"Đánh trống, khua chiêng" rồi, vỉa hè vẫn ngổn ngang!
(ĐCSVN) - Vỉa hè đang được xem như một thứ hàng hóa không minh bạch đan xen quyền lợi giữa cơ quan quản lí và người sử dụng, để bao năm nay, người ta nói nhiều, bàn nhiều rồi... đâu lại vào đấy!
Vỉa hè phố Đào Duy Anh (Hà Nội) bị biến thành nơi trông giữ xe không còn chỗ cho người đi bộ.
Ảnh: An Luých
Các cửa hàng, công ty và cả cơ quan chức năng đang ra sức khai thác vỉa hè vào mục đích kinh tế, mặc kệ người đi bộ, mặc kệ bộ mặt đô thị có lôi thôi nhếch nhác!
Để khai thác tối đa kinh tế vỉa hè, người ta không chỉ lấn chiếm mở hàng quán, trông giữ xe mà còn thành lập ra những công ty khai thác điểm đỗ, người dân vẫn gọi bằng cái tên rất thực tế là: “Công ty khai thác vỉa hè”.
Vỉa hè đang ngày càng bị xem như một "con gà đẻ trứng vàng", bởi ai cũng biết kinh doanh nơi phố thị, mặt tiền và vỉa hè là một trong các yếu tố quyết định thành công. Người ta tìm mọi cách để được yên ổn sử dụng vỉa hè như một phần của cửa hàng, của công ty và một thứ quyền lực ngầm trong lợi ích vỉa hè đã hình thành từ đó. Nếu muốn làm ăn yên ổn trên vỉa hè thì phải chạy vạy, phải có quan hệ này nọ. Rất nhiều chủ cửa hàng cho biết, họ đều đã làm “nghĩa vụ” tài chính rồi mới có thể yên ốn… lấn chiếm vỉa hè. Nhưng thử hỏi có cửa hàng buôn bán lấn chiếm hè phố nào trình ra được giấy phép sử dụng hè phố? Rõ ràng, hè phố đang trở thành một loại hàng hóa không minh bạch, thậm chí còn là nơi để nhóm lợi ích phân chia quyền lợi. Người đi bộ, hay nói đúng hơn là Nhà nước đang phải hi sinh cả nghìn tỷ đồng để phục vụ cho nhóm lợi ích vỉa hè...
Có lẽ vỉa hè nhiều lợi lộc nên lâu nay, cơ quan chức năng, các cấp chính quyền từ quận, huyện tới phường, xã đều cùng có quyền quản lý, khai thác theo quy định hiện hành: Sở Giao thông vận tải và UBND quận, huyện cấp phép khai thác lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ xe, trông giữ xe. Chính quyền phường, xã cấp phép sử dụng tạm thời hè phố cho việc bán hàng ăn, uống, quán xá…
Nhiều chủ thể quản lý là vậy, nhưng xác định một chủ thể chịu trách nhiệm cuối cùng về vỉa hè thì chẳng thấy đâu. Có lẽ đây cũng là một trong những lý do mà bao năm nay, nhiều tuyến vỉa hè Hà Nội luôn ngổn ngang, bừa bộn.
Cùng trên một tuyến hè phố, chỗ thì làm nơi trông giữ xe (chính quyền quận cấp phép), chỗ thì hàng quán mọc lên lấn hết lối đi (chính quyền phường cho phép)….Có tuyến phố, Sở Giao thông Vận tải cắm biển cấm đỗ xe, nhưng gần đấy trên vỉa hè lại có bãi gửi xe chềnh ềnh lấn cả xuống lòng đường như: Phố Trần Bình Trọng, Quang Trung… Thậm chí người ta còn tổ chức trông giữ xe ngay trên một số phố mà chính quyền thành phố đã có chỉ đạo không được khai thác vỉa hè làm nơi trông giữ xe như: phố Hai Bà Trưng, Trấn Vũ, Trần Quang Khải…(?).
Cấp phép sử dụng vỉa hè thì dễ nhưng giám sát thực hiện sau cấp phép dường như đang bị bỏ lơ, coi nhẹ. Về nguyên tắc, khi Sở Giao thông Vận tải hoặc UBND cấp quận, huyện cấp phép thì phải dựa trên các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng, hoặc chiếm dụng hè phố không phép, sai phép, thậm chí một số điểm không đủ điều kiện theo quy định nhưng cơ quan chức năng vẫn cấp phép (?). Về những vi phạm này, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội mới đây đã thừa nhận trên báo chí. Việc kiểm tra, phát hiện xử lý do Thanh tra Sở Giao thông phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng tuần tra thực hiện nhưng còn hạn chế do lực lượng ít.
Như vậy có thể thấy, việc quản lý hè phố đang có sự đan xen quyền lợi giữa các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và cá nhân, doanh nghiệp sử dụng vỉa hè. Thật khó xác định ai quản lý, quản lý cái gì, khi chính cơ quan quản lý cũng là “ông chủ” khai thác vỉa hè, người đá bóng cũng là người thổi còi(?!).
Vấn đề này xem ra ai cũng biết nhưng “tế nhị” đến mức dễ đụng vào lợi ích nhóm nên đành "đánh trống khua chiêng" mỗi khi có đợt ra quân chấn chỉnh trật tự hè phố, để rồi sau bao năm, nó vẫn chẳng thể trật tự, văn minh được!