Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Anh đặt mục tiêu hoàn tất đàm phán CPTPP vào cuối năm 2022

Thứ Hai, 30/08/2021 16:07 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh Liz Truss vừa cho biết, nước này đặt mục tiêu hoàn tất đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào cuối năm 2022.

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh Liz Truss kỳ vọng quá trình
đàm phán gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh sẽ kết thúc vào cuối năm sau.
(Ảnh: gov.uk)  

Trả lời phỏng vấn trên trờ Financial Times, Bộ trưởng Liz Truss nhấn mạnh: "Khả năng nước Anh sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm sau." Bộ trưởng Truss nhận định: "Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là nơi mang lại cơ hội lớn nhất cho Anh”. 

Bà Liz Truss cũng cho biết, quan hệ thương mại giữa Vương quốc Anh và Mỹ có thể khởi sắc trở lại nếu như Mỹ tái gia nhập CPTPP. Mỹ vốn là một trong 12 quốc gia tham gia ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - tiền thân của CPTPP vào tháng 2/2016 nhưng sau đó, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump đã đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định này vào năm 2017.

Các Bộ trưởng 11 nước thành viên CPTPP hiện đã lên kế hoạch nhóm họp trực tuyến vào ngày 1/9 tới để thảo luận về đơn xin gia nhập khối này của Anh. Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết, cuộc họp sắp tới của Hội đồng CPTPP sẽ được tổ chức dưới sự chủ trì của Nhật Bản. Tại cuộc họp này, các Bộ trưởng sẽ thảo luận về đơn xin gia nhập của Anh và các biện pháp tăng cường hợp tác giữa 11 nước thành viên.

Ngày 1/2 vừa qua, tại cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp Nhật Bản và New Zealand, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss đã đưa ra lời đề nghị chính thức về việc gia nhập CPTPP vào đúng dịp kỷ niệm tròn 1 năm kể từ khi nước này rời Liên minh châu Âu (EU).

Lời đề nghị được bà Liz Truss đưa ra trong cuộc họp với ông Yasutoshi Nishimura, người hiện đang phụ trách đàm phán Hiệp định TPP của Nhật Bản và Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor. Theo đó, với đề nghị trên, Anh đã trở thành nước đầu tiên ngoài các nước thành viên sáng lập nộp đơn đăng ký tham gia thỏa thuận này. Nhật Bản, nước Chủ tịch Hội đồng CPTPP năm 2021, và các nước thành viên hoan nghênh động thái này của Anh, coi đây là động lực mở rộng thương mại tự do dựa trên các quy tắc thương mại và đầu tư tiêu chuẩn cao.

Tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế của Anh Liz Truss cho biết nước này và các nước thành viên CPTPP đã bắt đầu khởi động tiến trình đàm phán xin gia nhập CPTPP của Anh trong nỗ lực nhằm đa dạng hóa hoạt động thương mại của Anh sau khi rời EU.

Hiệp định CPTPP được hình thành vào năm 2018, cam kết dỡ bỏ 95% các loại thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên tham gia, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Ước tính khu vực thương mại tự do này chiếm 13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Anh dự báo sau khi gia nhập CPTPP, xuất khẩu của nước này sang các quốc gia thành viên Hiệp định sẽ tăng hơn 51 tỷ USD, tương đương 65%, vào năm 2030.

Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh: "Tư cách thành viên của CPTPP sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Anh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang phát triển mạnh mẽ". Ông khẳng định đây là sẽ là cơ hội để mang lại lợi ích kinh tế trên toàn Vương quốc Anh.

Anh đã tích cực xây dựng các mối quan hệ thương mại mới kể từ khi rời EU. Với CPTPP,  Anh hy vọng sẽ tạo ra địa vị tương xứng trong hoạt động thương mại thế giới với tư cách là nước xuất khẩu hàng tiêu dùng cao cấp và dịch vụ chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Hiệp định này sẽ giúp mở rộng các thỏa thuận thương mại mà Anh đang cố gắng đạt được hoặc đã ký kết với các nước thành viên trong CPTPP. 

Theo Bộ Thương mại Quốc tế Anh, việc nước này tham gia CPTPP sẽ giúp một số mặt hàng xuất khẩu chính của Anh như ô tô và rượu whisky được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Ngoài ra, nước này sẽ được mở rộng thêm các quyền tiếp cận vào các nước thành viên CPTPP trong nhiều lĩnh vực bao gồm pháp lý, tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp.

“Chúng tôi rời EU với cam kết tăng cường liên kết với các đồng minh cũ và các thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh ngoài châu Âu... Đó là một kết quả quan trọng hậu Brexit mà chúng tôi mong muốn đạt được", bà Liz Truss cho hay./.

H.Hà (Theo Financial Times, gov.uk)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN