Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 2: Đổi mới tư duy trong “Tam nông” ở Quảng Nam

Thứ Ba, 09/05/2023 12:41 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Trước những khó khăn, hạn chế sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về vấn đề “Tam nông”, đồng thời nhằm hướng đến xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện đại và phát triển bền vững, đòi hỏi Quảng Nam trong thời gian tới cần có những giải pháp, bước đi có tính trọng tâm, trọng điểm và đột phá…

Quảng Nam đang tập trung đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Để giải quyết bài toán về những khó khăn, bất cập trong “Tam nông” ở địa phương, tỉnh Quảng Nam đang tập trung đẩy mạnh đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ nâng cao năng suất sang nâng cao giá trị, chất lượng gắn với an toàn thực phẩm; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững ở khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tăng tỷ trọng lâm nghiệp và thủy sản.

Bên cạnh đó, hiện Quảng Nam cũng đang tập trung nguồn lực đầu tư để giải quyết các vấn đề bức thiết, còn thiếu bền vững, đảm bảo cho người dân vùng miền núi có thu nhập ổn định từ bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế từ kinh tế rừng, kinh tế vườn, kinh tế trang trại; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ vùng sản xuất nguyên liệu các cây con chủ lực của tỉnh…

“Hiện nay và trong thời gian tới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang chịu tác động của nhiều nhân tố bên trong và bên ngoài, đan xen cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức. Đó là tác động mạnh mẽ, sâu sắc của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đó là tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh và những tác động của tiến bộ khoa học và công nghệ, yêu cầu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững… Để giữ vững, phát huy vai trò, thành quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập và những vấn đề đặt ra trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Quảng Nam phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chủ trương, chính sách, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp” - đồng chí Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam chia sẻ.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, sắp tới nông nghiệp Quảng Nam phải hướng đến một nền nông nghiệp sinh thái theo hướng bền vững, hiện đại. Trong đó, địa phương sẽ tập trung tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiến hành rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch cấp tỉnh sau khi các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng được phê duyệt đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Phát triển kinh tế nông thôn dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

leftcenterrightdel

Nuôi lợn đen - một trong những thế mạnh của nông nghiệp, nông thôn miền núi Quảng Nam
hiện đang được địa phương ưu tiên phát triển, nhân rộng.

Cùng với phát triển nông nghiệp, Quảng Nam đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động làm việc ở khu vực  công nghiệp, dịch vụ. Đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, làng nghề nông thôn, có chính sách thu hút khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ đầu tư vào nông thôn, nhất là doanh nghiệp thu hút nhiều lao động nông thôn. Bảo tồn, phát triển các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn. Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - nông nghiệp. Đẩy mạnh hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, trang trại, các chủ thể sản xuất OCOP.

“Hiện tỉnh đang chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy thế mạnh, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản”- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho hay và thông tin thêm: Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị; thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng; xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng theo tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Một giải pháp quan trọng nữa là tới đây, Quảng Nam sẽ tập trung phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở đổi mới, xây dựng, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn. Đồng thời dành nhiều nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác xã (HTX); đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Xây dựng và phát triển các loại hình hợp tác, HTX nông nghiệp kiểu mới, khởi nghiệp.

Địa phương cũng tiếp tục thu hút và hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp ở nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông sản. Xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn đa dạng, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với từng địa bàn; hỗ trợ phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chế biến nông sản đã được cấp quyền sở hữu công nghiệp, sản phẩm đã được bảo hộ, đồng thời hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của tỉnh./.

Bài, ảnh: Đình Tăng- Trọng Đức- Anh Tuấn- Bích Phượng- Phương Thanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN