7 triệu người Nam Sudan đứng trước nguy cơ mất an ninh lương thực
(ĐCSVN) - Hơn 7 triệu người dân trong tổng dân số 11 triệu người tại Nam Sudan có nguy cơ rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng vào tháng 7. Bạo lực lan rộng, khủng hoảng kinh tế và những cú sốc từ biến đổi khí hậu cũng sẽ đẩy 79.000 người dân Nam Sudan vào nạn đói thảm khốc.
Một phụ nữ Nam Sudan đang được kiểm tra tình trạng suy dinh dưỡng. (Ảnh: WFP/Eulalia Berlanga) |
Đây là những con số quan ngại do Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đưa ra ngày 14/5. Gần 13 năm sau khi giành được độc lập vào năm 2011, đất nước châu Phi non trẻ vẫn đang chìm trong bất ổn và bạo lực, cùng với đó là áp lực từ cuộc chiến ở nước láng giềng Sudan.
Trong bối cảnh trên, Liên hợp quốc và các đối tác nhân đạo huy động hỗ trợ cho Nam Sudan, trong đó gồm những người phải di dời do giao tranh giữa các cộng đồng ở Tambura thuộc Tây Equatoria. Ước tính có khoảng 26.000 người đã bỏ trốn khỏi khu vực này, kéo theo việc hầu hết các khu dân cư xung quanh thị trấn Tambura hiện đều bị bỏ hoang.
Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết, các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đang giám sát chặt chẽ tình hình ở Tambura. “Để ngăn chặn bạo lực gia tăng, phái đoàn Liên hợp quốc tại Nam Sudan đã ngay lập tức triển khai thêm lực lượng gìn giữ hòa bình để củng cố địa điểm. Phái đoàn báo cáo rằng họ cũng đã tăng gấp ba số lượng cuộc tuần tra hàng ngày" - ông Haq nói.
Theo thông tin từ ông Haq, hiện có khoảng 200 binh sỹ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thực hiện nhiệm vụ tuần tra hàng ngày để bảo đảm an ninh cho người dân địa phương. Các quan chức Liên hợp quốc tại Nam Sudan cũng tiếp tục hợp tác với người đứng đầu các cộng đồng và các đảng phái chính trị ở cấp quốc gia và khu vực để giải quyết bất đồng và giảm bớt căng thẳng liên cộng đồng trong hòa bình.
OCHA cho biết dòng người hồi hương và người tị nạn từ nước láng giềng Sudan tiếp tục gây căng thẳng cho các dịch vụ vốn đã hạn chế tại các điểm biên giới và trong nhiều cộng đồng tiếp nhận.
Theo OCHA, kể từ khi cuộc giao tranh này bắt đầu vào tháng 4 năm ngoái, ít nhất 670.000 người đã chạy trốn khỏi Sudan để đến Nam Sudan, với 80% trong số họ là những người Nam Sudan trước đây đã chạy sang Sudan để lánh nạn.
OCHA cho biết kế hoạch ứng phó nhân đạo năm nay dành cho Nam Sudan vẫn còn thiếu kinh phí nghiêm trọng, cản trở việc triển khai các nỗ lực ứng phó nhân đạo tại quốc gia này. Cho đến nay, kế hoạch ứng phó nhân đạo của Liên hợp quốc dành cho Nam Sudan ước tính cần 1,8 tỷ USD vào năm 2024 hiện mới chỉ được đáp ứng tài trợ ở mức 11%./.