Ám ảnh… đường ngang!
(ĐCSVN) - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra nạn giao thông đường sắt, trong số đó có những vụ rất nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng về người, tài sản, phương tiện. Đa số tai nạn xảy ra ở các điểm giao cắt đường ngang dân sinh…
Một hiện tượng đau xót hy hữu đã xảy ra trong ngành đường sắt. Chỉ trong bốn ngày cuối tháng 5/2018, bốn tai nạn đã liên tiếp xảy ra: Ngày 24/5, tàu SE19 từ Hà Nội vào Đà Nẵng, khi đến ga Trường Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã đâm vào xe tải. Hai người chết, 10 người bị thương, đầu máy và sáu toa xe bị lật. Ngày 26/5, tại ga Núi Thành (Quảng Nam), tàu hàng ASY2 đi vào ga theo hướng Nam - Bắc. Cùng thời điểm lái tàu hàng 2469 đang dồn toa hướng ngược lại khiến hai đoàn tàu đã tông nhau trực diện. Bốn toa xe hàng trật khỏi đường ray, hai đầu máy hư hỏng nặng; chỉ 20 phút sau, tàu hàng chạy hướng Nam - Bắc kéo theo 27 toa xe trong lúc vào đường ray số 3 tại ga Yên Xuân (Nghệ An) để tránh tàu ngược chiều thì bất ngờ bị trật bánh tại hai toa 3 và 4. Ngày 27/5, tàu hàng SH3 chạy Bắc - Nam, khi tới xã Diễn An (Diễn Châu, Nghệ An) đâm trúng xe bồn trộn bê tông đang vượt qua đường sắt...
Và bốn ngày hy hữu này chẳng khác nào những “ngày đen tối” đang rung chuông báo động về sự mất an toàn của loại hình vận tải truyền thống này.
Trong tiền lệ, đã từng xảy ra không ít vụ việc tương tự, khiến hàng chục người thương vong; hàng hóa, tài sản hư hỏng, giao thông đình trệ ở các cung đường sắt Thường Tín, Phú Xuyên (Hà Nội), đoạn qua Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An…Và vòng luẩn quẩn nguyên nhân tai nạn cơ bản vẫn do 2 yếu tố: Đường ngang dân sinh và ý thức của người tham gia giao thông.
Do đặc trưng vị trí địa lý, tuyến đường sắt nước ta chỉ tính riêng tuyến Bắc- Nam đã trải dài gần 2.000 km, kèm theo đó là hàng nghìn các lối ngang dân sinh, lối đi tự phát như những lối đi “tử thần”. Do đó, hiểm họa luôn ở trạng thái trực chờ cao độ trên từng cung đường sắt chạy qua.
Theo Cục Đường sắt, trung bình mỗi năm đơn vị thanh tra 45 cuộc, tập trung về an toàn giao thông và kiểm soát tải trọng tàu. Năm 2017, Thanh tra Cục đã xử phạt 1.040 hành vi; 5 tháng đầu năm 2018, xử phạt hơn 250 hành vi của các cá nhân. Tuy nhiên số vụ tai nạn vẫn không giảm cho thấy công tác tuần tra, kiểm soát cũng như đảm bảo cho mỗi hành trình đường sắt vẫn còn quá nhiều chuyện đáng bàn...
Trong phiên họp mổ xẻ nguyên nhân các vụ tai nạn và bàn giải pháp khắc phục do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức chiều 28/5 vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng: Kỷ luật, kỷ cương đường sắt đang không được tuân thủ. Đây là nguyên nhân xảy ra tai nạn. Cùng với đó, việc xử lý trách nhiệm cá nhân sau các vụ việc vi phạm của Tổng Công ty Đường sắt còn né tránh, kéo dài. Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thì Thanh tra Cục Đường sắt chưa hoạt động hiệu quả.
Liên quan đến trách nhiệm để xảy ra các vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng do chủ quan nhân viên đường sắt xảy ra hồi tháng 5/2018, ngày 12/7 vừa qua, Cục Đường sắt Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải về kết quả xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân của đơn vị này trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Theo đó, Cục Đường sắt Việt Nam đã tiến hành họp, phân tích mức độ ảnh hưởng của các vụ tai nạn, trách nhiệm của Cục Đường sắt Việt Nam và của các công chức thanh tra trong thực thi công vụ. Cuộc họp đã thống nhất đề nghị hình thức kỷ luật đối với một số cán bộ, công chức liên quan…Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo Cục Đường sắt đã tự nhận hình thức phê bình nghiêm khắc do trách nhiệm liên đới các vụ tai nạn.
Tất cả các việc trên cho thấy sự nghiêm trọng, sự báo động về vấn đề tai nạn đường sắt nói chung. Và đã đến lúc, chúng ta cần mổ xẻ công bằng nguyên nhân của các tai nạn đáng tiếc.
Ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng, hẳn cũng có phần lỗi không nhỏ từ một bộ phận người tham gia, điều khiển phương tiện giao thông nhưng ý thức chấp hành luật chưa cao.
Thiết nghĩ, từ các vấn đề đã trình bày, các cơ quan chức năng ngành đường sắt cần tiếp tục tăng cường đẩy mạnh các biện pháp giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về ý thức chấp hành luật. Cần nghiên cứu, phát động xã hội hóa công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các đường ngang giao cắt, đặc biệt là các lối đi tự mở qua đường sắt; kêu gọi, thu hút sự góp sức của cộng đồng thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí có đường giao cắt với đường sắt.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên trách đẩy mạnh việc kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt. Kiến nghị các địa phương có đường sắt đi qua tiếp tục thực hiện quyết liệt quy chế phối hợp về đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí giao cắt đường bộ-đường sắt; gắn kết quả thực hiện với trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương; phối hợp với ngành đường sắt tiến hành rà soát, xây dựng lộ trình xóa bỏ, giảm dần các lối đi tự mở.
Ngoài ra, Nhà nước cần sớm bố trí kinh phí thực hiện hiện đại hóa các hạng mục, dự án ưu tiên nâng cấp, chuyển đổi đường ngang phòng vệ bằng biển báo lên thành phòng vệ bằng tín hiệu cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn tự động; xây dựng hàng rào an toàn, đường gom để tiến tới xóa bỏ, giảm dần lối đi tự phát, nhằm đảm bảo an toàn và giảm thiểu tai nạn cho hành trình của mỗi chuyến tàu qua lại.
Theo báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), tính từ ngày 16/9/2017 đến 15/4/2018, cả nước xảy ra 199 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 91 người, bị thương 122 người. Tuy giảm cả ba tiêu chí về số vụ, người chết, người bị thương nhưng số vụ tai nạn, người chết vẫn còn cao, để lại những hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình và xã hội. Theo VNR, các tai nạn xảy ra nhiều tại các lối đi tự mở dọc trên đường sắt (chiếm 80% số vụ tai nạn). Thống kê của VNR cho thấy, dọc hệ thống đường sắt quốc gia hiện còn 4.211 đường ngang dân sinh trái phép. |