Dân khổ... vì đường!
(ĐCSVN) - Ngày mưa, đường lầy lội, đi lại trơn trượt. Ngày nắng, bụi tung mù trời... Đó là nỗi thống khổ mà hàng trăm hộ dân xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) đang phải chịu đựng suốt hàng chục năm qua.
Có mặt tại tuyến đường đê sông Hồng (đê xung yếu cấp Quốc gia), đoạn chạy qua địa phận xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân (Hà Nam), chúng tôi chứng kiến toàn bộ mặt đường đã bị vỡ nham nhở, những mảng bê tông bị nứt toác. Việc đi lại trên con đường này, nhất là xe máy vô cùng khổ sở vì bị "ổ voi", "ổ gà" tra tấn, bụi bặm mịt mù đến nghẹt thở.
Ông Trần Văn Long, nhà ở xóm Lam Cầu, xã Nhân Thịnh bức xúc chia sẻ: "Dân chúng tôi đi lại quá khổ sở với con đường này. Dù chúng tôi kêu lên cấp trên xin sửa chữa đường đã hàng chục năm nay, nhưng đến giờ vẫn chưa được xem xét. Hiện chúng tôi phải đi đường vòng qua xã Nhân Hưng, xã Bắc Lý mới có thể lên được trung tâm huyện Lý Nhân, bởi con đường chính là đường đê sông Hồng, tuy gần nhưng đã bị "băm nát", ,gây khó khăn vô cùng cho việc đi lại".
“Nếu là đường đất hẳn thì đi một nhẽ, đằng này đường bê tông nhưng đã bị cày nát khiến việc đi xe máy như cực hình. Những mảng bê tông vỡ gây cản trở bánh xe máy rất khó đi. Trước đây, đường đẹp thì ở xã còn có vài tuyến xe khách. Nay đường xấu thì chỉ còn một, hai chuyến chạy khiến việc đi xa của chúng tôi gặp vô vàn khó khăn” – bà Nguyễn Thị Mão, trú tại xóm Giá, xã Nhân Thịnh cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đường xấu còn khiến giá cả của các mặt hàng thiết yếu tại địa phương bị tăng lên 1 đến 2 giá. Ngược lại, những sản phẩm nông sản và chăn nuôi của địa phương khi làm ra bán luôn bị thương lái ép xuống đến vài giá. Tất cả lý do chỉ tại… đường quá xấu!
Trước đây, khi đường còn đẹp, chợ Đòng ở xã Nhân Thịnh luôn tấp nập cảnh mua bán. Từ mấy năm nay, việc buôn bán ở đây trở nên ế ẩm đến... buồn bã, do lái buôn về đổ hàng ngại đường vừa xấu, vừa xóc làm hỏng hàng, hại xe. Người dân địa phương nếu có nhu cầu mua bán thì phải vòng đi chợ khác trong vùng...
Những chiếc xe ben phóng bạt mạng trên đường, bụi tung mù trời...
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Bình, cán bộ Giao thông – Địa chính xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân cho biết: "Tuyến đường đê sông Hồng chạy qua xã chúng tôi có tổng chiều dài khoẳng trên dưới 4 km. Tuy nhiên, hiện tuyến đường đã xuống cấp trầm trọng, đặc biệt đoạn từ điếm 147, 148, 149 đến xã, mặc dù là đường bê tông nhưng đã bị hư hỏng hoàn toàn. Hơn nữa, do đây là tuyến đê cấp Quốc gia, do Hạt đê điều quản lý nên thẩm quyền địa phương chúng tôi cũng chỉ dừng ở cấp độ báo cáo lên cấp trên và hàng năm tổ chức phát quang bụi cỏ hai bên đường. Hiện chúng tôi vẫn chờ cấp trên xem xét cho sửa chữa, nâng cấp đường để phục vụ việc đi lại của nhân dân.
Ông Bình cho biết thêm, "đường bắt đầu xuống cấp nhanh chóng từ khi tỉnh Hà Nam có chủ trương cấp phép (năm 2009) cho một số doanh nghiệp vào hoạt động khai thác vật liệu xây dựng ở bãi nổi giữa sông Hồng, thuộc xã Nhân Thịnh. Đường đê chỉ cho phép tải trọng xe vài tấn hoạt động. Tuy nhiên, hàng ngày có hàng trăm lượt xe tải trọng siêu trường, siêu trọng hàng vài chục tấn liên tục qua đây khiến tuyến đường quá tải và xuống cấp nhanh chóng như hiện nay. Thấy tình trạng xe phá đường quá nghiêm trọng, chúng tôi rất sốt ruột nhưng không đủ thẩm quyền để ngăn chặn mà chỉ biết báo cáo lên cấp trên xem xét, giải quyết".
Được biết, các xe vận tải trên tuyến đường trên chủ yếu của các công ty vận tải, cung ứng vật liệu xây dựng. Trên địa bàn huyện Lý Nhân nói riêng và tỉnh Hà Nam nói chung, tốc độ xây dựng và đô thị hóa hiện đang diễn ra khá mạnh, nên các xe tải phải lưu thông hết tần suất suốt ngày đêm để cung ứng đủ ra thị trường các sản phẩm vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát, sỏi khai thác từ sông Hồng.
Không chỉ đi lại khó khăn, tình trạng đường xấu còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của hàng vạn hộ dân sinh sống vùng ven đê, bởi mỗi lần những đoàn xe rầm rầm lao qua, bụi tung mù trời, sau đó, cát theo gió bay vào phủ trắng khu dân cư. Tại địa phương đã có không ít người dân lâm bệnh do bụi đường gây ra, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp.
Thiết nghĩ, từ thực trạng trên, đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam sớm vào cuộc, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nhằm khắc phục tình trạng đường đê sông Hồng xuống cấp, cũng như cải thiện môi trường sống cho người dân./.