Xuất khẩu thủy sản sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn
(ĐCSVN) – Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tính chung 7 tháng năm 2023, xuất khẩu thủy sản ước đạt gần 5 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo hết năm 2023, xuất khẩu thủy sản sẽ thu về khoảng trên 9 tỷ USD, giảm 15%-16% so với năm 2022…, cho thấy đây là một năm đầy khó khăn với ngành thủy sản.
Khó khăn chồng chất khó khăn...
Nuôi cá lóc ở Đồng Tháp. (Ảnh: Báo Đồng Tháp) |
Nguyên nhân của việc sụt giảm nói trên, theo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản là do tác động nhiều mặt của thị trường thế giới nên các đối tác ít nhập hàng, giá cũng đang giảm, dẫn đến hàng tồn kho nhiều. Ngoài ra, quy định phòng cháy chữa cháy mới cũng làm doanh nghiệp gặp khó, chưa đáp ứng được, dẫn đến nguy cơ mất đơn hàng, vì một trong những điều kiện của đối tác nhập khẩu yêu cầu phải có giấy phép phòng cháy chữa cháy.
Tại tỉnh Cà Mau, một trong những địa phương xuất khẩu thủy sản đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì việc xuất khẩu thủy sản vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết, thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương này. Vì vậy, khi hoạt động xuất khẩu thủy sản giảm, tác động rất lớn đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Để khắc phục khó khăn, tỉnh Cà Mau sẽ tập trung chỉ đạo và tháo gỡ các vướng mắc của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Các ngân hàng rà soát cụ thể, rõ ràng từng doanh nghiệp để có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ tiếp cận vốn vay, khoanh nợ, giãn nợ và tiếp cận các gói hỗ trợ từ Nhà nước. Công an tỉnh có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc về cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động đa dạng hơn thị trường xuất khẩu…
Không chỉ ở Cà Mau, các địa phương có ngành thủy sản phát triển như Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ… cũng rất lo lắng khi giá thủy sản giảm, khó bán và sản lượng tới kỳ thu hoạch cứ ngày càng tăng. Nhiều hộ nuôi cá tra, tôm...cũng đang sốt ruột khi giá chưa cao và giá thức ăn tăng nhanh. Trong khi người nuôi thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó thì các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang đối mặt với việc cắt giảm nhân công do sản lượng hụt.
Theo ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát cao, nên người dân nhiều nước hạn chế tiêu dùng là việc khó tránh khỏi. Các sản phẩm thủy sản thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long nhất là con tôm còn phải cạnh với nguồn nguyên liệu giá thấp của các nước Ecuador, Ấn Độ, Indonesia… làm cho việc xuất khẩu khó trăm bề. Trước tình hình trên, để vượt qua giai đoạn trước mắt và duy trì xuất khẩu thì các doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại một cách hợp lý; chấp nhận giảm tăng trưởng, giảm lao động và thu nhập...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ cuối năm 2022 và nhất là những tháng đầu năm 2023, do tác động của nhiều khó khăn chung khiến việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản giảm nhiều so cùng kỳ năm trước; trong đó tại các thị trường lớn, truyền thống, như Mỹ, EU… số lượng đơn hàng giảm mạnh. Chính vì thế, Bộ cũng lường trước nhiều khó khăn của năm 2023 bởi những tác động của tình hình thế giới và các yếu tố bất lợi khác. Do đó, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản thực hiện các giải pháp phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, bám sát thực tiễn nhằm cố gắng đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.
Nỗ lực vượt khó
Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Bà Rịa- Vũng Tàu. (Ảnh: Báo BR-VT) |
Có thể thấy, vượt qua rất nhiều khó khăn từ đầu năm đến nay, ngành thủy sản đang phục hồi, số lượng đơn hàng xuất khẩu đang tăng, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tăng ca để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Dự báo cuối quý III/2023, xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi ở mức tương đương năm 2022. Đây là cơ sở để ngành thủy sản đạt kế hoạch xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD trong năm 2023. Theo các chuyên gia kinh tế, với những khó khăn thách thức vừa qua, đây cũng là khoảng thời gian để các doanh nghiệp, người nuôi trồng thủy sản xem xét, rà soát lại chi phí sản xuất, giữ ổn định số lượng lao động và thu nhập cho người lao động, không mở rộng đầu tư. Đây cũng là giai đoạn doanh nghiệp giành thời gian nghiên cứu các sản phẩm mới cho phù hợp với bối cảnh thị trường hậu COVID -19 và lạm phát cao.
Hơn bao giờ hết, ngành thủy sản cần các cấp, ngành, các thành phần trong chuỗi cung ứng cùng chung tay thực hiện giải pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn của năm 2023 - 2024 này. Với mặt hàng tôm, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Minh Phú Lê Văn Quang cho biết, thị trường xuất khẩu thủy sản từ tháng 8/2023 trở đi sẽ tốt lên khi nguồn cung tôm nguyên liệu tại các nước xuất khẩu lớn là Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam đều giảm mạnh, trong khi đó, nhu cầu trên thế giới dần phục hồi. Như vậy, tình hình tôm nguyên liệu cuối năm sẽ thiếu. Do đó, các đơn vị sẽ có cơ hội bán và giảm hàng tồn kho khi nhu cầu tiêu thụ vào mùa lễ hội cao điểm cuối năm tăng cao.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam, thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ được dự đoán sẽ phục hồi từ nửa cuối năm do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm, nhu cầu phục vụ dịp lễ cuối năm tăng. Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang nước này kỳ vọng sẽ tăng 40 - 50% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tại thị trường EU, tiêu thụ cá tra tiếp tục cải thiện và ổn định. Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, dự báo nhu cầu tăng nhẹ từ cuối quý III/2023.
Để thúc đẩy lượng tiêu thụ tại các thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, tập trung chế biến sâu, đầu tư vào chuỗi giá trị để duy trì đơn hàng, trong đó, phát triển các loại mặt hàng thuỷ sản tiện lợi để chế biến sẵn tại nhà; các loại sản phẩm khô, được chế biến sẵn với mức giá rẻ hơn phù hợp với mức thu nhập thấp. Các cơ quan chức năng và các địa phương cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý trách nhiệm trong công tác thi hành pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm thủy sản, đặc biệt là quản lý nuôi trồng, sơ chế thủy sản. Triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đã được phê duyệt của chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi. Xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, đặc biệt là các vụ việc đã xác định được hộ nuôi vi phạm sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm…
Các doanh nghiệp cần chủ động cân đối nguồn nguyên liệu và tài chính để giữ khách hàng truyền thống và sẵn sàng nguồn cung khi thị trường hồi phục; điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu và cơ cấu sản phẩm. Cùng với đó, tận dụng hơn nữa ưu đãi thuế quan của các hiệp định thương mại tự do để giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, các cơ quan chức năng cần tập trung tháo gỡ, xử lý các vướng mắc liên quan thị trường Trung Quốc, Mỹ; đồng thời triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho ngành thủy sản Việt Nam. Cùng với việc thông tin thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cần đôn đốc, hướng dẫn ngư dân gấp rút thực hiện giải pháp khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định để bảo đảm nguồn cung phục vụ cho xuất khẩu và đưa ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững.
Mới đây, trong cuộc họp với các hiệp hội ngành hàng về nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đề nghị các hiệp hội ngành hàng giữ kết nối chặt chẽ với Bộ. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh về việc Bộ đã xây dựng đề án logistics sẽ là xương sống cho phát triển thị trường và các doanh nghiệp cũng cần tham gia cùng với Bộ và các địa phương, trước hết là chia sẻ thông tin, tiếp đến là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, thúc đẩy tiêu thụ trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Hy vọng với quyết tâm từ Trung ương tới các địa phương, thủy sản Việt Nam sẽ đạt được những mục tiêu mà ngành đã đặt ra trong năm 2023 và các năm tiếp theo./..