Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ý kiến tâm huyết của cử tri gửi tới đại biểu Quốc hội khóa XIV

Thứ Năm, 20/10/2016 22:06 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã được khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Nhiều cử tri đã bày tỏ tin tưởng, đồng thời gửi gắm những ý kiến tâm huyết đến các đại biểu Quốc hội, tập trung vào các vấn đề "nóng" hiện nay như: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Cử tri Hoàng Thị Điểu, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Thu Hằng

Cử tri Hoàng Thị Điểu, 56 tuổi, cán bộ hưu trí, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội: Việc kê khai tài sản cần công khai, minh bạch, cụ thể và hiệu quả hơn

Mặc dù Quốc hội (QH) khóa XIII đã có những giải pháp thúc đẩy nhằm thực hiện ngày càng tốt và hiệu quả hơn công tác phòng, chống tham nhũng, nhưng công tác này vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đáng quan ngại là số vụ việc được phát hiện và xử lý lại giảm đi. Thực tế cho thấy, nhiều vụ án tham nhũng do nhân dân và báo chí phát hiện chứ không phải cơ quan chức năng nhà nước. Vì vậy, đề nghị đại biểu Quốc hội cần phát huy hơn nữa quyền giám sát, của mình. Quốc hội khóa XIV phải coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để có những giải pháp đột phá mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trong phòng, chống tham nhũng.

Việc kê khai tài sản, trong thời gian tới, cần công khai, minh bạch, cụ thể và hiệu quả hơn. Nếu không giải trình được nguồn gốc tài sản biến động thì phải có chế tài xử lý. Đáng chú ý, tham nhũng hiện nay gắn với các nhóm lợi ích, vì vậy, cần phải có giải pháp căn cơ để ngăn ngừa, triệt tiêu  các nhóm lợi ích liên kết với nhau.

Tôi đề nghị cũng cần phải tăng cường kỷ luật kỷ cương, đề cao tính "thượng tôn pháp luật", càng là cán bộ cấp cao thì càng phải làm gương để cấp dưới noi theo, tránh tình trạng "cha chung không ai khóc", “khen thưởng từ trên xuống, khuyết điểm từ dưới lên” hay bao che, nương nhẹ trong xử lý cán bộ…

Cử tri chúng tôi mong muốn cán bộ "nói" phải đi đôi với "làm". Công tác tuyển dụng phải trên tinh thần công khai, minh bạch, trọng dụng người tài, bố trí đúng chuyên môn, nghiệp vụ,  tránh tình trạng như thời gian qua “tuyển người nhà chứ không phải tuyển người tài”…

Cử tri Trương Văn Ao, 80 tuổi, đảng viên, cán bộ hưu trí, trú tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình: Đề nghị chỉ rõ được một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái

Là một đảng viên, vấn đề tôi quan tâm hiện nay là hiệu quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tôi đồng tình với phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"… Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.

Tôi cũng thấy rằng, hiện nay, có những đảng viên đã tự đánh mất mình trước quyền lực, trước tiền bạc, lợi lộc, biểu hiện qua lối sống hàng ngày, cư xử tiếp xúc với người dân rất trịnh thượng, bề trên, không hết lòng công việc, chỉ lo đi quan hệ.

Điều tôi muốn gửi gắm đến đại biểu Quốc hội là, đề nghị chỉ rõ được một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái, mạnh dạn đấu tranh, loại bỏ ra khỏi Đảng những cán bộ có tư tưởng, đạo đức, lối sống không lành mạnh. Đây là vấn đề hệ trọng, có tính cấp bách.

Bên cạnh đó, tôi và nhiều cử tri bất bình trước việc ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, mặc dù làm thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước nhưng vẫn được bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng tại Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang. Vừa qua, ông Thanh đã bị khởi tố bị can.

Tôi có ý kiến đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; có những giải pháp quyết liệt, mạnh tay hơn nữa trong đấu tranh chống tham nhũng, nhất là những vụ tham nhũng lớn, có biểu hiện “lợi ích nhóm”, gây hậu quả nghiêm trọng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân. 

Cử tri Hoàng Sơn, 32 tuổi, trú tại huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa: Quản lý chặt chẽ thu phí BOT giao thông

Tôi rất mừng vì thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh lại trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy chưa yên tâm mỗi khi đi ra đường. Các phương tiện xe thô sơ, xe ba gác chở hàng cồng kềnh, ngang nhiên đi trên đường, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.

Việc quản lý, điều chỉnh quy hoạch ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn chưa hợp lý dẫn đến sự quá tải về mật độ dân cư đô thị, hạ tầng giao thông, hệ thống thoát nước, tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài và úng ngập nghiêm trọng khi có mưa lớn hoặc triều cường, gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tôi mong muốn Chính phủ quyết liệt chỉ đạo việc điều chỉnh quy hoạch, nâng cao năng lực dự báo và đề cao trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương nơi xảy ra nhiều tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và ngập úng nghiêm trọng.  

Một vấn đề nữa, tôi đề nghị Quốc hội có ý kiến về quản lý hoạt động của các trạm thu phí dự án BOT. Khoảng cách thu phí hiện chưa hợp lý. Tôi hay đi về giữa Hà Nội và Thanh Hóa. Hiện giờ, phí cầu đường đã tăng lên đáng kể so với thu nhập của tôi. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát việc tổ chức thu phí BOT giao thông, quản lý chặt về mức phí và quy định khoảng cách thu phí hợp lý./. 

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN