Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

15.000 ca tử vong liên quan trực tiếp nắng nóng năm 2022 tại châu Âu

Thứ Tư, 09/11/2022 17:21 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Mùa hè năm 2022 là một trong những mùa nóng nhất được ghi nhận ở châu Âu và những đợt nắng nóng gay gắt đã gây ra hậu quả chết người tại châu lục này.

Một bé gái vui đùa dưới vòi phun nước giữa cái nóng của mùa hè. (Ảnh minh họa: WMO)

Theo một ước tính chưa đầy đủ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố nhân Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP27, ít nhất 15.000 ca tử vong ở châu Âu có liên quan trực tiếp đến các đợt nắng nóng gay gắt ảnh hưởng đến lục địa này trong mùa hè năm 2022.

Trong tuyên bố được đưa ra, Giám đốc WHO khu vực châu Âu, Tiến sĩ Hans Henri P. Kluge cho biết: “Dựa trên dữ liệu quốc gia đã được công bố, ước tính có 15.000 người tử vong vì nắng nóng vào năm 2022”. Con số này bao gồm 4.500 người tử vong ở Đức, gần 4.000 người ở Tây Ban Nha, hơn 3.200 người ở Vương quốc Anh và 1.000 người ở Bồ Đào Nha. Ước tính này dự kiến sẽ tăng lên khi có nhiều quốc gia báo cáo các trường hợp tử vong do nắng nóng vượt mức.

Đối với Pháp, WHO chỉ rõ rằng Viện Thống kê Pháp, INSEE, đã ghi nhận tỷ lệ tử vong cao hơn 11.000 người trong mùa hè năm 2022 so với mùa hè năm 2019 trước đại dịch COVID-19. INSEE cho rằng những con số này "có khả năng được giải thích bởi đợt nắng nóng xảy ra vào giữa tháng 7, sau đợt nắng nóng đầu tiên từ giữa tháng 6".

Nhiệt độ khắc nghiệt gây ra cái chết cho 148.000 người ở châu Âu trong 50 năm

Nhiệt độ ở châu Âu đã ấm lên đáng kể trong giai đoạn 1961 - 2021, với tốc độ trung bình khoảng 0,5°C mỗi thập kỷ. Theo một báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) được công bố vào tuần trước, châu Âu là lục địa ấm lên nhanh nhất, ghi nhận mức tăng nhiệt độ cao hơn gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu trong 30 năm qua.

Theo dữ liệu của WHO, nhiệt độ khắc nghiệt là nguyên nhân gây ra 148.000 ca tử vong ở châu Âu trong 50 năm qua. Với 15.000 ca tử vong trong một năm, chỉ riêng năm 2022 sẽ chiếm hơn 10% tổng số này.

Mùa hè năm ngoái, lục địa châu Âu đã chứng kiến sự leo thang của các đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng, tất cả đều có tác động đến sức khỏe của người dân.

"Biến đổi khí hậu đã và đang giết chết chúng ta, nhưng hành động mạnh mẽ ngày hôm nay có thể ngăn chặn nhiều trường hợp tử vong hơn" – văn phòng châu Âu của WHO lập luận khi COP27 đang được tổ chức tại Ai Cập.

Cháy rừng gây ra lượng khí thải carbon cao nhất kể từ năm 2007

Nói rộng hơn, tác động của những hiện tượng khí hậu này đối với con người chỉ cho thấy một cái nhìn thoáng qua về những gì con người phải đối mặt nếu nhiệt độ tăng 2°C trở lên so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Tiến sĩ Kluge nói: “Điều này sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo cho tương lai của chúng ta trong điều kiện khí hậu thay đổi”.

Ngoài nhiệt độ cao, lục địa Châu Âu còn phải đối mặt với những đám cháy rừng tàn khốc trên khắp khu vực. Theo WHO, những điều này đã gây ra "lượng khí thải carbon cao nhất kể từ năm 2007, làm ô nhiễm không khí của chúng ta, giết chết nhiều người – trong đó thường là những người ứng cứu dịch vụ khẩn cấp tuyến đầu - khiến nhiều người khác phải di dời và phá hủy những vùng đất rộng lớn trong nhiều năm tới".

Theo WHO, trong những thập kỷ tới, việc gia tăng mức độ phơi nhiễm và dễ bị tổn thương trước các đợt nắng nóng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác sẽ dẫn đến gia tăng bệnh tật và tử vong trừ khi các quốc gia thực hiện các biện pháp thích ứng và giảm thiểu thực sự quyết liệt để chống lại biến đổi khí hậu.

Ô nhiễm gây ra 7 triệu ca tử vong trên toàn thế giới

Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá trong những điều kiện này, thích ứng là làm cho hệ thống y tế và xã hội phù hợp cho tương lai. Ví dụ, các kế hoạch hành động về sức khỏe liên quan tới nhiệt là cần thiết để thích ứng với biến đổi khí hậu vì chúng bảo vệ cộng đồng khỏi tử vong và bệnh tật do nhiệt.

Theo WHO, hơn 20 quốc gia tại châu Âu đã có kế hoạch hành động về sức khỏe liên quan đến thời tiết nắng nóng. Tiến sĩ Kluge cho biết: “Hệ thống y tế và xã hội của chúng ta phải thích ứng với khí hậu, bền vững và ít carbon”.

WHO cũng ủng hộ các chính sách giảm thiểu nhằm giảm lượng khí thải, đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và xã hội. Điều này bao gồm giải quyết đồng thời biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí, vốn lấy đi sinh mạng của khoảng 550.000 người ở châu Âu mỗi năm trên tổng số ước tính toàn cầu là 7 triệu người./.

Khánh Linh (Theo WHO, UN, AFP)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN