Hãy trả lối đi cho người đi bộ!
(ĐCSVN) - Câu chuyện hè phố bị biến thành nơi kinh doanh, buôn bán đã không xa lạ, nhưng thời gian gần đây nó lại nóng lên vì vừa qua, cơ quan chức năng tại Hà Nội đã xử phạt hàng trăm người đi bộ vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông.
Vỉa hè bị biến thành nơi để xe, người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Ảnh: An Luých
Vì sao tình trạng chiếm dụng vỉa hè vẫn tiếp diễn?Chiếm dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán, để xe đã trở nên quen thuộc tại hầu khắp các phố phường ở Hà Nội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lối đi của người đi bộ. Người đi bộ thường phải đi xuống lòng đường, gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Chiếm dụng vỉa có thể gây ra hệ lụy giao thông như thế nhưng sao nó vẫn tồn tại từ năm này qua năm khác?
Theo nội dung Quyết định số 15/2013/QĐ của UBND thành phố Hà Nội, hè phố được sử dụng tạm thời để kinh doanh, buôn bán phải đảm bảo có chiều rộng hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5m. Quy định này đang bị “phớt lờ”, hoặc bị lạm dụng để cho phép kinh doanh ngay cả trên những hè phố không đủ rộng, gây nên sự nhếch nhác và mất an toàn giao thông với người đi bộ. Nhiều chỗ người ta còn ngang nhiên chặn cả vỉa hè để làm quán xá, nơi bán hàng, rất phản cảm, nhưng không thấy lực lượng chức năng ngăn chặn.
Trong khi những điểm kinh doanh buôn bán có tính ổn định công khai chiếm dụng vỉa hè vẫn tồn tại thì những người bán hàng rong, chủ yếu là người nghèo mưu sinh thường bị lực lượng chức năng cơ sở xua đuổi, tịch thu hàng hóa. Nhiều người chứng kiến cảnh đối lập này đã đặt câu hỏi: Phải chăng vỉa hè là dành cho nhà giàu buôn bán???
Người chiếm dụng vỉa hè thường chỉ nộp cho lực lượng chức năng mỗi tháng vài triệu đồng là có thể công khai lấy vỉa hè của nhà nước thành nơi bán hàng của gia đình mình. Song khi phóng viên hỏi về biên lai, hoặc hóa đơn thu tiền thì hầu hết các chủ cửa hàng đều cho biết, chỉ đưa tiền thôi chứ không có hóa đơn. Có chủ cửa hàng còn thẳng thắn: Cái này là luật bất thành văn lâu rồi.
Vỉa hè, lòng đường là của nhà nước, nhưng thử hỏi, nhà nước thu được mấy đồng từ những kiểu mua bán vỉa hè như trên. Rõ ràng, hoạt động kinh doanh này chỉ đem lợi ích đến cho một nhóm người. Người ta đang lấy của nhà nước để chia nhau.
Theo quy định hiện hành, chính quyền cấp quận, huyện được giao quản lý, đầu tư và duy tu, khai thác hè phố đã được phân cấp quản lý và cấp phép sử dụng tạm thời hè phố để trông giữ ô tô, xe đạp, xe máy… sử dụng hè phố vào việc cưới, tang, kinh doanh bán hàng ăn uống theo giờ quy định. Như vậy, chính quyền cơ sở là cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về quản lý, giữ gìn trật tự hè phố. Hè phố có thông thoáng hay không đều phụ thuộc vào sự quyết tâm của chính quyền cơ sở. Với thực trạng hè phố đang bị biến thành nơi buôn bán, để xe tràn lan và kéo dài như hiện nay, nhiều người đã đặt câu hỏi: Liệu có phải do chính quyền cơ sở làm ngơ, buông lỏng quản lí hay do chính quyền cơ sở bất lực? Nếu không, người dân khó mà “ngang nhiên” lấn chiếm vỉa hè như vậy.
Phạt trước trả sau?
Trong khi chưa cải thiện được thực trạng vỉa hè bị lấn chiếm thì mới đây cơ quan chức năng Hà Nội đã đẩy mạnh xử phạt người đi bộ vi phạm các quy định về an toàn giao thông. Chỉ sau gần một tháng thực hiện, đến ngày 28/2, đã có trên 542 người đi bộ bị xử phạt, khiến dư luận lên tiếng: Đề nghị trả lối đi cho người đi bộ, rồi hãy phạt khi họ vi phạm quy định an toàn giao thông.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp từng thừa nhận tại buổi họp báo về chủ đề “An toàn cho người đi bộ” hôm 6/5/2015: Hiện trên nhiều tuyến đường thủ đô Hà Nội, vỉa hè dành cho người đi bộ đang bị lấn chiếm. Do đó, cơ quan chức năng sẽ ra quân quyết liệt hơn để trả lại vỉa hè thông thoáng. Tuy nhiên, đến nay, người ta vẫn chưa thấy dấu hiệu chuyển biến nào trong khi việc xử phạt người đi bộ thì đã thực hiện với quyết tâm cao. Phải chăng, cơ quan chức năng đang chọn giải pháp phạt trước trả sau, nghĩa là chọn việc dễ (phạt người đi bộ) làm trước, việc khó (trả vỉa hè, lối đi bộ)… cứ từ từ.
Luật sư Nguyễn Văn Thành. Ảnh: An Luých
Trao đổi với phóng viên về những bất cập trên, Luật sư Nguyễn Văn Thành (Văn phòng Luật sư Hoàng Gia Thành- Hà Nội) cho rằng, xử phạt người đi bộ đi không đúng phần đường là đúng nhưng suy cho cùng, pháp luật là để phục vụ cho cuộc sống của người dân. Vậy pháp luật cũng phải căn cứ vào yêu cầu và hoàn cảnh thực tế thì mới có thể đi vào cuộc sống, mới được công dân đón nhận và chấp hành. Trong hoàn cảnh thực tế hiện nay, hè phố dành cho người đi bộ hầu như đã bị chiếm dụng hết, vì vậy cảnh sát giao thông chỉ có thể phạt người đi bộ tại những nơi đã đảm bảo đường riêng cho người đi bộ nhưng họ không sử dụng, như tại các nút giao có vạch kẻ và đèn tín hiệu giao thông cho người đi bộ, những nơi có cầu vượt đi bộ nhưng người đi bộ vẫn cố tình đi vào làn đường dành cho xe cơ giới.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Văn Thành, chính quyền Hà Nội cần quyết liệt chỉ đạo để chính quyền cơ sở phải thực hiện được trách nhiệm giữ gìn trật tự hè phố. Khi nào đảm bảo lối đi cho người đi bộ, sẽ xử phạt nghiêm túc các trường hợp người đi bộ đi không đúng phần đường. Như thế, vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật vừa tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể chấp hành pháp luật./.