Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

4 cuốn sách về bình đẳng giới dành cho học sinh

Thứ Sáu, 06/10/2023 08:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam hy vọng 4 cuốn sách giúp các em học sinh nhận ra các hủ tục, tập tục lạc hậu, các khuôn mẫu giới ở nơi mình đang sống từ đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, biên giới, hải đảo để thay đổi chính mình, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

4 cuốn sách bao gồm: Em muốn được tới trường; Nhà hai nóc; Việc nhà là của chung; Thì ra mình cũng làm được có nội dung là các câu chuyện được viết dưới dạng tranh vẽ, ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu liên quan đến các định kiến cũ về giới và sự cần thiết để thay đổi.

Giới thiệu sách tới đối tượng là học sinh miền núi.

Cuốn “Em muốn được tới trường” truyền tải thông điệp về bình đẳng giới trong giáo dục: “Trẻ em gái và trẻ em trai đều có quyền được đi học”, cũng như ”không nên cho rằng con gái chỉ phù hợp với việc bếp núc, may vá. Con gái có thể làm nhiều nghề khác nhau; trẻ em trai trẻ em gái đều có quyền học văn hóa và học nghề như nhau”.

“Nhà hai nóc” truyền tải về bình đẳng giới trong phát triển kinh tế với câu chuyện ngụ ngôn về tiến trình sắp xếp, thay đổi trong một gia đình khi mẹ quyết định rời bỏ vị trí là “người nội trợ” để đi tìm việc làm có thu nhập cao hơn, từ đó mở ra những cảm xúc, chia sẻ, trách nhiệm và giúp gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc hơn.

Chuyên gia trao đổi với học sinh các định kiến cũ về giới và sự cần thiết để thay đổi.

Cuốn “Việc nhà là của chung” truyền tải về bình đẳng giới trong phân công lao động trong gia đình, với thông điệp “Việc nhà là của chung” cùng chia sẻ, cùng tiến bộ, cùng hạnh phúc với những câu chuyện ngụ ngôn kể trách nhiệm của cả cha và mẹ trong việc sinh đẻ, vùng chăm sóc, nuôi dạy con cái, cùng có trách nhiệm trong đóng góp tài chính, lắng nghe, thảo luận, thống nhất những vấn đề chung của gia đình, cùng nhau giữa lửa, đối xử tôn trọng, yêu thương nhau.

“Thì ra mình cũng làm được” là những câu chuyện, thông tin về định kiến cũ tương đối phổ biến “con gái lớn là phải lấy chồng”, “con gái học nhiều là bất hiếu”, “con gái chỉ biết viết tên mình ra là được rồi” và thông qua nhân vật điển hình em Chảo Thị Yến (ở xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, Lào Cai) đã kiên trì giải thích với cha mẹ, những người xung quanh về việc con gái có thể học cao và không nên lấy chồng sớm. Sau đó, Yến đã học được hết cấp 3 và là trong 2 người đầu tiên của xã đỗ Đại học; sau đó, Yến còn được đi học ở Đức và Ý. Thành tựu quan trọng này của Yến đã góp phần làm thay đổi cách nhìn của bản làng người Dao nơi em sinh sống về việc cho con gái đi học, thực hiện được khả năng và những ước mơ…

 Tặng sách cho đại diện các trường. 

Việt Dũng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN