Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

An toàn đến đâu, nới lỏng đến đó!

Thứ Ba, 07/09/2021 14:31 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - “Nếu không đảm bảo an toàn, không đảm bảo cho sức khỏe người dân, ảnh hưởng tính mạng người dân thì nới lỏng giãn cách không ý nghĩa. Do đó, chúng ta phải đảm bảo giãn cách trên nguyên tắc an toàn dịch bệnh. An toàn tới đâu mở tới đó”.

Việc nới lỏng giãn trên địa bàn Thành phố cách phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Thành phố tuyệt đối không mở lại các hoạt động khi chưa có kế hoạch an toàn.

Đó là nhấn mạnh của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP hồ Chí Minh Phan Văn Mãi trong buổi livestream lúc 20 giờ ngày 6/9, số đặc biệt "Dân hỏi - Thành phố trả lời".

Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trong một thời gian khá dài với nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 cũng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Một trong những lý do quan trọng của thực trạng này là bởi diễn biến khó lường của biến thể Delta. Sự tàn khốc của nó cũng đã được chứng minh tại nhiều quốc gia trên thế giới khi hiện nay các nước này cũng đang phải đối mặt với sự lây lan nhanh chóng và số ca nhập viện được ghi nhận do nhiễm chủng Delta đang ở mức khá cao. Bên cạnh nguyên nhân khách quan ấy, chúng ta thấy còn có những lý do chủ quan. Điều này cũng đã được Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thẳng thắn thừa nhận. Đó là việc chưa hiểu hết về biến thể này nên việc ứng phó có lúc còn chưa kịp thời. Một số địa bàn làm chưa nghiêm, khiến cho dịch còn lây lan. Các hoạt động xét nghiệm để tìm F0 ngăn nguồn lây một số nơi làm chưa tốt…

Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận rằng, cho tới thời điểm này, TP Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả nhất định trong công tác phòng, chống dịch. Tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh mở rộng chiều tối 6/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã chia sẻ, tới nay, về cơ bản, TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2, đó là tập trung tách nguồn lây nhiễm mạnh và bước sang giai đoạn 3 – giai đoạn duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng. Công tác điều trị, đặc biệt là phân loại, điều trị F0 đã đạt kết quả bước đầu, góp phần làm thay đổi phương thức điều trị bệnh nhân COVID-19. Đặc biệt, theo Bí thư Thành ủy, đáng mừng là từ ngày 31/8 đến nay, số ca tử vong đã giảm. Công tác tiêm vắc xin tuy có chậm lại trong một số thời điểm nhưng cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Chiến lược chuyển hóa địa bàn, kiểm soát “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh” đã có kết quả, nhiều ổ dịch và chuỗi lây nhiễm tiếp tục được kiểm soát, nhiều khu phong tỏa được gỡ bỏ.

Có thể thấy đây là những tín hiệu tốt, chứng tỏ hướng đi, giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố gần đây đã có hiệu quả.

Trước thực tế này, câu hỏi đặt ra vậy khi nào TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách? Đây có lẽ không chỉ là câu hỏi của người dân Thành phố, là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo Thành phố mà còn của Nhân dân cả nước, lãnh đạo Trung ương, thậm chí cả của bạn bè quốc tế đang quan tâm tới tình hình dịch bệnh hiện nay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá của lãnh đạo Thành phố, việc giãn cách sẽ còn áp dụng khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và việc nới lỏng phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, không thể nói đến 15/9, hết tháng 9 hay tháng 10 - một mốc thời gian cụ thể được.

Quan điểm nhất quán của lãnh đạo Thành phố lúc này dựa trên nguyên tắc từng bước, chắc chắn và tuyệt đối không chủ quan, nôn nóng. Đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã nhấn mạnh: “Tuyệt đối không được mở lại các hoạt động khi chưa có kế hoạch an toàn, không thể mở ra rồi đi theo xử lý là không được. Khi thực hiện bất cứ việc gì thì cũng phải tính đến độ an toàn về y tế”.

Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, nếu không đảm bảo an toàn, không đảm bảo sức khỏe của người dân, ảnh hưởng tới tính mạng của người dân thì sự giãn cách đó không có ý nghĩa. “Chúng ta phải đảm bảo giãn cách trên nguyên tắc an toàn dịch bệnh. An toàn tới đâu mở tới đó. Do vậy, chúng ta phải có sự chuẩn bị. Nếu việc chuẩn bị càng kỹ và phù hợp với tình hình thực tế thì sẽ đảm bảo an toàn, đảm bảo mục tiêu vì sức khỏe cho người dân đồng thời có thể phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội phù hợp”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

 Bên cạnh việc tập trung kiểm soát dịch bệnh, Thành phố cũng đặc biệt quan tâm tới công tác an sinh xã hội, tuyệt đối không để người dân khó khăn mà bị bỏ sót.

Chính quyền Thành phố đang nỗ lực, quyết tâm bằng mọi cách để sớm kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa các hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn trở lại bình thường. Nhưng để đạt được kết quả đó thì cần sự phối hợp, chung tay của người dân. Mỗi người dân Thành phố cũng phải chuẩn bị tâm thế cho chính mình, chuẩn bị thói quen, tạo lập lối sống chậm trong điều kiện bình thường mới - sống trong môi trường có dịch COVID-19. Cùng với đó, các cấp chính quyền, nhất là chính quyền ở cơ sở cần phải thực hiện quyết liệt hơn nữa cả công tác phòng, chống dịch bệnh lẫn công tác an sinh xã hội. Như chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, từ nay tới 15/9,  toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, nhất là các "pháo đài" phường, xã, thị trấn cần tiếp tục quán triệt nghiêm túc quan điểm, phương châm chỉ đạo: Chống dịch như chống giặc; phường, xã, thị trấn là "pháo đài"; người dân là chiến sĩ, vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện phòng, chống dịch COVID-19. Cần tuyên truyền để người dân ý thức, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội như hiện nay.

Đồng thời, để “sống chung” với COVID-19, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng gợi mở phải hình thành các chiến lược cụ thể về y tế, an sinh xã hội, kinh tế, công nghệ, truyền thông, huy động các nguồn lực xã hội, trật tự an toàn xã hội, tâm lý xã hội…

Trước mắt, TP Hồ Chí Minh chọn quận 7 và huyện Củ Chi làm mũi đột phá dẫn đầu, thí điểm các giải pháp, chiến lược chuẩn bị cho kịch bản "bình thường mới" sau ngày 15/9.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, từ nay tới 15/9, về cơ bản Thành phố vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp như từ ngày 23/8 đến nay, tuy nhiên Thành phố có sự điều chỉnh. Cụ thể, hệ thống siêu thị, các chuỗi cung ứng sẽ được mở rộng tới khu vực xã, phường, thị trấn nhưng ở những "vùng đỏ" thì shipper sẽ đi chợ thay cho các hộ dân, còn ở "vùng xanh" người dân có thể đi chợ 1 lần/tuần. Ngoài ra, ở những vùng xanh sẽ thí điểm mở lại một số dịch vụ bán thức ăn mang về. Sau ngày 15/9, giả định TP Hồ Chí Minh kiểm soát được dịch bệnh, những ngành nghề an toàn sẽ được mở trở lại.

TP Hồ Chí Minh chỉ còn 9 ngày nữa để thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh theo Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, đây là chặng đường hết sức quan trọng, có ý nghĩa lịch sử đối với công tác phòng, chống dịch của Thành phố. Hi vọng, với cách làm thận trọng, chắc chắn từng bước trên nguyên tắc "an toàn tới đâu nới lỏng tới đó" và với sự hợp tác, chung sức của người dân, thì sau 15/9, TP Hồ Chí Minh có thể bước vào giai đoạn phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện "bình thường mới"./.

V.Lê

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN