Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Nắm chắc và đáp ứng những yêu cầu mới
(ĐCSVN) - Trung Quốc là một thị trường rộng lớn và hiện đứng thứ hai trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Với nhiều chủ trương và chính sách mới trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính trong nhập khẩu nông sản.
Nông sản cần đáp ứng những quy định mới để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (Ảnh minh họa: Bình Trung) |
Những quy định ngày càng nghiêm ngặt
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản rất quan trọng của Việt Nam. Đây cũng là thị trường lớn thứ hai trong xuất khẩu nông sản của nước ta. Trong đó, đối với mặt hàng rau quả, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm tỷ trọng 45,38%; vải thiều, chiếm tỷ trọng trong 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài; thanh long chiếm tỷ trọng hơn 80% lượng xuất khẩu ra nước ngoài. Sắn và các sản phẩm từ sắn, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với tỷ trọng 91,47%. Mặt hàng cao su với tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất với 71,91%; với thủy sản là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Mỹ, Nhật Bản).
Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, hiện nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật xuất, nhập khẩu. Trong đó, có thể kể đến Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật giữa Việt Nam và Trung Quốc; Thỏa thuận hợp tác đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản, thực phẩm xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc (ký năm 2013); Thỏa thuận hợp tác về kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu (ký 2014),…Cùng với đó là các Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch gạo xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc (ký tháng 5/2016); Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch cây thạch đen xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc (ký 2020); Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch quả măng cụt xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc (ký 2021); Nghị định thư kiểm dịch khoai lang xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc (2022); Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc (ký 2022); Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch quả chuối xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc (ký 2022); Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch khoai lang xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc (ký 2022),…
Những số liệu trên cho thấy, Trung Quốc là thị trường rất quan trọng đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, đây không còn là thị trường dễ tính mà ngày càng được thắt chặt hơn với nhiều quy định nghiêm ngặt.
Theo ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công Thương, hiện nay, Trung Quốc đang ngày càng hoàn thiện bộ máy và tăng cường thực thi chính sách khi 2 lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm; ban hành Lệnh 248, 249 (năm 2021); ban hành Lệnh 259 (năm 2022) với nhiều quy định ngày càng nghiêm ngặt về công tác xuất, nhập khẩu. Trong đó, đối với Lệnh 249 về các “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, phía Trung Quốc yêu cầu Cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm xuất nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của thực phẩm xuất nhập khẩu do mình sản xuất và kinh doanh. Các nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm xuất nhập khẩu tham gia vào các hoạt động sản xuất và kinh doanh thực phẩm xuất nhập khẩu phải phù hợp với các hiệp ước và hiệp định quốc tế mà Trung Quốc đã ký kết hoặc tham gia, luật pháp và quy định của Trung Quốc và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia, tiếp nhận giám sát và quản lý theo pháp luật, bảo đảm an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, thực hiện trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước xã hội và công chúng,…
Với Lệnh 248 về việc ban hành "Quy định về Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa", quy định điều kiện đăng ký đối với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu. Theo đó, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia (khu vực) đặt trụ sở đã được Tổng cục Hải quan đánh giá, xét duyệt tương đương; được chấp thuận thành lập và chịu sự giám sát hiệu quả của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia (khu vực) nơi doanh nghiệp đặt trụ sở; thiết lập hệ thống bảo vệ và quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm hiệu quả, sản xuất và xuất khẩu hợp pháp tại quốc gia (khu vực) nơi đặt trụ sở và đảm bảo rằng thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các luật và quy định liên quan và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc; tuân thủ thỏa thuận do Tổng cục Hải quan và cơ quan có thẩm quyền của quốc gia (khu vực) đặt trụ sở về các yêu cầu liên quan trong kiểm tra và kiểm dịch,…Cả hai lệnh này đều có hiệu lực từ 1/1/2022.
Đồng thời, Trung Quốc cũng đang tăng cường thực thi pháp luật khi chủ trương đưa hoạt động thương mại vào chính quy, nền nếp và tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định. Trung Quốc cũng đã tiến hành việc tái cơ cấu bộ máy quản lý khi sáp nhập một phần chức năng nhiệm vụ của Tổng cục Kiểm dịch, kiểm tra và Giám sát chất lượng (AQSIQ) vào Tổng cục Hải quan.
Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Thị trường này đã có nhiều thay đổi như: kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu (tiểu ngạch); yêu cầu phải đàm phán mở cửa thị trường đối với từng loại sản phẩm; quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư; yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói,…
Nắm chắc các yêu cầu để thúc đẩy xuất khẩu
Để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của thị trường Trung Quốc, theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật Huỳnh Tấn Đạt, với riêng Lệnh 249, đòi hỏi yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm rất cao, do đó, doanh nghiệp trong nước cần phải có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tương đương với HACCP (hệ thống phân tích, xác định và tổ chức kiểm soát các mối nguy trọng yếu trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm).
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, để duy trì và thúc đẩy hoạt động giao thương sang Trung Quốc, các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện Lệnh 248, 249, đồng thời, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật trước khi Trung Quốc tiến hành kiểm tra trực tuyến và kiểm tra thực địa.
Ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á- châu Phi cho rằng, đối với cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, về tổ chức sản xuất, cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu; xây dựng vùng sản xuất, nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn và định hướng sản xuất, nuôi trồng theo tín hiệu thị trường. Mặt khác, tăng cường quản lý, giám sát chất lượng hàng xuất khẩu từ nuôi trồng đến gia công; tăng cường tập huấn và nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, HACCP.
Đối với doanh nghiệp, chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu. Thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiêm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường. Xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ; khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử; tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chế biến, bảo quản.
Thực tế, hiện nay, phía thị trường Trung Quốc đã có nhiều thay đổi với nhiều yêu cầu nghiêm ngặt và khó tính hơn, tuy nhiên, trước những yêu cầu mới, các cơ quan quản lý chuyên ngành cũng cần sớm có những thông tin, hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp về các quy định mới, hướng dẫn cụ thể về triển khai các thủ tục hồ sơ nhằm để đẩy nhanh việc xuất khẩu nông sản cho các doanh nghiệp có nhu cầu.
Ở chiều ngược lại, trước những thay đổi của thị trường Trung Quốc, từ “chủ động” vẫn là vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp cần phải quan tâm. Chủ động trong nắm bắt thông tin, yêu cầu mới của thị trường, chủ động trong việc triển khai thủ tục hồ sơ, chủ động trong nghiên cứu đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu, chủ động trong việc tìm tòi, sản xuất các sản phẩm mới mà thị trường vừa có nhu cầu,…Đó chính là bước đi mà các doanh nghiệp cần triển khai để không gây cản trở khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Với sản xuất nông sản vốn mang tính thời vụ, do vậy, để đáp ứng các yêu cầu của thị trường Trung Quốc cần có thời gian để triển khai. Do đó, việc nắm bắt sớm các thông tin yêu cầu từ nước bạn là việc cần thiết của các doanh nghiệp để rút ngắn thời gian, đảm bảo được mục tiêu hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp.
Và một điều không kém phần quan trọng, bất kỳ một nước nhập khẩu nào cũng ưu tiên đến vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm của nông sản. Chính vì vậy, việc không ngừng nâng cao chất lượng nông sản và tuân thủ, đáp ứng các yêu cầu của phía bạn về an toàn thực phẩm chính là kim chỉ nam để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của chính các doanh nghiệp. Cùng với đó là cải tiến mẫu mã, quy cách đóng gói ngày càng thu hút và tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu.
Trung Quốc là một thị trường lớn của xuất khẩu nông sản Việt Nam, do đó, việc đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường này cũng chính là việc đang nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Đây cũng chính là bước đi để từng bước đưa nông sản của Việt Nam tiếp tục vươn tầm thế giới, không chỉ tại Trung Quốc mà xa hơn là nhiều thị trường khó tính khác, qua đó, từng bước tăng doanh thu cho doanh nghiệp, thu nhập cho người nông dân và còn gia tăng thương hiệu, uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới./.