Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 1: Lễ hội đầu xuân - Bức tranh đa sắc màu

Thứ Ba, 28/02/2017 23:56 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo một thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm, các địa phương trong cả nước tổ chức khoảng 8.000 lễ hội với nhiều quy mô khác nhau. Tính bình quân, mỗi ngày có hơn 20 lễ hội, khoảng hơn 1 giờ lại có 1 lễ hội được tổ chức.

Cùng với quá trình hội nhập văn hoá và do nhiều nguyên nhân, việc tổ chức lễ hội nói chung, lễ hội đầu xuân nói riêng ở nhiều địa phương đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội; nhất là khi những biểu hiện phản cảm, biến tướng có dấu hiệu gia tăng mà nguyên nhân chính xuất phát từ nhận thức của một bộ phận người dân khi tham gia lễ hội.

Những chiếu giải cờ thế ăn tiền tại Lễ hội phát lương đền Trần Thương (Hà Nam). 

Trong văn hoá truyền thống của dân tộc ta, du xuân trẩy hội đầu năm từ lâu đã là niềm vui, nét đẹp văn hoá. Tết đến xuân về, trên khắp mọi miền Tổ quốc, các địa phương đều tổ chức những lễ hội để người dân vui xuân và cùng cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc.

So với các năm trước, việc tổ chức các lễ hội đầu xuân Đinh Dậu 2017 đã có những huyển biến rõ rệt. Rút kinh nghiệm từ các năm trước, năm nay, chính quyền một số địa phương đã vào cuộc tích cực, đưa ra những điều chỉnh phù hợp hơn trong công tác tổ chức. Ví dụ như tại lễ hội đả cầu, cướp phết ở xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), để hạn chế tình trạng tranh giành, ẩu đả, năm nay, Ban Tổ chức đã cho tiến hành hoạt động làm lễ và đặt quả phết trong đình để mọi người có thể chạm tay “lấy may”, thay vì tung quả phết để mọi người tranh giành. Nhờ đó, các hoạt động của lễ hội đã diễn ra bảo đảm vui vẻ, an toàn; tránh được các yếu tố phản cảm như sự hỗn loạn, lộn xộn, tranh cướp mang tính bạo lực.

Tương tự, nghi lễ chém lợn ở hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) cũng đã được tiến hành trong nhà kín. Hai “ông lợn” được chọn cúng tế Thành Hoàng - sau khi làm lễ được rước vòng quanh làng rồi trở lại đình. Tuy nhiên, thay vì nghi thức chém giữa sân trước mặt mọi người như mọi năm, “ông ỉn” được đưa vào khu vực riêng, nơi chỉ có Chủ tế và Ban Tổ chức để thực hiện nghi thức giết lợn tế Thánh, nhưng lễ hội vẫn bảo đảm đúng các nghi lễ truyền thống và phù hợp với tâm nguyện của dân làng.

Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Chính phủ, mùa lễ hội đầu xuân năm nay cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực xung quanh việc đi lễ hội của công chức, cán bộ Nhà nước. Theo đó, tình trạng cán bộ, công chức tranh thủ giờ làm việc để đi lễ hội đã giảm nhiều. Tại những lễ hội lớn như lễ hội Chùa Hương, lễ khai ấn đền Trần, lễ hội chùa Bái Đính, hội Đền Sóc… đã không còn tình trạng xe “biển xanh” đỗ kín các bãi gửi xe. Đây thực sự là những tín hiệu tích cực mà cơ quan quản lý văn hoá cũng như đại bộ phận người dân trong cả nước luôn mong đợi.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến đáng mừng kể trên thì công tác tổ chức lễ hội vẫn còn không ít tồn tại. Hình ảnh hàng trăm người chen lấn, xô đẩy nhau để giành chiếc “vòng lộc” (dây chỉ đỏ đeo cổ tay có hình đức Phật) do nhà sư đứng trên cao ném về phía đám đông diễn ra ngay trước sân chùa Thiên Trù sau khi khai hội Chùa Hương đã khiến nhiều người phải giật mình suy nghĩ. Còn tại lễ hội Đền Sóc (Hà Nội), tuy Ban Tổ chức đã huy động tới hơn 400 cảnh sát và tình nguyện viên tham gia bảo vệ lễ vật giò hoa tre và trầu cau, nhưng cũng không thể khắc phục được tình trạng cướp lễ vật.  Việc cướp lộc diễn ra hết sức hỗn loạn, rất nhiều thanh niên tỏ rõ sự hung hãn và sẵn sàng xô đẩy, giẫm đạp người khác. Du khách thập phương lại được dịp chứng kiến những hình ảnh phản cảm, gây nguy hiểm cho người tham gia.


Tiền lẻ của người đi lễ giắt ở các thạch nhũ tại động Hương Tích, Chùa Hương (Hà Nội). 

Bức tranh lễ hội năm nay còn được điểm những “gam màu tối” vốn đã tồn tại từ nhiều năm trước; đó là tình trạng "chặt chém" du khách, cờ bạc trá hình vẫn hoành hành tại không ít lễ hội. Theo phản ánh của bạn đọc, tại lễ hội Cổ Loa ở huyện Đông Anh (Hà Nội) được tổ chức vào mùng 5 và mùng 6 tháng Giêng, trò "tôm cua cá" diễn ra một cách gần như công khai với sự tham gia của rất nhiều người dân và du khách, thậm chí còn có cả trẻ em. Cũng ở Hà Nội, khi đi lễ ở chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, đền Quán Thánh..., nhiều người dân đã phải trả phí trông giữ xe máy cao gấp nhiều lần so với giá thành phố quy định. Ví như ở khu vực chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa), người dân phải gửi xe máy với giá từ 30.000 đến 40.000 đồng/lượt. Còn tại khu vực đền Trần, đền Bảo Lộc (Nam Định), vừa qua, người dự hội phải trả từ 30.000 đến 50.000 đồng cho một lượt trông giữ ô tô và không hề có vé xe. Tại lễ phát lương đền Trần Thương (Nhân Đạo, Lý Nhân, Hà Nam) năm nay, thời điểm mở kho lương đã xảy ra tình trạng lộn xộn, chen lấn, xô đẩy nhau để tiến vào mâm lễ nơi hành lễ cướp lộc. Dù đã tăng số lượng túi lương lên 150.000 túi, tại 6 điểm phát lương trong đền, và hàng chục chòi phát lương tại các khu vực xung quanh nhưng vẫn xảy ra hiện tượng thu phí cao. Cụ thể, theo truyền thống, mỗi người sẽ được phát một túi lương miễn phí. Người nhận lương sẽ trả một số tiền tùy tâm gọi là tiền giọt dầu, nhưng ở lễ hội năm nay có “giá sàn” 20.000 đồng/túi lương. Ngoài ra, xung quanh lễ hội còn xuất hiện những chiếu vui chơi giải trí nhưng thực chất là trò đỏ đen, cờ bạc trá hình như giải cờ thế ăn tiền, phi bóng bay tính quả ăn tiền…

Tại chùa Hương (Hà Nội), trong khi Ban Tổ chức lễ hội thông báo không có thịt thú rừng “xịn” như chào mời của các hàng quán, thì các món hàng được quảng cáo là “thịt thú rừng” vẫn hiện diện trong không gian tâm linh của lễ hội với mức giá “trên trời”. Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng Ban quản lý Di tích, Phó Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương 2017 thì “thịt chồn” mà các quán ăn quảng cáo thực chất là thịt thỏ đã được “gia công, xử lý” chứ chùa Hương “hoàn toàn không có thịt thú rừng”. Tại Lễ hội Chùa Hương năm nay, các cơ quan chức năng cũng đã xử lý 09 đối tượng có hành vi “cò mồi” khách chơi xóc đĩa được thua bằng hiện vật xong quy đổi thành tiền.

“Thịt chồn” mà các quán ăn quảng cáo thực chất là thịt thỏ đã được “gia công, xử lý”?

Một vấn đề khác được dư luận chú ý trong mùa lễ hội đầu năm nay, đó là sự gia tăng của hàng loạt những lễ hội na ná như nhau, thậm chí là có nhiều lễ hội bị coi là “phiên bản”, “dị bản” của lễ hội ở địa phương khác, chẳng hạn như “phong trào phát ấn”. Nếu như trước kia, người dân chủ yếu biết đến phát ấn ở Đền Trần (Nam Định), thì hiện nay, việc khai/phát ấn đã “lan” ra nhiều địa phương khác như đền Trần Thương (Nhân Đạo, Lý Nhân, Hà Nam); đền Trần Tam Đường (Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình); ở khu văn hóa núi Bài Thơ (TP Hạ Long, Quảng Ninh); khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội); đền thờ vua Quang Trung (Nghệ An), đền Linh Từ (Tràng Kênh, Hải Phòng)... Người đi xin ấn chủ yếu cầu “thăng quan tiến chức”, làm mất đi ý nghĩa nguyên gốc của nó, chỉ là nghi lễ mở đầu công việc của một năm. Việc chen lấn, xô đẩy, tranh cướp ấn đã gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự địa phương. Mặt khác, do tâm lý mong muốn phải có bằng được ấn nên nhiều người đã… mua ấn. Chính điều này đã tạo cơ hội trục lợi cho một số cá nhân “bán ấn”. Hoặc như các lễ hội chọi trâu, hiện nay riêng ở các tỉnh phía Bắc đã có 14 địa phương tổ chức lễ hội chọi trâu trong khi vốn dĩ cả nước chỉ có 2 lễ hội chọi trâu truyền thống là Đồ Sơn (Hải Phòng) và Hải Lưu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Cá biệt, năm nay, tại một số địa phương như huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), huyện Lục Yên (Yên Bái), lễ hội chọi trâu còn được tự ý tổ chức cho dù không được cơ quan chức năng cấp phép.

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), lễ hội hiện nay đang bị “trần tục hoá” do quan niệm lệch lạc của người dân và do sự biến tướng theo hướng thương mại hoá của các hoạt động trong lễ hội. Biểu hiện rõ nét nhất là ở tình trạng nhiều người tìm đến lễ hội là để “xin xỏ”, “trao đổi”, “mua bán” với thần thánh về công danh, tiền bạc… Nhiều gia đình còn sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng, thậm chí là hàng chục triệu đồng để… làm lễ giải hạn đầu năm mà không biết giáo lý, giáo luật của đạo Phật hoàn toàn không đề cập đến nội dung này.

Có thể thấy, về phương diện văn hoá, lễ hội vốn là sợi dây gắn kết cộng đồng với không gian văn hoá linh thiêng, trang trọng để tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân. Hành trang quan trọng nhất của mỗi người khi đến với lễ hội là lòng thành, là chữ tâm trong sáng chứ không phải sự vụ lợi tiền bạc hay toan tính công danh. Do đó, nếu những mặt trái, những “gam màu tối” trong bức tranh lễ hội đầu năm không được sớm khắc phục thì sẽ là nguy cơ lớn dẫn tới sự mai một những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như cổ suý cho những nhận thức lệch lạc ở một bộ phận người dân./.

(Còn nữa)

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN