Ý kiến người dân xung quanh việc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo ngành Y, Dược
(ĐCSVN) - Theo Quyết định số 5758, ngày 19/11/2015, do Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga ký, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (ĐH KD&CNHN) được phép đào tạo trình độ đại học hệ chính quy ngành Y đa khoa và Dược học. Chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của một số người dân xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Quang Toản. Ảnh QC |
* Ông Nguyễn Quang Toản, trú tại xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc):
Là người dân, chúng tôi chỉ nhìn nhận đơn giản thế này, trong lĩnh vực khoa học nói chung, không phải tự nhiên người ta phân ra thành các mảng khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trong công tác đào tạo, không phải ngẫu nhiên người ta phân bố ra mỗi trường có những mảng đào tạo chuyên môn, chuyên ngành chủ đạo, thậm chí có một số ngành chuyên biệt, bởi tất cả đó là một sự sắp xếp khoa học để chất lượng đào tạo đạt được tối ưu nhất và chuyên sâu nhất. Từ đó, mới tạo ra được các nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, chất lượng đảm bảo và khi ra làm việc thực tiễn, họ sẽ được phát huy năng lực, kiến thức một cách tốt nhất, đảm bảo được yêu cầu của từng nghề nghiệp.
Việc một trường chuyên đào tạo về mảng kinh doanh công nghệ bỗng chốc lại được cấp phép để đào tạo ngành Y, Dược, mới nghe qua, tôi đã thấy vô lý, thậm chí ngỡ ngàng khi biết đó là việc lại có thật. Cho dù họ (tức ĐH KD&CNHN – PV) có bảo vệ chính kiến “đa ngành, đa nghề” hay thế nào đi nữa để được đào tạo y thì nghe ra cũng khó thuyết phục. Bởi cứ như vậy thì mai mốt, trường nào cũng có thể đào tạo được ngành Y. Theo tôi, làm như vậy là phản khoa học và gây ra sự lấn sân chồng chéo nghiêm trọng trong công tác đào tạo nói chung. Bộ GD&ĐT cần xem lại quyết định này.
* Chị Nguyễn Thị Hường, hiện đang là sinh viên năm 2, trường Cao đẳng Y tế Hà Nam:
Tôi thấy không hợp lý khi cấp phép cho một trường chuyên về mảng kinh doanh, công nghệ được đào tạo y, dược. Để có thể trúng tuyển vào ngành Y tại một số trường ở tốp trên như: Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân y chẳng hạn, thường đòi hỏi điểm đầu vào rất cao. Trường Đại học KD&CNHN sẽ khó có thể cạnh tranh với các trường TOP đầu trong việc thu hút người học ngành y, dược. Và khi không đủ sức cạnh tranh đầu vào, rất có thể Đại học KD&CNHN phải hạ điểm xét tuyển. Với điểm sàn 15 hoặc 20 như dự định hiện nay của trường này cũng có thể vào học chính quy Y, Dược, thì thử hỏi, các tổ chức sử dụng nhân lực, mấy ai dám tin tưởng vào chất lượng đào tạo của những bác sĩ học ở những ngôi trường bình quân 5 điểm/môn cũng đỗ? Rõ ràng, với những người theo đuổi ngành Y một cách nghiêm túc và có tâm với nghề, một điều tiên quyết là không thể chấp nhận một lớp bác sỹ được đào tạo hời hợt, trình độ non kém, bởi điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của con người.
Ông Nguyễn Văn Báo. Ảnh QC |
* Ông Nguyễn Văn Báo, ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái):
Thực tế chúng ta đã thấy, các trường Y, Dược hàng năm thi tuyển, điểm trúng tuyển thường rất cao. Không phải ngẫu nhiên các trường Y uy tín lấy điểm chuẩn cao tới 28 - 29 điểm. Họ lấy cao như vậy là xuất phát từ yêu cầu thực tế đặt ra, tức chất lượng đầu vào.
Còn nay chỉ từ 20 điểm cũng có thể học y, dược để thành một bác sĩ là quá dễ dàng. Thật đáng lo ngại vì đây là ngành liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng của người dân chúng tôi, nên chúng ta không thể đào tạo tùy tiện, đại khái được. Có thể người ta vì cái lợi trước mắt, nhưng gây nguy hại cho xã hội về sau, biết trước mà vẫn làm theo tôi là việc khó chấp nhận!
* Bà Nguyễn Thị Lưu, ở phường Liêm Chung, thành phố Phủ Lý (Hà Nam):
Qua đài, báo, tôi được biết, trước khi được cho phép đào tạo ngành Y, Dược, Đại học KD&CNHN đã có sự chuẩn bị từ 2-3 năm trước cho việc này. Là một người từng công tác trong ngành, tôi thấy y và dược là hai ngành học đòi hỏi chất lượng chuyên môn rất cao. Vì vậy, không biết chỉ trong 3 năm trường ĐH KD&CNHN có thể chuẩn bị tốt nhất được mọi điều kiện hay không? Tôi nghĩ điều đó rất khó.
Mặt khác y, dược đã có cả một hệ thống trường y tên tuổi, thâm niên kinh nghiệm đào tạo hàng chục đến hàng trăm năm trong cả nước đảm nhiệm rồi. Nếu trường chuyên về mảng kinh doanh công nghệ cũng đi đào tạo y, tôi lo ngại sẽ tạo ra tiền lệ xấu, rất có thể là sự rối loạn trong hoạt động đào tạo trong hệ thống giáo dục đào tạo của nước ta về sau. Bởi đào tạo gì, hoạt động gì thì cũng nên có lĩnh vực chuyên môn làm nền tảng để đi vào nghiên cứu chuyên sâu.
Ông Nguyễn Văn Luyên. Ảnh QC |
Tôi đề nghị cấp trên cần xem lại trình độ, năng lực của một số cán bộ ngành Giáo dục. Vì tôi thấy, từ đổi mới giáo dục đến xã hội hóa giáo dục dường như họ toàn đưa ra những chủ trương, dự định “trên trời”, rất khó thực thi, thậm chí nếu cố thực thi, nó có nguy cơ "cải lùi" sự nghiệp đào tạo của chúng ta. Đơn cử như việc kì thi chung còn quá nhiều bất cập, dự thảo bỏ môn Lịch sử gây nhiều tranh cãi thiếu thực tế, rồi nay lại cấp phép cho trường ĐH KD&CNHN tuyển sinh ngành Y, Dược.
Sáng kiến, sáng tạo là tốt nhưng nó phải thực sự mang lại hiệu quả cho nền giáo dục, cho sự nghiệp đào tạo của đất nước. Nhưng có những "sáng kiến" vừa đưa ra đã thấy sự bất cập, vô lí, phản khoa học thì phải xem lại ngay … Cấp trên cũng nên xem xét trách nhiệm tham mưu của các cán bộ.
Về việc trường chuyên về kinh doanh công nghệ mà đi đào tạo Y, Dược cũng khiến tôi rất lo ngại như bao người dân khác, đặc biệt là chất lượng đào tạo ngành Y sẽ có nguy cơ bị thả nổi. Thiết nghĩ, đại diện Bộ Y tế cần cho ý kiến, và có thái độ rõ ràng hơn trong việc này, bởi hơn ai hết, họ chính là những người cầm trịch, có đầy đủ điều kiện, chuyên môn để thẩm định quá trình đào tạo y, dược nói chung của các cơ sở đào tạo.
* Ông Nguyễn Tiến Nam, bác sĩ đa khoa nghỉ hưu, nhà ở tổ 17, phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên):
Tôi nghĩ việc ĐH KD&CNHN đào tạo y dược là chuyện bình thường, bởi mở ra ngành này chắc chắn người ta đã tính toán kỹ lưỡng về nhu cầu sử dụng nhân lực thực tế hiện nay. Tôi ví von như ngành giao thông chẳng hạn, nếu chúng ta cứ chờ cho lượng phương tiện ô tô tăng lên đột biến rồi mới tính kế mở mang đường sá chẳng phải là một sai lầm lớn? Việc mở ngành y trong ĐH KD&CNHN cũng vậy, mở ra y, dược - những ngành nghề mà đất nước đang cần, và dự báo cần nhiều trong tương lai là hẳn họ đã có tầm nhìn mà đi trước một bước. Tôi dám chắc khi nhiều người nhận ra điều đó thì cũng là lúc họ gặt hái được những thành công nhất định.
Còn muốn nâng cao chất lượng tôi nghĩ quan trọng nhất là quá trình đào tạo như thế nào mà thôi. Anh làm chuẩn chỉ, sản phẩm anh sẽ tốt, anh làm đại khái, qua loa sản phẩm sẽ dở. Tôi nghĩ ĐH KD&CNHN nhận thức rõ điều này, không dại gì mà vừa mở ra ngành học mới họ đã tự làm mất uy tín của cơ sở mình.
* Cùng quan điểm với ông Nam, nhưng chị Trương Thị Nhàn, SN 1981, hiện đang là giáo viên cấp 3, ở xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh nhấn mạnh:Với các trường hoạt động đa ngành, tôi nghĩ họ có quyền mở bất cứ ngành nào nếu như họ đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định nói chung. Việc ĐH KD&CNHN cũng vậy, họ mở ngành y là chuyện rất bình thường, nhưng phải trên cơ sở đáp ứng được các điều kiện, tiêu chí mà Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đặt ra. Tôi là giáo viên dạy khối B, nên cũng có những hiểu biết nhất định về vấn đề này, dư luận đang có ý kiến là công nghệ và y, dược là độc lập, không liên quan…tuy nhiên tôi lại thấy nó rất liên quan, chẳng phải chúng ta hay nhắc đến cụm từ áp dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực y học đó hay sao? Và ở đây chính là việc áp dụng các công nghệ tiên tiến vào công tác cứu chữa và nâng cao sức khỏe cho con người, cũng nhờ những công nghệ tiến tiến mà những thập niên qua nền y học của nhân loại đã có những tiến bộ vượt bậc, đặc biệt trong việc đẩy lùi các dịch bệnh gây nguy hiểm cho toàn nhân loại.
Còn có ý kiến cho rằng 20 điểm đầu vào của ĐH KD&CNHN là thấp, nhưng người ta không chú ý rằng đây là tuyển vào khoa dược. Trong hoạt động đào tạo cũng có những phân tầng đào tạo cụ thể, như những người hành nghề với thuốc, và hiểu biết về thuốc để tư vấn thuốc và kinh doanh thuốc, từ 20 điểm trở lên là những sinh viên có học lực khá cả rồi, tôi nghĩ điểm như vậy là ổn, không có vấn đề gì. Quan trọng ở chỗ, trong quá trình đào tạo, kiểm soát đầu ra của nhà trường cũng như sự nỗ lực của sinh viên trong khi học như thế bào mà thôi. Còn các ngành khác như phẫu thuật, hay nội khoa…vv..họ có yêu cầu cao hơn, lấy điểm đầu vào cao hơn là theo yêu cầu của từng phân tầng đào tạo cụ thể, đó cũng là điều dễ hiểu, và trong việc nhận xét đánh giá, nhìn nhận về vấn đề trên chúng ta phải có góc nhìn chuyên môn, nhiều chiều, chứ không thể hiểu theo nghĩa “đánh đồng” với nhau rất dễ làm dư luận hiểu nhầm khái niệm ./.
Trần Quang Chiến