liên)

Gia đình chị Chu Thị Lan, dân tộc Tày ở thôn Nà Mỵ, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn là một ví dụ. Nếu diện tích đất trồng lúa trước kia được coi là “bờ xôi ruộng mật” giúp gia đình chị Lan có điều kiện trồng 2 vụ lúa/năm, song những năm gần đây, thường xuyên diễn ra mưa lũ bất thường nên có những năm tưởng được mùa bỗng lại thành thất bát. Chị Lan nhận thấy mỗi khi mưa lũ về, lúa thì chết thối do ngập úng, nhưng nước úng lại làm cỏ dại  lại mọc xanh tốt. Vậy là từ tháng 3/2019, gia đình chị Chu Thị Lan đã chuyển diện tích ruộng gần 01 ha trước đây chuyên trồng lúa ở ven suối sang trồng cỏ, thừa sản lượng để nuôi nhốt vỗ béo trâu, bò. Chị Lan vui vẻ cho biết, trung bình một con trâu, bò vỗ béo mất từ một tháng rưỡi đến hai tháng, lãi từ 800.000 - 1.500.000đ/con.

Bên cạnh đó, những năm trước, nhà chị Lan chăn nuôi trâu, bò theo phương thức chăn thả bãi. Cách làm đó vừa khiến gia đình tốn nhân lực để chăn dắt, vừa đối mặt với nguy cơ trâu, bò chết rét vào mùa đông do thiếu thức ăn. Phải mất 2 - 3 năm, gia đình chị mới được xuất bán một lứa trâu, bò nên hiệu quả kinh tế không cao. Những nguyên nhân đó là động lực để gia đình chị Lan mạnh dạn đầu tư chuồng trại kiên cố và chuyển đổi diện tích đất trồng lúa bấp bênh sang trồng cỏ nuôi bò nhốt.

Giờ thì mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt đã không còn xa lạ đối với nhiều địa phương ở vùng cao. Ở các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang cũng có mô hình “nuôi bò trên lưng”, là một cách nói ví von từ việc trồng cỏ, cắt cỏ, vác cỏ trên lưng về nuôi bò nhốt, tương tự như ở Bắc Kạn.

Nhưng không phải chỗ nào cũng ngập úng, vì có nhiều nơi lại trong tình trạng khô hạn. Xã Địa Linh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn là một ví dụ. Nơi này trước đây luôn đủ nước tưới tiêu, nhưng mấy năm gần đây, phần do biến đổi khí hậu nắng nóng kéo dài ít mưa, phần do tác động của con người đã nên trở bị khô hạn. Gia đình chị Nông Thị Thảo sinh sống ở thôn Nà Đúc của xã Địa Linh cùng nhiều gia đình khác là những đối tượng đầu tiên chịu tác động của hạn hán.

 Chị Nông Thị Thảo bên giàn bí xanh thơm đặc sản của Bắc Kạn mỗi năm cho thu nhập gần 30 triệu đồng (ảnh: Phương Liên)

Chị Nông Thị Thảo nhận ra rằng, trong thời tiết khô hạn cây bí xanh thơm lại phát triển rất tốt, càng hạn khô thì quả bí càng có màu xanh đậm và mùi thơm, cho sản lượng cao. Vậy là chị Thảo đã chuyển sang trồng bí xanh thơm, biến mặt hàng nông sản đặc hữu chỉ trồng được trên vùng đất xã Địa Linh này thành đặc sản của quê hương.

Trên diện tích 2.000 m2 ruộng lúa năm ngoái đang bị khô hạn, nay chuyển sang trồng bí xanh thơm 1 vụ, chị Thảo thu 30 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 20 triệu đồng. Vụ còn lại có nước, chị duy trì trồng lúa, đảm bảo đủ lương thực cả năm cho gia đình. Chị Thảo cho biết, nếu trồng lúa 2 vụ một năm như trước đây thì cũng chỉ bán được chừng 6 - 7 triệu đồng, bằng 1/3 thu nhập so với trồng bí.

Giờ thì không chỉ có gia đình chị Nông Thị Thảo mà cả xã Địa Linh đã chuyển đổi sang trồng quả bí xanh thơm; và đang nhân rộng mô hình này ra toàn huyện Ba Bể. Quả bí xanh thơm của Bắc Kạn đã bắt đầu xuất hiện trong một số siêu thị của Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác.

Liên quan đến chuyện ngập nước, xuôi vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nước biển dâng, xâm nhập mặn là vấn đề rất nhức nhối, làm đau đầu những người trồng lúa và nuôi trồng thủy sản ở nơi đây. Nhưng nếu biết khai thác, tận dụng và điều tiết được độ mặn trong nước thì sẽ rất thích hợp với nuôi tôm nước lợ. Hiện nay, Hợp tác xã Cua biển Năm Căn (thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) đang thí điểm xây dựng mô hình nuôi tôm sinh thái dưới rừng ngập mặn, bước đầu cho kết quả đáng phấn khởi. Vụ tôm cuối năm 2018, năng suất tôm thu hoạch tại ao nuôi thực nghiệm có xử lý đáy ao và thực hiện quy trình mới cao hơn năm 2017 từ 5 đến 7%. Chất lượng con tôm đồng đều, sức sống khỏe, không phát hiện bệnh dịch. Hiệu quả kinh tế tăng 10 - 12% so với năm trước đó. Sau thành công ban đầu, mô hình này đang được chuyển giao và nhân rộng cho nhiều hộ gia đình quanh vùng cùng triển khai để tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo.

 Mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn tại Hợp tác xã Cua biển Năm Căn (thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) - ảnh: Hà Xuyên

Ngược trở ra miền Trung, đến Quảng Nam bây giờ không khó để tìm được những hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ đổi mới tư duy, chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội. Điển hình như ông Nguyễn Văn Lượng, từ một hộ nghèo dân tộc Cadong, nhiều năm theo đuổi trồng lúa nước không đủ ăn, trồng rừng thì toàn những cây cho giá trị kinh tế không cao. Vậy là từ năm 2008, ông Lượng đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng sâm Ngọc Linh, nay đã có trên 20 ngàn gốc sâm, trở thành tỷ phú của huyện Nam Trà My. Hay như hộ ông Ra Pát Mơi, thôn A tép 2, xã Bhalêê, huyện Tây Giang, năm 2009, vay ngân hàng 5 triệu đồng để chuyển đổi từ rừng khộp giá trị thất sang trồng rừng kinh tế, đến nay, gia đình có 4 ha keo lá tràm, 5 con bò và đã thoát nghèo bền vững; hộ chị Hồ Thị Danh, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My vay vốn ngân hàng để trồng keo và chăn nuôi bò, nay đã có 3,5 ha keo và 4 con bò. Gia đình anh Phạm Văn Đoàn, hộ nghèo người dân tộc Cadong, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My mạnh dạn vay vốn chương trình hộ nghèo 50 triệu đồng và 15 triệu đồng theo Quyết định 755/QĐ-TTg, nay, gia đình anh đã thoát nghèo với trang trại 15 con heo giống và 1,5 ha rừng.

Những gia đình trên đều có mẫu số chung thoát nghèo từ kinh tế vườn rừng là bởi lẽ khí hậu vùng này ngày càng khô hạn, mưa ít, nắng nhiều, không thích hợp với canh tác nông nghiệp trồng lúa, nhưng rất phù hợp với trồng rừng kết hợp phát triển chăn nuôi. Vì vậy họ đã tự chuyển đổi mô hình sản xuất và đã có được thành công ban đầu.

Đất Quảng Nam duyên hải miền Trung khó khăn là vậy, thì trên vùng Tây Nguyên xa xôi còn khó khăn bội phần. Xuất phát từ thực tế cuộc sống ở một xã vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt vùng Tây Nguyên, chị Y Ró, người dân tộc Mơnâm, ở thôn Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã nhận thấy cây cà phê xứ lạnh có hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng cây lúa, cây mì, vì vậy nương theo thời tiết khô lạnh ở nơi đây để chọn trồng cây cà phê xứ lạnh làm sinh kế. Bước đầu trồng thí điểm 1 ha, thấy hiệu quả, chị đã quyết tâm vay 30 triệu đồng để mở rộng thêm diện tích trồng cà phê. Đến nay, thu nhập từ cây cà phê xứ lạnh của gia đình chị đạt trên 40 triệu đồng/năm, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, Y Ró đã tích cực tuyên truyền, vận động nhiều chị em hội viên phụ nữ chuyển đổi cây trồng và thành lập Tổ liên kết trồng cà phê. Đã có 139 hội viên phụ nữ tại 10/10 thôn của xã đăng ký tham gia mô hình tổ liên kết trồng cà phê. 15 gia đình hội viên bắt đầu thu hoạch sản phẩm từ mô hình, cho thu nhập bình quân 40 triệu đồng/hộ/năm, qua đó đã giúp những gia đình này thoát nghèo bền vững.

Ngược từ vùng Tây Nguyên ra Hà Giang, nơi địa đầu của Tổ quốc để biết thêm một mô hình vượt qua khó khăn, biến thử thách thành cơ hội xóa đói giảm nghèo. Đó là Hợp tác xã Lanh Trắng ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Chị Vàng Thị Cầu, người dân tộc Mông sinh ra và lớn lên chính tại nơi đây. Từ nhỏ chị Cầu đã biết nghề trồng lanh, dệt vải, làm thổ cẩm và làm ra những bộ quần áo truyền thống của người Mông. Nhưng vì không có vốn, không có nhân lực để thực hiện ước mơ phát triển nghề truyền thống, trong khi khí hậu vùng cao núi đá nơi đây rất phù hợp để trồng lanh, nhưng lại đang bỏ trống. Năm 2018, khi biết có hơn chục chị phụ nữ người Mông bị lừa bán sang Trung Quốc, sau đó được giải cứu về lại địa phương, nhưng không có việc làm, chị Vàng Thị Cầu đã liên hệ, tập hợp họ lại, dạy nghề và thành lập ra Hợp tác xã Lanh Trắng. Giờ thì Hợp tác xã Lanh Trắng đã hoạt động ổn định, mở rộng được vùng nguyên liệu, có sản phẩm, có khách hàng tiêu thụ, không chỉ phục vụ du lịch mà còn từng bước tìm thị trường xuất khẩu…

 Chị Vàng Thị Cầu (bên phải) Chủ nhiệm Hợp tác xã Lanh Trắng nhiệt tình dậy nghề truyền thống cho nhiều chị em dân tộc Mông có hoàn cảnh khó khăn tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang vươn lên thoát nghèo (ảnh: Trần Quỳnh)

Trên khắp mọi miền Tổ quốc, không khó để tìm thấy những mô hình do đồng bào dân tộc thiểu số không thụ động trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà năng động, sáng tạo, chủ động tìm sinh kế mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Những mô hình đó đã tạo thu nhập, giúp đồng bào ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai, thiếu đất sản xuất có xu hướng diễn ra ngày càng phức tạp ở nơi bà con sinh sống.

Nỗ lực biến thách thức thành cơ hội của đồng bào dân tộc thiểu số trong cuộc chiến chống lại đói nghèo càng trở nên đáng quý, đáng trân trọng vì đã góp phần không nhỏ vào thành tựu chung của quốc gia. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố, đến cuối năm 2019, tỷ lệ nghèo cả nước bình quân khoảng dưới 4% (giảm 1,3% so với cuối năm 2018). Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm khoảng 3 - 4% so với cuối năm 2018. Riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm gần 5%, góp phần đưa con số trên ở những địa bàn này còn dưới 29%. 

Rõ ràng trong kết quả xóa đói giảm nghèo “ngoạn mục” ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi những năm qua thì sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách, chương trình, dự án, trọng tâm là Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững có ý nghĩa quyết định.

Song có một thực tế là trong 4 năm, từ 2016 - 2019, Tiểu Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất trong Chương trình 135 (Dự án 2 - Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững) cũng mới chỉ xây dựng được 952 mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nông lâm kết hợp cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tham khảo vận dụng. Còn lại đa số các mô hình hiện nay đều là do người dân hình thành từ chỗ tự phát đến tự giác thích ứng với những biến đổi của khí hậu và thiên nhiên.

Như vậy, sự chủ động thích ứng với khó khăn, tìm mọi cách xoay xở để vươn lên đã cho thấy luôn tồn tại một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số có tư duy mới, có cách làm sáng tạo, vượt khó vươn lên, có khả năng truyền cảm hứng và dẫn dắt cộng đồng. Đó chính là biểu hiện của nội lực - nguồn nội sinh quan trọng mà các cơ chế, chính sách hiện nay đang luôn muốn hướng đến, nhất là trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn mà nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi lại đang rất lớn./.

Mời đọc Bài 3: Cần thực hiện mục tiêu “kép”: Thúc đẩy phát triển kinh tế hộ và giảm thiểu rủi ro do thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu

 

Trần Quỳnh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN