Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xung quanh việc dạy thêm, học thêm

Thứ Sáu, 09/09/2016 15:48 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đầu năm học mới 2016 – 2017, nhiều vấn đề nóng liên quan đã được đặt ra, trong đó có việc TP. Hồ Chí Minh có quy định cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường, giáo viên muốn dạy thêm phải ra các trung tâm đang tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều. Chúng tôi ghi nhận một số ý kiến từ dư luận xung quanh vấn đề này.

       
Thầy giáo Nguyễn Văn Quyền

Thầy giáo Nguyễn Văn Quyền, ở Lương Sơn (Hòa Bình) cho biết: Tôi nghĩ việc cấm dạy thêm, học thêm rất khó khả thi, bởi đây là nhu cầu xuất phát từ người học. Hơn nữa, hiện nay, theo chương trình học cơ bản, nhiều môn học thời lượng tiết học trên lớp không phù hợp, quá ít, hoặc không đủ để giáo viên truyền đạt hết kiến thức bài học cho học sinh, nhất là những học sinh học yếu. Nếu muốn có những kiến thức mở rộng về môn học, thì học sinh phải tự nghiên cứu, mày mò thêm ở những thời gian học ở nhà. Với những gia đình có điều kiện, họ sẽ cho con đi học thêm ở các thầy cô giỏi chuyên môn để bổ sung kiến thức, đó là một việc hoàn toàn chính đáng, bởi nó xuất phát từ nhu cầu thực tế của con em họ chứ không có nhà trường, thầy cô nào bắt buộc.

Bà Lê Hồng Liên, nguyên là giáo viên dạy môn Văn trường THPT Yên Thế (Bắc Giang) cho biết: Bản chất của việc dạy thêm, học thêm là không xấu, vấn đề là ở người học thêm, người dạy thêm như thế nào mà thôi. Bởi việc dạy thêm chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của người học, nhất là những học sinh có học lực yếu, thường các em có nhu cầu học phụ đạo để bổ sung kiến thức nhằm theo kịp chương trình học cơ bản. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ ai cũng mong muốn con mình học được, học giỏi, vì vậy, không chỉ những học sinh yếu, trung bình đi học thêm mà những em học sinh khá, giỏi vẫn có nhu cầu đi học thêm để nâng cao kiến thức. Và có cầu ắt có cung như một tất yếu!

"Tuy nhiên, tôi thấy ở một số nơi, việc học thêm có dấu hiệu biến tướng, khi mà các trường thông báo với học sinh việc đi học thêm là “tự nguyện”, nhưng thực chất có nhiều “thủ thuật” ngầm thể hiện yếu tố “bắt buộc” để trục lợi, kiếm tiền từ việc dạy thêm. Ở góc độ này, rõ ràng việc dạy thêm không còn là tự nguyện nữa. Về giải pháp, quan điểm  cá nhân tôi nghĩ rằng, các bậc cha mẹ cần nhìn nhận rõ ràng việc học thêm có cần thiết với con mình hay không, căn cứ vào lực học của con để quyết định, nhằm hạn chế tình trạng học thêm vô tội vạ và phát sinh các hệ lụy xấu" - bà Lê Hồng Liên nói.

Ông Trần Thanh Sơn

Ông Trần Thanh Sơn (huyện Vũ Thư, Thái Bình) nêu ý kiến: Tôi thấy việc cấm dạy thêm, học thêm nên chỉ áp dụng ở các trường, bởi dạy thêm do nhà trường tổ chức thường ồ ạt, đại trà, rõ ràng chất lượng sẽ không đảm bảo. Hơn nữa, sẽ làm áp lực học hành của học sinh tăng lên đáng kể khi mà sáng học, chiều học, tối lại đi học… Việc đi học thêm nhiều còn làm học sinh mất hết quỹ thời gian để học kiến thức thực tế, cuộc sống và các kĩ năng khác.

Còn việc cấm giáo viên dạy thêm ở nhà ngoài giờ hành chính rõ ràng là không hợp lý. Việc dạy thêm này lẽ ra phải được khuyến khích. Giáo viên dạy thêm ngoài giờ chính là lao động bằng nghề nghiệp được đào tạo, tại sao lại cấm, họ có làm gì sai? Mặt khác, không phải giáo viên nào cũng có thể dạy thêm được, mà phải là giáo viên giỏi. Và từ thầy giỏi thì mới có trò giỏi. Việc cấm dạy thêm chẳng phải đang bó buộc năng lực của những giáo viên lại hay sao? Từ đó, tôi thấy việc quy định cấm dạy thêm cần phải rõ ràng, cấm trường hợp nào, không cấm trường hợp nào. Còn với các phương án mà TP. Hồ Chí Minh mới triển khai gần đây, theo tôi sẽ rất khó khả thi.

Chị Phạm Thị Thu Hồng

Chị Phạm Thị Thu Hồng (huyện Yên Bình, Yên Bái) phân trần: Xem qua đài, báo, tôi thấy Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định rằng, chỉ “nên cấm dạy thêm một cách tràn lan, không đúng mức, như cố tình đưa chương trình học chính vào học thêm”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, bản chất dạy thêm, học thêm không xấu nhưng đang bị méo mó… Việc TP. Hồ Chí Minh "cấm cửa" tuyệt đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngoài giờ đối với các giáo viên chẳng phải đánh đồng cái tốt và cái xấu? Tôi nghĩ có chăng chỉ nên chấn chỉnh cái "méo mó", tức là cái chưa tốt để hoàn thiện, thúc đẩy mặt tốt, tích cực của việc dạy thêm, học thêm mà thôi. 

Ông Nguyễn Hà Thành

Trái với các quan điểm trên, ông Nguyễn Hà Thành (Long Biên, Hà Nội) thì cho rằng, việc cấm dạy thêm, học thêm là cần thiết, bởi suốt nhiều năm qua, vấn đề dạy thêm đã bộc lộ quá nhiều tồn tại; đã phát sinh yếu tố thương mại hóa trong dạy học, khi mà một bộ phận nhà trường, giáo viên coi việc dạy thêm, học thêm là công cụ để làm kinh tế, chứ không phải họ làm việc bằng cái tâm với nghiệp trồng người tốt đẹp như truyền thống của dân tộc ta. Khi yếu tố thực dụng, kinh tế chi phối thì chuẩn mực tình thầy trò rõ ràng thay đổi theo, thậm chí xấu đi theo xu hướng có người mua thì có kẻ bán. Đã đến lúc phải chấn chỉnh nghiêm túc thực trạng dạy thêm, học thêm tràn lan nhằm bảo toàn những giá trị truyền thống tốt đẹp mà nền giáo dục của chúng ta vun đắp bao năm qua.

Chị Nguyễn Thu Thủy (Vĩnh Phúc) cho biết: Tôi nghĩ cần có giải pháp để chấn chỉnh sao cho phù hợp trong hoạt động dạy thêm, học thêm. Bởi trong việc dạy thêm, học thêm rõ ràng tồn tại cùng một lúc cả hai mặt xấu và mặt tốt, nhưng theo tôi, mặt tốt có phần nổi trội hơn. Chúng ta nên xây dựng một phương án cụ thể để hài hòa việc dạy thêm, học thêm cho phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện nay. Nhu cầu học tập của cộng đồng, nhu cầu học thêm để có thêm kiến thức của học sinh là tất yếu, nhu cầu tiến bộ trong học tập là tốt trong mọi hoàn cảnh, là nền tảng cơ bản để xây dựng một xã hội học tập thực sự.

Tuy nhiên, cũng cần phải có biện pháp chấn chỉnh nghiêm túc những tồn tại phát sinh từ việc dạy thêm, học thêm. Cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực này. Mọi quy định nên triển khai theo một lộ trình. Nếu chỉ từ những tồn tại phát sinh mà ra lệnh cấm sẽ là phiến diện, áp đặt, khó nhận được sự ủng hộ của người học, của người dạy và của dư luận xã hội./.

Trần Quang Chiến

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN