Cảnh giác với tình trạng giả mạo văn bản của cơ quan Nhà nước
(ĐCSVN) – Thời gian vừa qua, tại nhiều tỉnh, thành phố đã xuất hiện tình trạng giả mạo các văn bản của cơ quan Nhà nước. Do đó, người dân, các cơ sở kinh doanh cần đề cao cảnh giác và chủ động liên hệ với Sở Y tế khi phát hiện các văn bản có dấu hiệu nghi ngờ.
Ngày 5/10, thông tin từ Sở Y tế TP. Cần Thơ cho biết, đơn vị vừa phát đi công văn cảnh báo đến các cơ sở hành nghề và hộ kinh doanh về văn bản giả mạo chữ ký của ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế.
Cụ thể, nội dung văn bản giả mạo chữ ký của Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ gửi đến hộ kinh doanh quán ăn trên đường Nguyễn Văn Cừ (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) về việc “kiểm tra, giám sát tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quận Ninh Kiều”.
Văn bản giả mạo chữ ký của Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ. (Ảnh: V.V). |
Văn bản giả mạo này yêu cầu chủ cơ sở chuẩn bị nhiều tài liệu như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm…
Sở Y tế Cần Thơ khẳng định đó là văn bản giả mạo chữ ký của Giám đốc Sở Y tế. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm, thuốc trên địa bàn cần cảnh giác cao độ. Khi gặp các trường hợp đáng ngờ hoặc nhận được thông tin giả mạo, các cơ sở cần liên hệ ngay với các cơ quan chức năng để được hướng dẫn, tránh bị lừa đảo.
Theo Chánh văn phòng Sở Y tế Cần Thơ, gần đây nhất, ngày 25/9, Sở Y tế nhận được thông tin từ một số đơn vị, địa phương về việc xuất hiện các văn bản giả mạo Sở Y tế như: Quyết định về việc thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quận Ninh Kiều và Thông báo về việc Đoàn kiểm tra, giám sát tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quận Ninh Kiều. Nội dung các văn bản giả mạo đều đề cập đến kiểm tra an toàn thực phẩm. Các đối tượng mạo danh công chức thuộc các phòng chuyên môn Sở Y tế đã gọi điện thoại đến các cơ sở hành nghề y, dược trên địa bàn thành phố hù dọa và yêu cầu nộp phí làm dịch vụ thẩm định cấp phép hành nghề thuộc các lĩnh vực y tế; yêu cầu nộp phí để làm dịch vụ cho cơ sở hành nghề không bị thanh, kiểm tra; ngoài ra, còn đe dọa, thông báo cơ sở hành nghề có hành vi vi phạm pháp luật và đề nghị chuyển tiền để lo cho các cơ quan chức năng; mạo danh Sở Y tế để bán hồ sơ, tài liệu… Đây là thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội giả danh cơ quan quản lý nhà nước nhằm gây tâm lý hoang mang, lo sợ để yêu cầu các chủ cơ sở chuyển tiền với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên quan đến tình trạng giả mạo văn bản của cơ quan Nhà nước, mới đây, Sở Y tế Thanh Hóa cũng nhận được thông tin người dân cung cấp, các thông tin trên mạng xã hội về việc Sở Y tế ban hành quyết định, thông báo kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Tuy nhiên, Sở Y tế khẳng định không ban hành các văn bản trên, các văn bản trên đều là giả mạo.
Văn bản của Sở Y tế bị làm giả. (Ảnh: SYTTH). |
Trước tình hình trên, Sở Y tế Thanh Hóa vừa phát đi văn bản số 5557/SYT-TTr gửi Công an tỉnh, các huyện, thị, thành phố và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh không thực hiện bất kỳ yêu cầu nào từ các đối tượng mạo danh. Nếu nhận được thông tin giả mạo, cần liên hệ đến Sở Y tế, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc thông báo cho cơ quan công an gần nhất để xử lý vụ việc.
Theo đồng chí Lê Văn Cường, Phó giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, hiện có nhiều tỉnh, thành phố xuất hiện tình trạng giả mạo các văn bản này. “Do bây giờ sử dụng chữ ký số nên các đối tượng lợi dụng công nghệ để làm giả. Tuy nhiên, chữ ký giả cũng không khó để phát hiện. Do đó, người dân, các cơ sở kinh doanh cần đề cao cảnh giác và chủ động liên hệ với Sở Y tế khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ”, Phó giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa chia sẻ./.