Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

5 “đầu tiên” và 3 “nhất”

Thứ Hai, 21/11/2022 16:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi là một bước cụ thể hóa quy định tại Khoản 5, Điều 70, Hiến pháp năm 2013: "Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước". Chương trình ghi dấu ấn 5 “đầu tiên” và 3 “nhất”.

Ngày 19/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 120/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình) với số phiếu đồng thuận tuyệt đối 100% của các vị đại biểu Quốc hội có mặt.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã ban hành một nghị quyết riêng về công tác dân tộc, là một bước cụ thể hóa nội dung đã được quy định tại Khoản 5, Điều 70, Hiến pháp năm 2013: "Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước".

Sự kiện này từng được bình chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật nhất trong hoạt động của Quốc hội năm 2020.

Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025.

Nghị quyết số 120 của Quốc hội khóa XIV và Quyết định 1719/QĐ-TTg có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện quyết tâm rất cao của Quốc hội, Chính phủ trong việc khắc phục những hạn chế, bất cập của công tác dân tộc, chính sách dân tộc những năm qua, đồng thời bổ sung những cơ chế, chính sách mới để đồng bào các DTTS có điều kiện phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn trong giai đoạn 2021 - 2030.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025 ghi dấu ấn 5 “đầu tiên” và 3 “nhất”.

5 “đầu tiên”

Trong một cuộc gặp với đại diện các cơ quan báo chí, phân tích về 5 “đầu tiên” trong quá trình xây dựng và ra đời Chương trình, ông Hà Việt Quân - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG cho biết:

Một là, lần đầu tiên, Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư Chương trình MTQG về DTTS.

Đây là một bước cụ thể hóa Nghị quyết số 88 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Trong Đề án tổng thể, Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Chương trình trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9 để thực hiện từ năm 2021. Chương trình là một trong các giải pháp để thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Đồng chí Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các
Chương trình MTQG làm việc với UBND tỉnh Lào Cai về tình hình thực hiện các
Chương trình MTQG năm 2022.(Ảnh: Cổng thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc)

Hai là, lần đầu tiên, trên cơ sở tờ trình của Chính phủ và qua thảo luận của các đại biểu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 120/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Ba là, các Nghị quyết số 88 và 120 của Quốc hội khóa XIV là căn cứ pháp lý để Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng xây dựng dự thảo và lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025.

Bốn là, lần đầu tiên, công tác tuyên truyền được xác định là một trong 7 giải pháp, cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình, với nguồn vốn bố trí lớn nhằm quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người DTTS, nhất là người DTTS nghèo.

Năm là, lần đầu tiên trong Chương trình thiết kế nội dung đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú theo hướng ưu tiên bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số trong giảng dạy và học tập cho các trường ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng khó khăn, biên giới, các trường chưa có cơ sở vật chất hoặc có nhưng còn phải thuê, mượn hoặc xuống cấp.

3 “nhất”

Thứ nhất, Chương trình có nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung nhất.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 có tính đặc thù, không đơn thuần là thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn là sự tích hợp các chính sách dân tộc còn hiệu lực, bổ sung thêm một số chính sách mới. Chương trình gồm 10 dự án. Trong các dự án có 14 tiểu dự án và gần 90 nội dung hỗ trợ khác nhau.

Thứ hai, thời gian thực hiện Chương trình dài nhất, lên tới 10 năm (từ 2021 - 2030), trong khi các Chương trình MTQG khác chỉ có 5 năm, nhằm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS khó khăn nhất. 

Thứ ba, vai trò của truyền thông được đánh giá cao nhất từ trước đến nay.

Là một Chương trình mới, lần đầu tiên được thực hiện và có quy mô rất lớn nên Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi đề cao vai trò của công tác truyền thông. Bởi truyền thông có ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội do có khả năng tác động đến nhận thức, từ nhận thức tác động đến hành động và ứng xử của người dân.

Đẩy mạnh truyền thông giúp các cơ quan nhà nước đưa thông tin, tư tưởng chỉ đạo của Chương trình chuyển từ cách thức hỗ trợ theo hướng “cho không” như những năm trước đây sang tiếp cận đầu tư đối với những mô hình sản xuất, tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thông qua dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt dựa trên quy hoạch, kế hoạch, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương.

Ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho các hộ DTTS là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tự nguyện đăng ký tham gia dự án thông qua nhóm hộ, cộng đồng; thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; hỗ trợ cho cả người khá và người giàu để làm “đầu tàu” kéo cộng đồng.

Đầu tư cho các mô hình gắn kết quân dân, mô hình giảm nghèo bền vững gắn phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng thế trận phòng thủ và thế trận bảo đảm hậu cần tại các địa bàn chiến lược; các dự án bảo tồn giá trị văn hóa các DTTS gắn với phát triển du lịch và giúp người dân có thu nhập tăng thêm từ việc bảo tồn văn hóa…

Đẩy mạnh truyền thông cũng giúp người dân cập nhật thông tin, tham gia tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình, đồng thời khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người DTTS, nhất là người DTTS nghèo./.

Phương Liên - Trí Dũng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN