Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

07 dự án của phụ nữ dân tộc thiểu số dự chung kết toàn quốc “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa"

Thứ Năm, 12/10/2023 09:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" năm 2023 góp phần thực hiện các mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030. Ngoài đối tượng chung, cuộc thi ưu tiên phụ nữ thuộc hộ nghèo, khó khăn; phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ sống tại địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa…

Ngày 12/10 tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức khai mạc vòng chung kết toàn quốc cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" năm 2023.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Lan Phương phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Lan Phương cho biết, cuộc thi là hoạt động trọng tâm tiếp nối hành trình 6 năm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, với mục đích tìm kiếm, lựa chọn, trao giải và hỗ trợ ươm tạo, nâng cao năng lực cho phụ nữ, các tổ hợp tác/hợp tác xã, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ/tham gia quản lý có các ý tưởng, dự án khởi sự kinh doanh/khởi nghiệp xuất sắc, nhằm gìn giữ, phát triển và nâng cao giá trị tài nguyên bản địa, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.

Với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa”, cuộc thi năm nay là cuộc thi lần thứ 5 được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cuộc thi được tổ chức nhằm tìm kiếm, lựa chọn, trao giải và hỗ trợ ươm tạo, nâng cao năng lực cho phụ nữ, hợp tác xã/tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ/tham gia quản lý có dự án/ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc với mục tiêu giữ gìn giữ, phát triển và nâng cao giá trị tài nguyên bản địa, khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ của địa phương trên cơ sở phát huy sức mạnh nội lực, tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ.

 
Các ứng viên đại diện cho các dự án khởi nghiệp có 15 phút thuyết trình trực tiếp và giải đáp các câu hỏi của Hội đồng giám khảo và các nhà đầu tư, nhà tài trợ tiềm năng. 

Ngoài đối tượng chung, cuộc thi ưu tiên khuyến khích phụ nữ thuộc hộ nghèo, khó khăn; phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ sống tại địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn chuyển đổi đất nông nghiệp; phụ nữ khuyết tật; phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng; phụ nữ là vận động viên thể thao đã giải nghệ…

Sau hơn một tháng chính thức phát động (từ trung tuần tháng 3/2023), tại vòng tiếp nhận và sàng lọc cấp tỉnh, thành đã có 2.024 dự án/ý tưởng khởi nghiệp tham gia dự thi (tăng 30,67% so với cuộc thi năm 2021). Các lĩnh vực tham gia dự thi rất đa dạng, phong phú. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất 51,6%; lĩnh vực công nghiệp, chế tạo sản phẩm chiếm tỷ lệ 12,1%; lĩnh vực giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính 6,6%; lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp: 4,4%; lĩnh vực kinh doanh tạo tác động xã hội chiếm 9,2%, các lĩnh vực khác chiếm 16,1%. Chủ thể tham gia dự thi đến từ nhiều thành phần khác nhau, trong đó có 17,9% là doanh nghiệp; 39,9% là hộ kinh doanh/cơ sở kinh doanh; hợp tác xã và tổ hợp tác/tổ liên kết chiếm tỷ lệ cao nhất với 42,1% tổng số các dự án khởi nghiệp đủ điều kiện dự thi vòng sơ loại cấp vùng.

 Trong số 33 dự án khởi nghiệp  tham dự vòng chung kết toàn quốc có 07 dự án của phụ nữ dân tộc thiểu số 

Trước đó, vòng chung kết cấp vùng cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 được tổ chức tại 3 miền Bắc, Trung, Nam tại Nam Định, Phú Yên và Bến Tre từ ngày 06 - 20/9 để chọn ra 33 dự án khởi nghiệp đoạt từ giải Ba trở lên tiếp tục tham dự vòng chung kết toàn quốc. Về chủ thể của 33 dự án, có 13 dự án của các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ (chiếm 39,4%); 14 dự án của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ (chiếm 42,4%); 06 dự án của hộ kinh doanh cá nhân (chiếm 18,18%). Đặc biệt, có 02 dự án của phụ nữ khuyết tật (chiếm 6 %) và 07 dự án khởi nghiệp là của phụ nữ dân tộc thiểu số (chiếm 21,2%).

Cuộc thi thuyết trình chung kết toàn quốc nhằm lựa chọn các ý tưởng/dự án khởi nghiệp xuất sắc trong cả nước để trao giải thưởng diễn ra vào ngày 14/10 tới. Các ứng viên đại diện cho các dự án khởi nghiệp có 15 phút thuyết trình trực tiếp, tập trung giới thiệu sâu hơn về tính đổi mới sáng tạo, khả năng đăng ký sở hữu trí tuệ, khả năng thương mại hóa, năng lực thực hiện, tác động, tính bền vững của dự án đối với việc gìn giữ, phát triển và nâng cáo giá trị nguồn lực, tài nguyên bản địa; tiềm năng đóng góp của dự án đối với tạo việc làm, nâng cao vị thế cho phụ nữ… và giải đáp các câu hỏi của Hội đồng giám khảo và các nhà đầu tư, nhà tài trợ tiềm năng.

Cuộc thi được phát trực tuyến trên Fanpage của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Fanpage Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp./.

Minh Châu

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN