Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xung quanh ý kiến "nên gộp hai kỳ nghỉ Tết"

Thứ Năm, 25/02/2016 08:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền, đã có từ ngàn đời nay của người Việt. Đây là một trong những kỳ nghỉ dài nhất trong năm. Là dịp để người lao động có điều kiện nghỉ ngơi và sum họp cùng gia đình sau những tháng ngày vất vả mưu sinh xa nhà.

Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui do Tết cổ truyền mang lại, là nỗi lo toan về một cái tết tốn kém, lãng phí về thời gian và tiền bạc.

Khung cảnh ngày Tết. Ảnh vietnamnet.vn

Với tâm lý, “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” khá nhiều công chức, viên chức, người lao động (công nhân, người giúp việc...) sẵn sàng "né" việc, hoặc xin nghỉ dài ngày, để có thời gian tham dự một lễ hội truyền thống của địa phương, hay một dịp hội làng tại quê nhà trong những ngày đầu năm mới.

Mới đây trong một bài phỏng vấn của báo VTC News đối với chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu có tiêu đề: “Muốn kinh tế hội nhập, cần bỏ Tết Âm lịch”. Theo ông Hiếu, kỳ nghỉ tết âm lịch kéo dài là một trong những nguyên nhân tạo ra những hệ lụy khiến người lao động trì trệ trong công việc, thậm chí lười biếng không muốn trở lại với công việc. Ông Hiếu cho rằng, trong thời gian tới nên gộp hai kỳ nghỉ tết Âm lịch và Dương lịch làm một để tránh lãng phí thời gian lao động, sản xuất, tránh những hệ lụy không tốt của một kỳ nghỉ tết quá dài. Ngay sau khi đăng tải, ý kiến trên đã nhận được nhiều luồng dư luận trái chiều của bạn đọc.

Đối với nhiều người, ngày Tết là ngày để mọi người được đoàn tụ dưới mái ấm gia đình của mình. Hầu hết mọi người, dù có khó khăn, dù cách xa đến đâu, họ cũng cố gắng trở về để đón Tết cùng gia đình và người thân.

Bày tỏ suy nghĩ về vấn đề này, bạn Ngô Thị Hà (Sơn La), hiện nay Hà đang là công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long 2 – Hà Nội cho biết: Làm công nhân khó có thể nghỉ dài ngày, vé tàu xe lại khá tốn kém nên không có nhiều điều kiện về thăm quê thường xuyên. Vì thế, Tết là dịp mà em mong đợi nhất trong cả năm, khoảng thời gian này em được sum họp cùng người thân và gia đình sau một thời gian dài làm việc xa nhà. Đây là dịp để em có thể chăm sóc bố, mẹ và gặp gỡ người thân trong gia đình sau nhiều ngày xa cách. Với số tiền thưởng tết, em có thể mua sắm quần áo mới cho bố, giúp mẹ chuẩn bị mâm cơm ngày tết ở gia đình trong những ngày cuối năm cũ và đầu năm mới. Em thấy Tết nguyên đán là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa với em. Theo em không nên không nên bỏ Tết Nguyên đán hoặc gộp chung với Tết Dương lịch. 

Anh Phạm Trung Thành, Phó Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam cho rằng: Quan điểm của mình thì không nên bỏ. Bởi Tết Nguyên đán là bản sắc văn hoá Việt, nếu gộp lại thì chúng ta hòa tan chứ không phải hội nhập với thế giới nữa. Quan điểm là phải giữ gìn bản sắc văn hóa, bởi điều đó là cốt lõi giá trị Việt, vì thế, theo mình, Tết Nguyên đán cần được giữ gìn.

Đồng quan điểm này anh Trần Long Giang, Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn - Nam Chính trực tại Hà Nội chia sẻ: Lịch nghỉ tết của công ty chúng tôi cũng trùng với khối doanh nghiệp nhà nước, ngày 14/2 (tức ngày mùng 8 âm lịch) bắt đầu trở lại làm việc. So với mọi năm, năm nay doanh nghiệp đã có những chế độ đãi ngộ hợp lý và làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, nhân viên trước kỳ nghỉ tết nên số lượng nhân viên đi làm trong ngày đầu năm đạt cao hơn những năm trước. Tuy nhiên, số nhân viên có mặt tại công ty trong ngày đầu năm chỉ đạt được 90% số lượng nhân viên của công ty. Công ty nhận được một số lý do từ phía người lao động, như là do lỡ tàu xe chưa có mặt được, hoặc còn bận giải quyết việc gia đình, thậm chí là “bị ốm” sau kỳ nghỉ tết.  Anh Giang cho biết thêm: Theo tôi, nhìn dưới góc độ kinh tế, thì quan điểm của TS. Hiếu cũng rất đúng. Chúng ta đang nghỉ 8-9 ngày Tết như nhiều năm trở lại đây là quá lãng phí, vừa tốn thời gian lại vừa giảm nhiệt huyết làm việc. Nên nghỉ Tết theo đúng kiểu ngày xưa, đó là 3 ngày (Ba mươi, mùng Một, mùng Hai), rồi mùng Ba là khai xuân và làm việc, như vậy rất hợp lý.

Chị Hồ Thu Thủy, Kế toán Công ty Cổ phần Quảng cáo trẻ Hà Nội thì cho rằng: “Mình không thích gộp Tết lại, vẫn thích Tết nghỉ dài, cả năm mới có dịp cả vợ chồng đều được nghỉ để đưa con cái đi chơi, đi du lịch..

Đồng quan điểm với chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trao đổi với Nhà báo Bùi Thượng Toản (Báo Đại đoàn kết) hoàn toàn đồng ý với quan điểm nên gộp hai kỳ nghỉ tết Âm lịch và Dương lịch làm một. Xét trên góc độ kinh tế, theo Ông Toản, về lâu về dài nước ta nên theo cái chung của các nước khác, tức là nghỉ một dịp thôi. Nghỉ Tết dài thì kéo theo hàng loạt hệ luỵ mà điều chúng ta dễ nhìn thấy nhất đó chính là tình trạng say xỉn dẫn đến đánh nhau hoặc tai nạn giao thông. Đặc biệt, kỳ nghỉ Tết dài ngày tạo ra thói quen nghỉ ngơi không chỉ trong những ngày nghỉ chính thức mà còn lan sang những ngày cận Tết và cả tháng trời sau Tết họ mới thực sự làm việc trở lại.

Nhiều ý kiến cho rằng, kỳ nghỉ tết kéo dài 9 ngày liên tục vừa qua đã giúp người lao động có thời gian tái tạo lại sức lao động, đoàn tụ cùng gia đình, người thân, du xuân… Thế nhưng, cũng chính kỳ nghỉ Tết dài này đã mang đến nhiều hệ lụy bởi nhiều người lao động thường có tâm lý chây ì, uể oải khi đến nơi làm việc. Ngoài những phong tục tại mỗi địa phương, gia đình, dòng họ trong dịp Tết, việc sử dụng thời gian nghỉ Tết như thế nào cho phù hợp, ý nghĩa là điều tùy thuộc vào nhận thức của chính chúng ta. Ý kiến về việc "gộp Tết" hay không sẽ còn là câu chuyện dài cần thời gian để phân tích, hội thảo, luận bàn. Cái chính mà nhiều người đều mong muốn, đó là, ngay sau những ngày "vui như Tết", chúng ta cần khẩn trương bắt tay  vào công việc, với tinh thần khí thế mới, quyết tâm mới và thắng lợi mới./.                                    

Vũ Hoàng (CTV)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN