Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Không có “vùng cấm” trong công tác kiểm tra, giám sát

Thứ Tư, 23/01/2019 14:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm; nơi nào tự kiểm tra không phát hiện, hoặc phát hiện nhưng xử lý vi phạm nương nhẹ thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý đúng mức, không “rút kinh nghiệm” chung chung.

Ngày 23/1, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2018, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019.

Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phạm Minh Chính, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Thượng tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tới dự.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị - ảnh: Trọng Đức

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú nêu rõ, từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, ngành Kiểm tra đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra với chất lượng, hiệu lực, hiệu quả ngày càng được nâng lên.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết liệt, có nhiều việc đi trước mở đường cho việc xử lý hành chính và xử lý pháp luật, đặc biệt đã tập trung kiểm tra những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội bức xúc; đồng thời tổ chức thực hiện trong thời gian ngắn, kết luận rõ vi phạm, tạo sự ổn định ở địa phương, đơn vị.

Với tinh thần quyết tâm, bản lĩnh, không ngại va chạm, không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, kết luận, làm rõ nhiều vụ việc, quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật nghiêm minh, chính xác, kịp thời, đúng quy định nhiều tổ chức đảng, đảng viên, trong đó có những đảng viên là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước...

Năm 2018, cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra trên 14 vạn tổ chức đảng và hơn 30 vạn đảng viên; giám sát trên 6 vạn tổ chức đảng và hơn 17 vạn đảng viên; thi hành kỷ luật trên 4 nghìn tổ chức đảng và hơn 17 nghìn đảng viên…

Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng tiếp tục giành được những kết quả quan trọng, bước đầu góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, một số ý kiến phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, để có được kết quả trên là do các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; đồng thời, chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng.

Các đại biểu tham dự hội nghị - ảnh: Trọng Đức

Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp có chuyển biến tích cực, được tiến hành chủ động hơn, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào đối tượng, lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm; kết luận đã làm rõ nhiều vi phạm, đã quyết định hoặc đề nghị thi hành kỷ luật nghiêm minh, chính xác, kịp thời đối với nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm. Việc công khai kết quả xem xét, xử lý kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân bị kỷ luật trên các phương tiện thông tin đại chúng thể hiện sự công khai, minh bạch trong xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên, có tác dụng giáo dục, cảnh báo, răn đe và tác động sâu sắc đến nhận thức của cán bộ, đảng viên, đến niềm tin của nhân dân đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, công tác kiểm tra, giám sát không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ. Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục vào cuộc rất tích cực, quyết liệt; chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; làm rõ nhiều vi phạm rất nghiêm trọng, đã quyết định kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật nghiêm minh nhiều cán bộ cấp cao, bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời, “thấu tình, đạt lý”; góp phần quan trọng xây dựng môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội; đấu tranh, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.... Đặc biệt, ngành Kiểm tra Đảng đã kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm về quan điểm chính trị, có những bài viết, phát ngôn trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, qua đó siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Tuy nhiên theo Chủ tịch Quốc hội, bên cạnh những kết quả, thành tích nêu trên, cũng phải thẳng thắn, nghiêm túc rút kinh nghiệm về những hạn chế, khuyết điểm trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Không ít địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra, giám sát còn chiếu lệ, hình thức, chưa quyết liệt; hiệu lực, hiệu quả chưa cao, chưa đủ sức răn đe; việc đấu tranh với những vi phạm vẫn còn tồn tại tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, ngại va chạm. Việc chủ động nắm tình hình và xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh vi phạm còn hạn chế.

Một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra, giám sát, chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và đích thân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; việc xác định nội dung chương trình kiểm tra, giám sát còn dàn trải, chưa thực sự đi vào các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, những lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực hoặc những vấn đề đang gây bức xúc ở địa phương, cơ quan, đơn vị; công tác kiểm tra, giám sát ở một số địa phương, nhất là cấp huyện, cấp cơ sở chuyển biến chưa mạnh, chưa rõ nét, chưa có những vụ việc trọng tâm, trọng điểm, điển hình…

Năm 2019 là năm rất quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Trong bối cảnh đó, vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, uỷ ban Kiểm tra các cấp là hết sức quan trọng, nặng nề.

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng - ảnh: Trọng Đức

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong không khí cả hệ thống chính trị đang vào cuộc, nhân dân đang đồng tình, ủng hộ, cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết, kiên trì, không được tự thỏa mãn với những kết quả đã đạt được; tiến hành kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trọng tâm là kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.   

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Nơi nào tự kiểm tra không phát hiện, hoặc phát hiện nhưng xử lý vi phạm nương nhẹ thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý đúng mức, không “rút kinh nghiệm” chung chung.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Cần tập trung kiểm tra toàn diện công tác tổ chức, cán bộ, đặc biệt nhân sự chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp; chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện tham nhũng; có nhiều phản ánh, tố cáo tham nhũng; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý kịp thời việc lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; kiên quyết xử lý các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong công tác cán bộ.

Tăng cường giám sát việc sử dụng quyền lực của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu. Tập trung chỉ đạo kiểm tra những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận quan tâm, các lĩnh vực, địa bàn dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Khi đã phát hiện dấu hiệu vi phạm phải kịp thời kiểm tra, làm quyết liệt, triệt để, giải quyết dứt điểm; kết luận rõ ràng, minh bạch; xử lý phải công tâm, khách quan; kỷ luật phải nghiêm minh, thuyết phục.

Chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà các đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đang phải đối mặt, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng, nhân dân tin tưởng vào bản lĩnh, ý chí của các cán bộ kiểm tra - người lính xung kích trên mặt trận đấu tranh với sai phạm, tiêu cực trong Đảng. Mỗi cán bộ kiểm tra phải có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm, tận tuỵ trong công tác, trách nhiệm và tính chiến đấu cao trong nghề nghiệp; nắm vững nguyên tắc, cơ chế, chính sách, các quy định của Đảng, Nhà nước để thực thi nhiệm vụ; có kỹ năng nghiệp vụ thuần thục, phương pháp công tác khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN