An Giang: Mỗi hội viên, phụ nữ DTTS là một tuyên truyền viên tích cực thúc đẩy bình đẳng giới
(ĐCSVN) - Đó là một trong những giải pháp hiệu quả đã và đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh An Giang triển khai, nhằm tháo gỡ rào cản trong công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại địa phương, nhờ đó giúp phụ nữ DTTS ngày càng tự tin, chủ động, dần làm chủ cuộc sống. Để tìm hiểu rõ hơn nội dung này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã phỏng vấn đồng chí Lê Bích Phượng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Phó Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới tỉnh An Giang.
Đồng chí Lê Bích Phượng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh An Giang trao giải cho các thí sinh tham gia Hội thi “Kỹ năng tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật và tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ” năm 2023. |
Tập trung nâng cao quyền năng kinh tế và năng lực cho hội viên, phụ nữ
PV: Với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ; tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ bình đẳng và phát triển, xin đồng chí chia sẻ một số nét khái quát về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ mà Hội LHPN tỉnh đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh An Giang thời gian qua?
Đồng chí Lê Bích Phượng: Với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ; tham mưu, đề xuất với Đảng, nhà nước về công tác phụ nữ tạo điều kiện để phụ nữ bình đẳng và phát triển, những năm qua, Hội LHPN tỉnh luôn quan tâm triển khai các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình góp phần nâng cao quyền năng, tôn vinh giá trị của phụ nữ trong xã hội hiện đại, hướng tới mục tiêu bình đẳng giới, trong đó tập trung vào 02 nhóm hoạt động trọng tâm là nâng cao quyền năng kinh tế và nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên, phụ nữ.
Đối với hoạt động nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, Hội LHPN các cấp đã triển khai bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú như: hỗ trợ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, tạo mô hình sinh kế, học nghề... Quyền năng kinh tế và vị trí của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội ngày càng được nâng cao thông qua các hoạt động, cụ thể:
Thông qua các mô hình sinh kế tạo việc làm tại chỗ, hỗ trợ vốn tín dụng cho phụ nữ nghèo được thực hiện có hiệu quả gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình 5 có, 3 sạch”, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”... trong 5 năm qua đã giúp 1.271 hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều.
Ngoài ra, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939) được triển khai đã góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đến các tầng lớp phụ nữ; trong đó quan tâm đến các thành phần phụ nữ yếu thế, phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Qua 5 năm, các cấp Hội đã vận động, hỗ trợ 982 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thông qua các hình thức tập huấn nâng cao năng lực, kết nối tiếp cận tín dụng, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Hội LHPN các cấp cũng tăng cường phối hợp, liên kết, giới thiệu đào tạo, tổ chức các tổ/nhóm phụ nữ giúp nhau học nghề phù hợp với nhu cầu thị trường để góp phần tạo việc làm bền vững và thu nhập ổn định cho phụ nữ; qua đó có 13.870 lao động nữ được đào tạo nghề; phối hợp, hỗ trợ thành lập 06 hợp tác xã do phụ nữ quản lý.
Để nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, Hội LHPN tỉnh tập trung triển khai Đề án 1893 “Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng Phụ nữ giai đoạn 2019 - 2025” với 03 nhóm hoạt động chính:
Thứ nhất, hàng năm tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ Hội LHPN các cấp. 05 năm qua, đã có 4.309 lượt cán bộ Hội được tham dự 46 lớp tập huấn.
Thứ hai, tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hội viên, phụ nữ nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật và vận dụng vào cuộc sống thực tiễn; từ đó nâng cao năng lực, giá trị của người phụ nữ trong xã hội hiện nay. 5 năm qua Hội LHPN các cấp đã tổ chức 5.031 cuộc truyền thông với 142.640 lượt hội viên, phụ nữ tham dự.
