Bài 1: Những cánh én báo mùa xuân
(ĐCSVN) - Năm 2022 có thể vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng những cánh én mùa xuân đã về. Cuộc sống “bình thường mới” vẫn tiếp diễn. Với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ đã có một hành trình vươn lên từ “bão giông” đúng nghĩa.
Dịch COVID-19 chưa biết khi nào mới chấm dứt. Năm 2022, kinh tế-xã hội có thể tiếp tục sẽ có nhiều khó khăn nhưng niềm tin và hy vọng cùng sự lạc quan vẫn tiếp tục được thắp sáng. Trong khó khăn, người ta nhận ra giá trị của tình thân và sự đoàn kết, đồng lòng. Chỉ có tinh thần đoàn kết, đồng lòng, vì sự phát chung mới có thể giúp chúng ta đi qua đại dịch và giữ được niềm tin về một ngày mai thịnh vượng.
Ví các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp xã hội trong đại dịch như những cánh én vượt bão giông vì những nỗ lực đóng góp cho nền kinh tế của họ. (Ảnh: CSIP) |
Đại dịch COVID-19 là cơn bão mang đến những thách thức chưa từng có với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp xã hội (DNXH), doanh nghiệp tạo tác động (DNTTĐ) và các tổ chức xã hội có hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh đó, sự kiên cường và sáng tạo – những phẩm chất quý giá mà các doanh nghiệp này đã vun đắp trong hành trình phụng sự xã hội – là tài sản vô giá của các DNXH/DNTTĐXH. Để cùng nhau vượt bão tố, tìm kiếm những cơ hội phát triển từ những thách thức hiện nay thì sự gắn kết giữa các doanh nghiệp trong cộng đồng, sự chuẩn bị về tâm thế và tầm nhìn của mỗi doanh nghiệp sẽ củng cố nội lực của họ.
Ví họ là những cánh én báo xuân hay những “cánh én kiên cường vượt bão giông” cũng chính là cách mong muốn tạo không gian để các lãnh đạo các DNXH, DNTTĐ và các tổ chức xã hội có sáng kiến kinh doanh được kết nối, cùng nhau học hỏi, chuẩn bị tâm thế và tầm nhìn, giải quyết các thách thức chung do đại dịch COVID-19 và những thử thách khác. Theo bà Phạm Kiều Oanh, Sáng lập và là Giám đốc CSIP – tổ chức bảo trợ chương trình “Én Xanh”, đối với các DNXH, DNTTĐ, đằng sau những con số tài chính về doanh thu, lợi nhuận là số phận của hàng trăm ngàn người, hàng triệu người. Sau khi nhìn lại, có thể thấy rằng, đại dịch không thể lấy đi tất cả của chúng ta. Thật vui mừng khi đại dịch còn gây nhiều khó khăn nhưng vẫn nhìn thấy những nỗ lực, sự sáng tạo của các DNXH, DNTTĐ. Sắp tới, các doanh nghiệp sẽ luôn vững vàng vượt thách thức, cần sự chung tay của rất nhiều bên - nhà nước, tổ chức xã hội, của cộng đồng.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh Nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra: "Với 1 quốc gia, doanh nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng với Chính phủ và đặc biệt trong đó các DNTTĐ không chỉ kinh doanh, tạo ra việc làm cho người lao động mà còn thực thi những sứ mệnh xã hội, điều đó giúp Chính phủ hoàn thành rất nhiều mục tiêu đã đặt ra trong kỷ nguyên mới. Đại dịch đã có tác động rất lớn, khó khăn của DNTTĐ còn nhân lên rất nhiều lần, nhưng khi nghe câu chuyện DNTTĐ, tôi nhìn thấy sự kiên cường, sáng tạo, tìm ra các cơ hội cho cộng đồng của mình, người lao động của mình. Chứng kiến sự đổi mới, sáng tạo, chuyển mình của các DNTTĐ, với các chuyển đổi từ chuyển sang bán hàng trực tuyến, rồi áp dụng các mô hình quản trị mới, dễ dàng nhận thấy đó là cơ hội thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra cho mình những cơ hội mới”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Quản lý Dự án “Hỗ trợ Doanh Nghiệp vì mục đích phát triển”, Oxfam tại Việt Nam khẳng định, các DNTTĐ không chỉ kinh doanh mà có cam kết, sứ mệnh với cộng đồng, bà con và dù có COVID thì họ không thể chỉ ngủ đông hoặc đóng cửa, do đó, điều này đã tạo ra gánh nặng về tài chính với doanh nghiệp. Cùng với đó là các khó khăn của doanh nghiệp khi người lao động làm việc mỗi người một nơi. Tuy nhiên, cũng thật là mừng khi COVID tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp, doanh nghiệp gắn liền với nhóm yếu thế thì chính là doanh nghiệp có sức vươn lên rất lớn thời đại dịch, bởi vì khi họ biết là họ buộc phải đi tiếp, không thể dừng lại đã cho họ năng lượng, động lực để họ quyêt tâm thúc đẩy mô hình kinh doanh của họ. Và cũng chính hoàn cảnh thách thức của đại dịch đã buộc họ chuyển mình – những doanh nghiệp nhỏ, trước kia nghĩ mình quá nhỏ nên không triển khai hóa đơn số, bán hàng online, chạy chương trình trên Facebook, ngày nay họ thay đổi để thiết kế kênh bán hàng, ứng dụng các chuyển đổi số để bán hàng và quản lý doanh nghiệp hiệu quả hơn. Đó là cơ hội để doanh nghiệp thích nghi và phát triển hơn nữa.
Ông Phạm Việt Hoài, Chủ tịch HĐQT KymViet cho biết, doanh nghiệp cũng gặp các thách thức như các doanh nghiệp khác khi mà giãn cách xã hội diễn ra nhưng trong khó khăn đó, KymViet cũng có cơ hội, đó là cơ hội về thị trường khi mà các doanh nghiệp khác thu nhỏ hoạt động.
Đồng quan điểm trên, bà Đặng Thị Hương, Sáng lập và Điều hành HopeBox tâm sự, dịch bệnh làm khó khăn của chúng tôi càng gia tăng, thứ nhất, số người bị bạo hành gia tăng, những người chồng/người chồng cũ của người vợ bị bạo hành bị bất ổn, quấy rối, gây nhiễu, họ đến tận nơi, tận nhà nơi vợ mình trú, khủng bố doanh nghiệp trên MXH và ngoài đời; thứ hai là phải thu gọn lại hoạt động, nhất là trong năm 2019, HopeBox đã mở 1 quán cafe để thúc đẩy tiêu thụ, nhưng do đại dịch nên đã phải đóng cửa, chuyển mô hình sang hướng sản xuất nhiều hơn. Trước những khó khăn đó, Hopebox phải tìm cách thu mình, hướng lại vào bên trong, xem lại sức khỏe tinh thần và tâm trí, tổ chức các buổi thiền để “chữa lành” các chị em Hopebox – chính là các chị phụ nữ bị bạo hành cũng như liên kết, hợp tác với các đối tác lớn, giành thời gian để sáng tạo sản phẩm mới, cách thức bán hàng mới
Cùng chia sẻ nhận định đó, bà Lương Thị Mỹ Huệ, Giám đốc Thảo Dược Tây Nguyên cho biết, Ban Giám đốc xác định là COVID-19 sẽ kéo dài, phải sống chung, do đó tiến hành chuyển đổi mô hình kinh doanh, bán hàng với các giải pháp: đưa ra các sản phẩm lá xông để chăn sóc sức khỏe và đã chuyển bại thành thắng, thay đổi nhận diện thương hiệu, phổ biến trên thị trường rất nhanh; tiếp cận và khai thác hiệu quả từ kinh doanh online đồng thời tìm cách liên kết, hợp tác với các thương hiệu lớn để ký kết hợp đồng lớn với doanh nghiệp trong thời kỳ dịch COVID-19 ổn định hơn.
Một số "cánh én" tiêu biểu của năm 2021 (Ảnh: PV) |
Về cơ bản, hầu hết các doanh nghiệp đều bày tỏ mong muốn sẽ sự hỗ trợ trường vốn từ phía Nhà nước, ưu đãi trong bảo hiểm cho người lao động đặc biệt, các chính sách hỗ trợ thuế hiệu quả, nhất là xem xét hoàn thuế trong bối cảnh dịch bệnh… Song song là, Chính phủ cần tích cực hỗ trợ chính sách theo hướng nởi lỏng các rào cản đang hạn chế các doanh nghiệp tiếp cận các nguỗn hỗ trợ tài chính (giảm lãi suất, cho vay ưu đãi, gia hạn khoản vay... Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tăng cường hỗ trợ cho các nhóm yếu thế cách đầy đủ, đúng người, đúng nhu cầu. Riêng nhóm đề xuất về phía các tổ chức phát triển, các diễn giả cho rằng, cần kết nối đầu tư, kinh doanh đặc biệt là các nguồn đầu tư tác động, các khoản viện trợ; tiếp tục các hoạt động hỗ trợ cải thiện năng lực doanh nghiệp, không chỉ dừng lại ở việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ offline sang online mà còn phải phát huy mô hình đó một cách hiệu quả.
Theo thống kê chưa đầy đủ, dù gặp khó vì COVID-19 nhưng đa số các DNXH vẫn duy trì ổn định hoạt động sản xuất – kinh doanh, thậm chí khá nhiều trong số đó vẫn có tăng trưởng. Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Công ty Quế hồi Việt Nam (Vinasamex) chia sẻ, bí quyết thành công của công ty trong thời kỳ khó khăn vừa qua của doanh nghiệp là đã từng bước tập trung thay đổi tâm thức trong chính người lao động của công ty.
Có thể thấy, dịch bệnh COVID-19 và những tác hại của dịch bệnh đã làm thay đổi nhiều quan niệm, trong đó có quan niệm về sức khỏe tinh thần của doanh nghiệp. Thực tế, giá trị bền vững ở cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và nguồn nhân lực là kim chỉ nam để doanh nghiệp theo đuổi dù trong trạng thái ổn định hay bối cảnh khủng hoảng. Luôn đặt lợi ích của nhân viên lên trên lợi nhuận trước mắt. Không cắt giảm lực lượng lao động, doanh nghiệp luôn đảm bảo công việc, thu nhập cho tập thể nhân viên từ lúc đại dịch xảy ra cho đến nay. Thấu hiểu những khó khăn của nhân viên trong giai đoạn dịch bệnh. Đó cũng chính là cách thức mà đa số các DNXH đã áp dụng trong suốt giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vừa qua.
Bối cảnh bình thường mới sau đại dịch đòi hỏi cả doanh nghiệp và người lao động phải có sự chuẩn bị kĩ càng để phục hồi và phát triển, trong đó, nhận thức được nguồn nhân lực bền vững sẽ là một trong những lợi thế giúp DNXH phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn sau đại dịch, hầu hết các đại biểu tham dự Tọa đàm đều chung quan điểm cần nuôi dưỡng đội ngũ lãnh đạo cũng như lực lượng lao động đảm bảo sức khỏe cả thể chất và tinh thần. Cũng theo bà Phạm Kiều Oanh, Sáng lập và là Giám đốc CSIP, các DNXH, DNTTĐXH, đã biết biến nguy thành cơ với các phẩm chất khiến DNTTĐXH có thể vượt qua khủng hoảng gồm: sứ mạng xã hội cùng sự bền bỉ, vượt qua khó khăn; thúc đẩy sáng tạo với cộng đồng; kiên cường đứng vững, sản xuất và phát triển doanh nghiệp; sáng tạo, linh hoạt đổi mới sản phẩm, mô hình kinh doanh, phương thức làm việc…
Bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phải đóng cửa hoặc phá sản. Khối DNXH và DNTTĐXH cũng không nằm ngoài vòng quay đó. Tuy nhiên, bằng tâm huyết và những thay đổi tư duy kịp thời, ứng dụng hợp lý khoa học công nghệ và đổi mới cách tiếp cận trong sản xuất – kinh doanh, nhiều trong số đó đã vững vàng vượt khó, từng bước khẳng định uy tín và hiệu quả của doanh nghiệp./.