Xuất hiện ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ngoài châu Phi
(ĐCSVN) – Ngày 15/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận một trường hợp nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ ở Thụy Điển có liên quan đến đợt bùng phát dịch bệnh này ở châu Phi. Đây là diễn biến đầu tiên cho thấy dịch bệnh đã lây lan ra ngoài châu Phi, chỉ 1 ngày sau khi WHO tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC).
Bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện bên ngoài châu Phi. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: The Europe Today |
Trong cuộc họp báo cùng ngày, giới chức y tế Thụy Điển cho biết bệnh nhân này đã nhiễm chủng virus gây bệnh đậu mùa khỉ thuộc nhánh Ib có liên quan đến đợt bùng phát dịch mới đây ở châu Phi. Hiện bệnh nhân đang được điều trị.
Nhà dịch tễ học của Thụy Điển Magnus Gisslén cho biết, bệnh nhân không còn khả năng lây nhiễm, song giới chức y tế Thụy Điển rất lưu tâm đến sự xuất hiện của dịch bệnh và đang theo dõi chặt chẽ, đồng thời liên tục đánh giá xem có cần áp dụng các biện pháp mới hay không.
Cơ quan y tế công cộng Thụy Điển cho biết, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) sẽ sớm ban hành đánh giá rủi ro mới về dịch bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, chúng ta có thể thấy nhiều "ca nhập cảnh riêng lẻ" hơn.
Trong khi đó, bà Lawrence Gostin - một chuyên gia y tế công cộng kiêm Giáo sư tại trường Luật Georgetown ở Washington (Mỹ) cảnh báo, sự xuất hiện của một ca mắc đậu mùa khỉ ở châu Âu có thể thúc đẩy sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh này trên phạm vi thế giới. "Một ca nhiễm bệnh ở Thụy Điển rất có thể đồng nghĩa với việc hàng chục ca bệnh chưa được phát hiện ở châu Âu" – bà Gostin nói.
Về phía Tiến sĩ Brian Ferguson của Đại học Cambridge đánh giá, trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở một du khách người Thụy Điển là diễn biến đáng lo ngại nhưng không có gì đáng ngạc nhiên, xét trên mức độ nghiêm trọng và sự lây lan của dịch bệnh ở châu Phi. Theo ông Ferguson, khả năng sẽ có nhiều trường hợp mắc bệnh ở những nơi khác trên thế giới vì hiện tại không có cơ chế nào được áp dụng để ngăn chặn các tình trạng xâm nhập của dịch bệnh.
Ngày 14/8, WHO đã ban bố PHEIC vì bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi, sau khi các dịch bệnh ở CHDC Congo đã lan rộng sang các nước lân cận. Theo số liệu thống kê, kể từ dịch bệnh đậu mùa khỉ bùng phát từ tháng 1/2023, CHDC Congo đã ghi nhận 27.000 ca nhiễm bệnh và hơn 1.100 ca tử vong, chủ yếu ở trẻ em.
Cho tới nay, Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) đã dành 500 triệu USD để tiêm vaccine cho người dân tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ đang diễn biến phức tạp ở châu Phi.
Hiện giới chức Mỹ và Canada đều cho biết họ chưa xác định được bất kỳ trường hợp mắc bệnh nào. Tuy nhiên, phát ngôn viên của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ - ông David Daigle cho biết, đây là lần đầu tiên một ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận ở ngoài lãnh thổ châu Phi và CDC đang giám sát chặt chẽ diễn biến lây lan của dịch bệnh.
Mới đây, CDC đã ban hành bản cập nhật Mạng lưới cảnh báo sức khỏe và Thông báo sức khỏe du lịch để thông báo cho các bác sĩ lâm sàng, du khách và đối tác y tế công cộng Mỹ về sự lây lan của đậu mùa khỉ sang các nước chưa từng ghi nhận sự xuất hiện của dịch bệnh.
Theo các quan chức y tế Mỹ, chủng virus gây bệnh đậu mùa khỉ thuộc nhánh Ib gây ra đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay là một biến thể mới của chủng virus gây bệnh đậu mùa khỉ thuộc nhánh I đang lưu hành ở CHDC Congo. Chủng virus gây bệnh đậu mùa khỉ thuộc nhánh Ib được cho là lây lan dễ dàng hơn thông qua các hình thức tiếp xúc gần thông thường, bao gồm cả quan hệ tình dục. Trong khi đó, chủng virus gây bệnh đậu mùa khỉ thuộc nhánh I có xu hướng gây ra nhiều ca mắc bệnh nghiêm trọng hơn và có tỷ lệ tử vong cao hơn chủng virus gây bệnh đậu mùa khỉ nhánh II.
Năm 2022, WHO đã ban bố PHEIC đối với đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ do virus gây bệnh thuộc nhánh II gây ra, dẫn đến sự lây nhiễm của 95.000 trường hợp ở 115 quốc gia không lưu hành dịch bệnh./.