Ý kiến dư luận trước ngày triển khai đào tạo, cấp giấy phép lái xe số tự động
(ĐCSVN) - Theo văn bản yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB VN), từ 1/1/2016, Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) các địa phương sẽ chính thức thực hiện việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe số tự động hạng B1. Chúng tôi xin tổng hợp một số ý kiến của người dân về vấn đề này.
Được biết, yêu cầu trên của TCĐB VN căn cứ vào Thông tư 58/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT Quy định về đào tạo, sát hạnh, cấp Giấy phép lái xe (GPLX). Theo đó, Sở GTVT các địa phương sẽ thực hiện một số điểm mới trong công tác quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Tổng cục đường bộ yêu cầu các Sở GTVT thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân lực để thực hiện việc đào tạo, cấp GPLX số tự động (hạng B1) từ ngày 1/1/2016. Với việc tách riêng này sẽ tạo ra hai cơ hội lựa chọn GPLX, gồm: Lái 2 loại xe số tự động + số sàn (như hiện nay) và chỉ được lái xe số tự động.
Trước đó, vào tháng 5/2015, Tổng cục đường bộ Việt Nam đã đề xuất Bộ GTVT sửa đổi Thông tư để cấp riêng hai loại giấp phép lái ô tô số sàn và số tự động theo nhu cầu của người học.
Về vấn đề trên, hiện có khá nhiều ý kiến phản hồi. Bà Nguyễn Hồng Nhung, ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái cho biết: Việc tách hai loại giấy phép này dựa trên kiến nghị của người học lái xe không có nhu cầu lái xe số sàn, phụ nữ như chúng tôi có học bằng số sàn cũng không cần đến. Vì vậy, theo tôi, việc tách lái xe số sàn và tự động là thiết thực, bởi đa số các chương trình đào tạo lái xe hiện nay đều bắt buộc dạy cả lái xe số sàn và số tự động, nhưng số giờ học và thực hành dành cho số tự động thì quá ít. Hơn nữa, việc tách trên sẽ giảm bớt thời gian học cho chúng tôi.
Còn ông Nguyễn Văn Trí - giáo viên dạy lái xe tại Trung tâm Đào tạo & Sát hạch lái xe số 1 Nghệ An (tỉnh Nghệ An) cho biết: Tôi thấy nếu học được kĩ năng điều khiển xe số sàn, việc điều khiển sang các dòng số tự động sẽ trở nên đơn giản, không quá phức tạp. Trong khi đó, nếu triển khai thì thời gian, giáo trình đào tạo vẫn cơ bản giống nhau. Thực tế trong giảng dạy tôi thấy, việc cấp bằng số tự động chỉ giải quyết nhu cầu của một số lượng nhỏ người học. Tôi nghĩ, thay vì việc tách ra làm 2 loại GPLX riêng, chúng ta nên nghiên cứu đầu tư cho các chương trình nâng cao kỹ năng, ý thức chấp hành luật cho người điều khiển phương tiện thì thiết thực hơn. Bởi đa số nguyên nhân các vụ tai nạn đều do lỗi kỹ năng xử lý tình huống kém. Trong trường hợp điều khiển xe số sàn, hay số tự động, nếu lái xe thiếu kinh nghiệm xử lý thì việc nhầm chân ga, chân phanh vẫn xảy ra như thường, không cứ chỉ riêng xe số tự động.
Ông Nguyễn Văn Hoàn. Ảnh TN
Ông Nguyễn Công Hậu, lái xe du lịch chở khách (ở Ba Hàng, Phổ Yên, Thái Nguyên) cho biết: Theo tôi, chúng ta chỉ nên đào tạo lái xe sàn theo cách truyền thống là được, vì nó đã bao gồm những kĩ năng nền tảng để điều khiển phương tiện hệ khác như: Tự động, bán tự động. Hơn nữa, có GPLX số sàn thì có thể điều khiển được cả dòng xe số tự động, việc đó sẽ rất linh hoạt cho các chủ phương tiện. Còn tách cấp riêng GPLX số sàn và tự động, tôi thấy rắc rối quá. Nên chăng các cơ sở đào tạo chỉ nên nâng số giờ học xe số tự động trong giáo trình là được. Còn việc tách ra sẽ gây những lãng phí về hạ tầng đào tạo, và có thể là kẽ hở phát sinh tiêu cực trong hoạt động cấp GPLX.
Ông Hà Mạnh Tuấn, đang công tác tại Trung tâm dạy nghề lái xe Hùng Vương, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) cho biết: Tôi thấy việc tách này đâu quá nặng nề, vì việc có giấy phép này hay giấy phép kia là do chúng ta tự quyết định. Đào tạo tự nguyện theo nhu cầu của người học, ai thích học loại nào thì học. "Mặt khác, tôi thấy học là một phần, nhưng việc trang bị cho người học kiến thức ứng xử khi tham gia giao thông như thế nào mới là việc quan trọng và nên được quan tâm nhiều hơn" - ông Hà Mạnh Tuấn chia sẻ.
Anh Nguyễn Thế Long. Ảnh TN
Còn anh Nguyễn Thế Long, lái xe taxi (trú tại phố Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang) cho biết: Bản thân tôi thấy vô lý! Đã học lái xe thì bắt đầu học từ xe số sàn rồi mới qua số tự động, đó là phương pháp khoa học từ xưa đến nay. Tựa như khi nghiên cứu bất cứ lĩnh vực gì, người ta cũng phải đi từ lịch sử hình thành và xe số tự động cũng có lịch sử là sự cải tiến từ nền tảng các dòng xe số sàn. Thêm nữa, việc tách bằng lái xe số tự động ra sẽ tạo ra sự bất cập. Giả sử tôi đang chạy xe công ty toàn bộ hệ số tự động, sau này tôi sang chỗ làm khác họ lại toàn dòng xe số sàn, chẳng nhẽ lúc ấy mới đi học lại số sàn?Ông Nguyễn Văn Nhâm (nguyên là giáo viên dạy lái xe, ở Cát Lem, Đoan Hùng, Phú Thọ) cho biết: Nhiều tháng qua, theo dõi dư luận tôi thấy, phần lớn các ý kiến góp ý về chủ trương này cho rằng, việc tách GPLX số tự động chỉ đáp ứng nhu cầu của ít người sử dụng, trong khi đó sẽ phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng và phương tiện đào tạo, sát hạch, sẽ quá lãng phí cho Nhà nước. Đồng thời, tôi cũng có thắc mắc nhỏ là việc tách ra thành hai loại GPLX trên là với xe số sàn và số tự động đã đủ chưa? Thế còn với những dòng xe bán tự động thì sao? Hiện xe bán tự động không phải hiếm, chẳng nhẽ chúng ta lại cần thêm một loại GPLX nữa cho dòng xe này?
Tuấn Nam (CTV)