Xung quanh những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia 2016
(ĐCSVN) – Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố chính thức phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016. Chúng tôi đã ghi nhận một số ý kiến từ dư luận xung quanh vấn đề này.
Ông Phạm Văn Kiệm. Ảnh: QC
Ông Phạm Văn Kiệm, 65 tuổi, ở phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) chia sẻ: Năm nay, tôi có đứa cháu chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp 3 nên rất quan tâm đến thông tin thi kì thi 2016 tới đây. Về phương án thi mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, tôi đánh giá cao việc các môn thi được giữ ổn định như năm 2015 (gồm 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ). Như vậy sẽ không gây xáo trộn trong kế hoạch ôn thi của học sinh; mặt khác, sẽ tạo dần thành nếp quen cho các mùa thi tiếp theo, góp phần phát huy được những ưu điểm và khắc phục những hạn chế từ mùa thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015.Bà Nguyễn Thị Duyên, giáo viên cấp 3 nghỉ hưu, trú tại thôn 3, xã Minh Lương, Đoan Hùng (Phú Thọ) có ý kiến: Tôi quan tâm đến thông tin thi THPT quốc gia năm nay từ cuối năm 2015, bởi thời gian này, Bộ đã đưa ra dự thảo để lấy ý kiến dư luận. Về phương án xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016, quy định mỗi thí sinh tham dự kì thi THPT quốc gia sẽ có 4 nguyện vọng trong đợt xét tuyển kéo dài 12 ngày. Cụ thể, thí sinh được đăng kí xét tuyển vào 2 trường khác nhau, mỗi trường đăng kí vào 2 ngành khác nhau. Tuy nhiên, thí sinh sẽ không được phép rút hồ sơ sau khi đã nộp. Còn trong đợt xét tuyển bổ sung dài 10 ngày, thí sinh sẽ được đăng kí vào 3 trường khác nhau, mỗi trường được đăng kí vào 2 ngành. Tôi thấy quy định này khả quan, bởi hạn chế được sự lộn xộn đã xảy ra ở kì thi năm trước. Hơn nữa, thời gian tuyển sinh mỗi đợt đã được quy định rút ngắn hơn, sẽ khắc phục được đáng kể tình trạng mệt mỏi của người nhà và sự căng thẳng của mỗi thí sinh dự thi.
Thầy Hà Quang Lượng. Ảnh: QC
Bàn về việc tổ chức cụm thi, thầy giáo Hà Quang Lượng - Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ) cho biết: Năm 2016, việc quy định có 2 loại cụm thi và có thêm sự đổi mới, đó là: Một loại cụm thi do trường ĐH chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức cho thí sinh vừa tốt nghiệp, vừa tham gia tuyển sinh vào ĐH, CĐ; loại cụm thi thứ hai là do Sở GD&ĐT chủ trì kết hợp với các trường ĐH dành cho thí sinh chỉ thi để tốt nghiệp THPT. Như vậy, 63 tỉnh thành đều có thể có cụm thi và 2 thành phố lớn như: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thể có nhiều cụm thi để phân tán bớt người thi. Tuỳ tỉnh, thành phố có thể tổ chức 1 cụm thi riêng hoặc nhập chung với tỉnh, thành phố khác. Tôi thấy việc tổ chức như trên rất khoa học, vừa góp phần giảm tải áp lực cho mùa thi nói chung, vừa tăng tính linh động trong công tác tổ chức thi mà vẫn đảm bảo theo hướng tiếp tục tăng quyền tự chủ cho các trường.Nhận xét về phương án đề thi năm nay, em Lê Thị Hương, học sinh lớp 12 A3, Trường THPT Phủ Lý, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) cho biết: Qua thông tin nắm bắt được, em thấy việc thi cử năm nay theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12; tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi gắn với thực tiễn và câu hỏi vận dụng, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ). Như vậy là có một số điểm mới nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại của năm 2015...
Em Lê Thị Hương. Ảnh: QC
Em Lầu Mí Sắt, lớp 12A, Trường phổ thông dân tộc nội trú Hà Giang thì quan tâm đến qui định những thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được phép chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ, bởi em chỉ có nhu cầu thi tốt nghiệp để đi học nghề. Em cho biết sẽ chỉ tập trung ôn thi tốt các kiến thức cơ bản để đỗ tốt nghiệp ra trường.
Quan tâm đến việc cấp phiếu xác nhận kết quả, cô Nguyễn Thu Hương, giáo viên dạy Sử, Trường THPT Hoa Lư (Ninh Bình) cho biết: Việc quy định mỗi thí sinh dự thi THPT quốc gia chỉ được cấp 1 phiếu xác nhận kết quả thi và giấy xác nhận này chỉ sử dụng khi thí sinh nhập học chính thức vào trường mà thí sinh trúng tuyển là một điểm mới đáng ghi nhận (ở kì thi năm 2015, mỗi thí sinh được cấp tới 4 phiếu kết quả). Việc này sẽ hạn chế đáng kể lượng thí sinh ảo khi xét tuyển vào các trường, bởi năm nay chỉ có 1 phiếu, trước khi quyết định học trường nào, mỗi thí sinh phải cân đối rất kĩ, vì không thể hoặc rất khó thay đổi.
Còn chị Nguyễn Thị Vân, ở phố Mới, phường Đồng Nguyên, thị xã từ Sơn (Bắc Ninh) cho rằng, Bộ GD&ĐT cần công bố rõ và chi tiết hơn về chế độ ưu tiên trong thi cử, bởi đây là một trong những quy định gây nhiều tranh cãi, phiền toái cho thí sinh lẫn các trường trong mùa tuyển sinh 2015 vừa rồi, do nó tạo ra một số thiên lệch (nhiều trường hợp thiên lệch quá lớn gây mất công bằng) giữa thí sinh thuộc các địa phương, đối tượng khác nhau. Do vậy, năm nay, Bộ GD&ĐT cần có sự điều chỉnh chế độ ưu tiên sao cho phù hợp hơn với các quy định hiện hành và thực tiễn thi cử hiện nay./.