Yên Bái:Nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc
(ĐCSVN)- Với 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, vì thế bức tranh văn hóa Yên Bái vô cùng phong phú, nhiều màu sắc.Những năm qua với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ảnh minh họa |
Nhờ đó các giá trị văn hóa của các dân tộc như: trang phục, kiến trúc, nhạc cụ, dân ca, dân vũ, lễ hội, nghề truyền thống… được chú trọng khôi phục và phát huy. Từ năm 2016-2020, Sở VHTT&DL tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở, phối hợp với các địa phương, triển khai thực hiện bảo tồn 21 di sản văn hóa phi vật thể, bảo tồn và duy trì hoạt động các làng nghề truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Yên Bái đã chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, danh thắng các cấp. Tính đến tháng 8/2021, trên địa bàn tỉnh có 118 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng các cấp. Hoạt động tu bổ, tôn tạo các di tích đảm bảo đúng tiến độ, theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật có liên quan.
Việc kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Tỉnh Yên Bái hiện có 714 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 04 di sản văn hóa được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên hoàn thiện Hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái đệ trình Unesco ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nhằm lưu giữ sách cổ của các dân tộc, thư viện tỉnh Yên Bái đã phục chế sách cổ của các dân tộc, số hóa 143 tài liệu với 9.695 trang, tạo lập cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ sưu tập số để lưu giữ và đưa ra phục vụ bạn đọc với 02 bộ tài liệu (tài liệu Hán Nôm và tài liệu chữ Thái cổ) tại địa chỉ website: Thuvientinhyenbai.gov.vn. Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã sưu tầm và hiện đang lưu giữ hơn 200 cuốn sách cổ của người Dao và người Thái, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa các dân tộc trong tỉnh.
Để công tác bảo tồn văn hóa các DTTS đạt hiệu quả hơn nữa, Yên Bái đang thực hiện nhiều giải pháp như, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, khích lệ Nhân dân các DTTS trong tỉnh giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc.
Tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch tại địa phương, nhất là bảo tồn tiếng nói, chữ viết các DTTS thông qua hình thức tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, có sử dụng tiếng nói, chữ viết các DTTS gắn với các hoạt động giao lưu văn hóa, phát triển du lịch tại các địa phương.
Tiếp tục thực hiện kiểm kê, đánh giá thực trạng các di sản văn hóa của các dân tộc tại địa phương; Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của các DTTS gắn với phát triển du lịch;Tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác văn hóa tại cơ sở.
Bên cạnh đó, Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Dự án bảo tồn văn hóa các DTTS theo chương trình mục tiêu phát triển văn hóa. Tiếp tục phát huy hiệu quả của Dự án bảo tồn làng truyền thống dân tộc Phù Lá, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên. Tham gia hoạt động giao lưu văn hóa các dân tộc khu vực và toàn quốc.