Thứ ba, triển khai các phong trào thi đua, cuộc vận động và nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội; trong đó tập trung chủ đề, chủ điểm hàng năm xoay quanh các nội dung nâng cao năng lực, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho phụ nữ và trẻ em với nhiều hình thức như: Hội thi, Tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, thành lập các mô hình, Tổ phụ nữ…
Đồng chí Lê Bích Phượng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh An Giang phát biểu tại Lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện và cơ sở năm 2023. |
PV: Sự hỗ trợ nguồn lực từ nhiều chương trình, đề án, chính sách sẽ giúp phụ nữ dân tộc thiểu số có điều kiện khởi sự kinh doanh, nâng cao quyền năng kinh tế, từ đó nâng cao vị thế của mình trong gia đình và xã hội. Vậy việc đẩy mạnh các chính sách nhằm tăng cơ hội tiếp cận các nguồn lực xã hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Bích Phượng: Nhằm giúp chị em phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số có thêm cơ hội tiếp cận các nguồn lực xã hội, Hội LHPN các cấp đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó đáng chú ý là tranh thủ nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), Agribank, các Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thuộc Hội LHPN tỉnh… để hỗ trợ phụ nữ nghèo có nguồn vốn đầu tư khôi phục sản xuất, mua bán nhỏ, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình.
Đặc biệt, thông qua Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939), hội viên, phụ nữ có thêm cơ hội tiếp cận các nguồn lực để hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, trong đó hỗ trợ cả về tiếp cận vốn và kiến thức liên quan đến lĩnh vực kinh doanh như: cung cấp kiến thức kinh doanh, khởi nghiệp, tư vấn đăng ký thương hiệu, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, cách nhận biết sản phẩm đạt chuẩn OCOP…
Gần đây nhất, thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội LHPN tỉnh tập trung thực hiện 4 nội dung chính gồm: (1) Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; (2) Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; (3) Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng; giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; (4) Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, trưởng ấp, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.
Đặc biệt, nhằm giúp cho hội viên, phụ nữ các xã biên giới, trong đó có phụ nữ DTTS tiếp cận nguồn vốn mua bán nhỏ phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống. Thông qua nguồn vốn chương trình tin nhắn 1409 thuộc Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Hội LHPN tỉnh phối hợp Bộ đội Biên phòng, Chữ Thập đỏ đã hỗ trợ cho 70 lượt hội viên, phụ nữ thực hiện mô hình sinh kế với số tiền 300 triệu đồng; vận động mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ 40 hội viên, phụ nữ vay để mua bán nhỏ với số tiền 140 triệu đồng. Ngoài ra, được sự hỗ trợ của ông Đoàn Ngọc Hải, Mạnh Thường Quân tại Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ số vốn 500 triệu đồng, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ cho hội viên phụ nữ có vốn mua bán nhỏ và chăn nuôi, kết quả đã hỗ trợ 200 hội viên phụ nữ. Mức tiếp cận nguồn vốn từ 5 - 10 triệu đồng/mô hình sinh kế/hội viên; thời hạn vay vốn là 12 tháng, với lãi suất 0%.
Thường xuyên đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng tuyên truyền
PV: Là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đặc biệt là đồng bào Chăm và Khơme, đồng chí có thể cho biết đâu là rào cản trong việc thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số?
Đồng chí Lê Bích Phượng: Tỉnh An Giang hiện có 29 dân tộc sinh sống, ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, còn 119.219 đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 5,3% dân số toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là dân tộc Chăm và Khơme. Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; phụ nữ nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng trên địa bàn tỉnh An Giang luôn phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc chung tay cùng cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước tham gia vào các hoạt động cộng đồng tại địa phương; cũng như ý thức nâng cao kiến thức về xây dựng gia đình, tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, từng bước góp phần thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ DTTS.
Tuy nhiên, phụ nữ DTTS vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin. Một bộ phận phụ nữ DTTS, đặc biệt là nhóm phụ nữ lớn tuổi; phụ nữ chủ yếu tham gia lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nội trợ... rất ít có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội. Cùng với đó, một số phụ nữ DTTS còn tồn tại tâm lý ngại giao tiếp với cộng đồng xã hội do nguyên nhân là khi giao tiếp bằng tiếng Việt không trôi chảy. Những rào cản về mặt ngôn ngữ, tâm lý, thói quen ngại giao tiếp xã hội, sự tác động từ môi trường sống, phong tục, tập quán cộng đồng vùng đồng bào DTTS đã tác động đến khả năng tiếp cận thông tin của phụ nữ DTTS. Trên thực tế, phụ nữ DTTS chủ yếu tiếp nhận thông tin qua những hình thức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng như: vãng gia, tham gia sinh hoạt nhóm hội viên từ các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có sinh hoạt Chi, tổ Hội phụ nữ; tiếp nhận thông tin từ Đài Truyền thanh địa phương (chương trình tiếng DTTS)...
Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Chăm tại huyện An Phú, tỉnh An Giang. |
PV: Truyền thông được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, vậy tỉnh đã có những giải pháp nào nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền?
Đồng chí Lê Bích Phượng: Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, Hội LHPN tỉnh An Giang luôn quan tâm chỉ đạo các cấp Hội trong tỉnh thường xuyên đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng tuyên truyền trên các lĩnh vực bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với đặc điểm của đối tượng tham gia. Trong đó, chú trọng tuyên truyền thông qua hình thức hội thi, toạ đàm, nói chuyện chuyên đề, sân khấu hoá… để vận động hội viên, phụ nữ chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia thực hiện các chương trình, hoạt động do Hội LHPN triển khai; chú trọng phát hiện, tuyên truyền, tôn vinh, nêu gương các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực.
Điểm nổi bật trong công tác đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là: hàng năm Hội LHPN tỉnh phối hợp Sở Tư pháp tổ chức Hội thi “Kỹ năng tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật và tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ cho cán bộ Hội LHPN cơ sở”, qua đó tạo điều kiện cho cán bộ Hội cơ sở giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền và giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ.
Cùng với đó, quan tâm củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ Hội làm công tác tuyên truyền. Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội quan tâm công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm; thường xuyên rà soát, cập nhật, theo dõi danh sách cán bộ Hội làm công tác tuyên truyền. Tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành liên quan trong công tác tuyên truyền.
PV: Với vai trò là Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới tỉnh An Giang, xin đồng chí cho biết định hướng của Hội LHPN tỉnh để góp phần thực hiện các mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn?
Đồng chí Lê Bích Phượng: Để góp phần thực hiện các mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn, thời gian tới Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền bằng việc đa dạng hóa các hình thức, nội dung phù hợp với từng địa bàn, dân tộc, các vấn đề nổi lên của địa phương để lựa chọn mô hình triển khai phù hợp. Đồng thời, làm tốt công tác vận động phụ nữ DTTS tiêu biểu tích cực tham gia tuyên truyền cho chính phụ nữ đồng bào DTTS tại địa phương.
Tăng cường phối hợp với ngành chức năng có liên quan xây dựng các chương trình truyền thông bằng tiếng địa phương để mở rộng cơ hội tiếp cận thông tin cho phụ nữ DTTS. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp cho đội ngũ cán bộ Hội, báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở trực tiếp thực hiện công tác truyền thông. Đa dạng các tài liệu, tờ gấp tuyên truyền phổ biến, giáo dục về các nội dung có liên quan đến phụ nữ là đồng bào DTTS để làm tài liệu tuyên truyền, sinh hoạt tại các cuộc họp chi, tổ Hội và các mô hình cho phụ nữ ở vùng đồng bào DTTS sinh sống ở vùng biên giới.
Các cấp Hội thường xuyên phối hợp tốt với các sở, ban, ngành, đoàn thể chính quyền địa phương để tổ chức các hội nghị đối thoại, tọa đàm, hội thảo, nói chuyện chuyên đề… về các vấn đề có tính thời sự, giải thích, hướng dẫn các nội dung có liên quan trực tiếp đến đời sống vùng đồng bào DTTS; nhất là các vấn đề hội viên, phụ nữ DTTS quan tâm. Duy trì và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật, Tổ tư vấn pháp luật, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ “Gia đình 5 không, 3 sạch”; Tổ truyền thông cộng đồng…