Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xung quanh việc điều chỉnh tăng mức thu phí các loại phương tiện qua cầu Bến Thủy

Thứ Sáu, 25/12/2015 17:57 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Từ ngày 1/1/2016, chi nhánh BOT tuyến tránh thành phố Vinh (Nghệ An) sẽ chính thức điều chỉnh tăng mức thu phí các loại phương tiện qua cầu Bến Thủy, chúng tôi đã về thực tế tại địa phương và có một số ghi nhận xung quanh vấn đề này…

Từ ngày 1/1/2016, chi nhánh BOT tuyến tránh thành phố Vinh (Nghệ An)
sẽ chính thức điều chỉnh tăng mức thu phí các loại phương tiện qua cầu Bến Thủy. 
(Ảnh: Quang Chiến).

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, việc tăng phí các loại phương tiện lưu thông qua cầu Bến Thủy nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh (phía bắc thuộc địa bàn huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, phía nam là huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), được thực hiện theo Thông tư 51/2014 của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đường bộ.

Theo đó, từ 6 giờ ngày 1/1/2016, các loại phương tiện qua cầu Bến Thủy sẽ áp dụng mức thu phí mới. Cụ thể, giá vé đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng tăng từ 30 ngàn đồng/lượt hiện nay lên 45 ngàn đồng/lượt; xe từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 đến dưới 4 tấn tăng từ 40 ngàn đồng/lượt hiện nay lên 60 ngàn đồng/lượt; xe 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng 4 đến dưới 10 tấn tăng từ 50 ngàn đồng/lượt hiện nay lên 75 ngàn đồng/lượt.

Còn đối với xe tải có tải trọng từ 10 đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 fit tăng từ 80 ngàn đồng/lượt hiện nay lên 120 ngàn đồng/lượt; xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 fit tăng từ 160 ngàn đồng/lượt hiện nay lên 180 ngàn đồng/lượt. Đây là lần thứ 2 Chi nhánh BOT tuyến tránh Vinh tiến hành điều chỉnh tăng mức phí qua cầu Bến Thủy (lần điều chỉnh trước là ngày 8/6/2014).

Về mức phí và lộ trình tăng phí của dự án, theo Vụ Tài chính (Bộ GTVT) thì trên cơ sở phương án hoàn vốn của dự án, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 51 ngày 24/4/2014 cho phép Tổng công ty Xây dựng công trình Giao thông 4 (CIENCO 4) điều chỉnh mức thu phí qua trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2. Trong đó, mức thu được áp dụng bằng hai lần mức thu tối thiểu khung (tối đa cho phép 3,5 lần).

Là người thường xuyên lưu thông chở khách qua địa phận thành phố Vinh (Nghệ An), anh Nguyễn Tuấn Linh, 32 tuổi, nhà ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cho biết: Trước đây, đơn vị quản lý trạm thu phí cầu Bến Thủy (cũ) điều chỉnh giá vé lên 30 nghìn đồng/lượt đã tác động không nhỏ đến thu nhập của người tài xế lái xe taxi chúng tôi. Nay giá lại tiếp tục tăng lên 45 nghìn đồng/lượt nếu một ngày qua lại nhiều giữa hai địa phương chẳng khác nào số tiền của tôi kiếm được sẽ “nuôi đường” hết….

Còn chị Nguyễn Nhật Linh, 27 tuổi, nhà ở phường Lê Mao, thành phố Vinh (Nghệ An) hiện đang công tác tại thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh bức xúc: Hàng ngày tôi đi bằng phương tiện ô tô sang huyện Nghi Xuân làm việc, nhưng mỗi lần qua trạm thu phí cầu Bến Thủy đều phải mua phí đường bộ là hết sức vô lý, bởi tôi không hề đi đến một mét đường nào của đơn vị BOT, gồm các đường như: Tuyến tránh thành phố Vinh, tuyến Quốc lộ 1A đoạn nam cầu Bến Thủy, tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh…do CIENCO 4 quản lý.

Chung băn khoăn với chị Linh, ông Chu Thành Nam, 47 tuổi, nhà ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), đang công tác giảng dạy tại một trường đại học ở TP.Vinh (Nghệ An) cho biết: Với mức phí như hiện nay, 30 nghìn đồng/lượt (với xe dưới 12 chỗ) đã là quá cao so với các trạm thu phí khác, nay lại tiếp tục tăng lên 45 nghìn đồng/lượt khiến những người có phương tiện ô tô đi lại như chúng tôi như một cái cổ đeo “nhiều tròng” suốt ngày đi lại với phí và phí….

Mặt khác, đơn vị quản lý CIENCO 4 cho rằng, mức tăng thu phí tới đây nằm trong lộ trình tăng phí của dự án để hoàn vốn cho 2 dự án đường tránh TP.Vinh và mở rộng QL 1A,. Nhưng tận thu như thế là không công bằng, vì nhiều người dân ở 2 khu vực giáp gianh hàng ngày qua lại làm việc không hề đi mét đường nào trên 2 tuyến đường BOT nhưng vẫn phải nộp phí” – anh Nam phân trần thêm.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nghệ An cho biết: Việc một số người dân phản ánh thời gian qua liên quan đến trạm thu phí Bến Thủy tại địa phương là đúng. Chúng tôi cũng có quan điểm là việc thu phí phải đúng đối tượng (tức các phương tiện qua lại trên đường BOT - PV), đồng thời có những ưu tiên cần thiết và miễn phí cho những xe công vụ đi làm nhiệm vụ…. Còn về cách thu như thế nào chúng tôi không bàn tới, vì đó là việc của đơn vị quản lý, khai thác.

Với vai trò hoạt động trực tiếp, ông Hoàng Văn Trung, Giám sát trưởng Trạm thu phí Bến Thủy II cho biết: Việc thu phí, tăng phí của đơn vị chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của bộ, ngành liên quan. Việc tăng phí tới đây là nằm trong lộ trình tăng phí dự án, thực hiện theo Thông tư 51/2014 của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đường bộ.

Còn theo ông Ngô Trọng Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc CIENCO4: Việc trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2 áp dụng mức phí mới kể từ ngày 1/1/2016 là đúng lộ trình và phù hợp với các quy định của pháp luật để đảm bảo phương án tài chính của dự án. Việc sử dụng nguồn thu phí các trạm Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 đều có sự thống nhất của Bộ Tài chính, Bộ GTVT và được quy định cụ thể trong hợp đồng BOT với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Được biết, liên quan đến vấn đề trên, một số người dân ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã gửi đơn kiến nghị tới cơ quan chức năng đề nghị xem xét miễn phí qua trạm đối với những trường hợp không lưu thông trên đường BOT như những người địa phương có ô tô đi sang thành phố Vinh (Nghệ An) để học tập, làm việc, hoặc dừng việc thu phí tại cầu Bến Thủy 1, để tạo công bằng cho người dân không đi trên tuyến đường tránh Vinh và tuyến QL 1A mở rộng.

Trong công văn trả lời kiến nghị này, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, 2 dự án BOT (đường tránh Vinh và QL 1A mở rộng), mức đầu tư 2.812 tỉ đồng, nếu chỉ đặt 1 trạm thu phí tại cầu Bến Thủy 2 sẽ không đảm bảo hiệu quả tài chính và các xe ô tô sẽ trốn trạm bằng cách đi qua cầu Bến Thủy 1. Cạnh đó, thời hạn để thu phí hoàn vốn 2 trạm này là đến hết năm 2031. Việc miễn, giảm phí qua trạm cho người dân sống hai bên trạm là chưa có quy định, nên rất khó để xem xét.

Thời gian qua, việc đầu tư các dự án tuyến tránh TP.Vinh, dự án sửa chữa cầu Bến Thủy cũ và dự án mở rộng QL1 đoạn Nam Bến Thủy - tránh TP.Hà Tĩnh đã giải quyết được ách tắc giao thông phía Bắc Hà Tĩnh và phía Nam tỉnh Nghệ An, người dân được lưu thông thuận tiện, tránh được mùa mưa lũ…phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Và hai trạm thu phí Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 hiện nay đang hoàn vốn cho các dự án trên.

Trước đây, tháng 12/2005, công trình xây dựng tuyến tránh TP.Vinh có chiều dài khoảng 25,8km từ Bắc thị trấn Quán Hành (Km448+800) đến cầu Bến Thủy cũ (Km467+056, QL1) với tổng mức đầu tư 378 tỷ đồng được đưa vào khai thác, Bộ Tài chính và Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận để nhà đầu tư của dự án là Cienco4 sử dụng trạm thu phí Bến Thủy cũ (nay là trạm cầu Bến Thủy 1) để thu phí hoàn vốn thay vì xây dựng trạm thu phí mới. Mức thu phí của dự án được quy định theo Quyết định số 46 ngày 14/7/2005 của Bộ Tài chính.

Đến tháng 9/2012, khi dự án cầu Bến Thủy 2 hoàn thành và kết nối vào tuyến tránh Vinh, Bộ Tài chính và Bộ GTVT thống nhất cho phép xây dựng trạm thu phí phụ trên đường đầu cầu Bến Thủy 2 thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư kể từ ngày 15/11/2012 để cùng với trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 thực hiện thu phí hoàn vốn cho dự án đầu tư công trình tuyến tránh thành phố Vinh. Mức thu phí vẫn được áp dụng theo quy định của Quyết định số 46/2005 của Bộ Tài chính.

Tiếp đó, ngày 19/1/2014, dự án mở rộng QL1 đoạn Nam Bến Thủy – tránh TP.Hà Tĩnh theo hình thức BOT có chiều dài khoảng 35,1km, tổng mức đầu tư 2.434 tỷ đồng được đưa vào khai thác thì nguồn thu của hai trạm thu phí Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 được sử dụng để hoàn vốn cho cả hai dự án BOT tránh Vinh và Nam Bến Thủy – tránh TP.Hà Tĩnh. Đồng thời, để giảm áp lực vốn Nhà nước hàng năm đối với công tác bảo trì đường bộ, ngày 17/6/2014, Bộ GTVT ban hành Quyết định số 7098 cho phép bổ sung công tác quản lý, bảo trì cầu Bến Thủy cũ vào hợp đồng BOT xây dựng tuyến tránh Vinh và nâng cấp mở rộng QL1 đoạn Nam Bến Thủy – tránh TP.Hà Tĩnh. Đó là lý do để chi nhánh BOT tuyến tránh Vinh điều chỉnh tăng mức thu phí các loại phương tiện qua cầu Bến Thủy kể từ ngày 1/1/2016. 

Thiết nghĩ, việc tăng lộ phí theo lộ trình, quy định pháp luật là cần thiết trong việc đảm bảo phương án tài chính của các dự án BOT. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đơn vị quản lý cũng cần lắng nghe những tâm tư phản ánh của người dân nhằm có những điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tế, như việc thu phí đúng đối tượng, phương án thu phí sao cho hợp lý. Cạnh đó, việc chọn địa điểm đặt trạm thu phí cũng cần được cân nhắc phù hợp, tránh gây sáo trộn cho cuộc sống sinh hoạt của người dân sở tại. Đồng thời hai địa phương Nghệ An - Hà Tĩnh cũng cần có ý kiến đề xuất lên đơn vị quản lý trạm thu phí Bến Thủy, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân./.                                                                                                  

Trần Quang Chiến

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN