Xuân về trên xã nông thôn mới Hòa Bắc
(ĐCSVN) – Mùa xuân này, người dân xã Hòa Bắc (Hòa Vang, Đà Nẵng) vui càng thêm vui khi địa phương vừa cán đích nông thôn mới. Kết quả đạt được sẽ là động lực cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã tiếp tục vươn tới những mục tiêu mới trong năm 2017.
Vượt qua thách thức, cán đích nông thôn mới
Về Hòa Bắc những ngày này, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự "thay da, đổi thịt" của một trong những địa phương khó khăn nhất của thành phố Đà Nẵng. Sự thay đổi hiện hữu từ con đường trải nhựa cho đến các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… được đầu tư xây dựng khang trang.
Hệ thống trường lớp của thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc đã cơ bản đáp ứng
nhu cầu học tập từ cấp mẫu giáo đến PTTH. (Ảnh:KS).
Nhắc tới Hòa Bắc cách đây 5 năm là người ta chỉ biết đến một xã miền núi nằm cách trung tâm huyện Hòa Vang 24 km với những thiếu thốn về mọi mặt. Đặc biệt, trên địa bàn xã có 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí chủ yếu là đồng bào dân tộc Cơ tu, trình độ dân trí thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Đó là chưa kể Hòa Bắc là xã có địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, vùng đồng bằng bị ngập lụt, vùng núi cao thiếu nước, gia đình chính sách và hộ nghèo theo tiêu chuẩn thành phố còn nhiều.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà cho biết, so với mặt bằng chung của huyện Hòa Vang, Hòa Bắc có xuất phát điểm ban đầu rất thấp với chỉ 5/19 tiêu chí nông thôn mới. Trong đó các tiêu chí cơ bản như giao thông, thủy lợi, trường học…hầu như phải bắt đầu từ con số không. Chính vì vậy, để hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới mà thành phố đề ra, xã Hòa Bắc chủ trương tiêu chí nào dễ làm trước, tiêu chí nào khó làm sau; phát huy tối đa các nguồn lực theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", không để tư tưởng nóng vội chạy theo thành tích. Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xã Hòa Bắc đã tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thường xuyên quan tâm hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, từ đó nhiều mô hình hiệu quả đã ra đời như: tổ hợp tác chăn nuôi bò, tổ hợp tác nuôi dê, phát triển nghề trồng mía...Bên cạnh đó, các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa …cũng từng bước được hoàn thiện đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn toàn xã.
Sau 5 năm xây dựng nông thôn mới, thành quả của Chương trình mục tiêu quốc gia đem lại cho xã Hòa Bắc đã không còn đơn thuần là những con số mà nó đã thực sự đi sâu vào đời sống của người dân. Dẫn chúng tôi đi thăm một số gia đình dân tộc Cơ tu đang sinh sống tại thôn Giàn Bí, Bí thư Chi bộ thôn Đinh Văn Như phấn khởi chia sẻ: Hơn 10 năm đảm nhận vai trò người đứng đầu tổ chức Đảng cơ sở, ông đã chứng kiến những đổi thay căn bản của một khu vực miền núi đặc biệt khó khăn. Người dân Giàn Bí từ chỗ sống bằng nghề trồng rừng và chăn nuôi tự phát, “làm hôm nay không biết ngày mai” nay đã có công việc ổn định, đủ ăn, đủ mặc.
“Bên cạnh lợi ích về kinh tế, nông thôn mới đã làm cho người dân tập dần với thói quen dọn dẹp vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm. Đến nay, trên địa bàn thôn cũng đã có hệ thống giáo dục từ mẫu giáo đến cấp PTTH; các hộ dân cơ bản xóa nhà tạm, nhà tranh; 90% hộ dân được sử dụng nước sạch; bà con đã có sự chuyển biến rõ rệt về kế hoạch hóa gia đình…”, ông Đinh Văn Như cho biết.
Toàn xã hướng tới phát triển bền vững
Vui mừng trước những kết quả đạt được, nhưng lãnh đạo UBND xã Hòa Bắc cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn mà địa phương sẽ phải vượt qua nếu muốn phát triển bền vững. Để làm được điều này, xã Hòa Bắc đã đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2017-2020 là phát huy hơn nữa nội lực của địa phương cũng như tranh thủ sự giúp đỡ của thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Hòa Bắc đang có định hướng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn có đông người dân tộc Cơ tu sinh sống, qua đó vừa bảo tồn bản sắc của đồng bào dân tộc, vừa lấy đó làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội.
“Tôi cho rằng để đồng bào dân tộc thiểu số giữ được những nét văn hóa của mình thì ngoài việc bảo tồn, chúng ta phải biến đó thành một lợi thế trong phát triển du lịch, tức là làm kinh tế trên nền tảng văn hóa. Tuy nhiên, với khả năng của xã thì chúng tôi không thể làm được điều này. Tôi mong rằng, thành phố sẽ có đề án cụ thể để đầu tư cho Hòa Bắc một chiến lược phát triển lâu dài về văn hóa và du lịch. Ngoài ra, thời gian tới Hòa Bắc sẽ cố gắng xây dựng cây mía thành một sản phẩm đặc trưng của địa phương bởi diện tích mía tại đây rất lớn với chất lượng không hề thua kém bất cứ địa phương nào trên thị trường”, bà Lê Thị Thu Hà chia sẻ.
Còn theo ông Đinh Văn Như, để giữ vững và phát huy những kết quả mà nông thôn mới đem lại, bên cạnh sự nỗ lực của người dân thì tổ chức Đảng tại cơ sở đóng một vai trò rất quan trọng. Từ thực tiễn 5 năm xây dựng nông thôn mới cho thấy, mỗi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để đến được với người dân không con đường nào tốt hơn là thông qua các đảng viên ở cơ sở.
“Với riêng Giàn Bí, vai trò này được thể hiện rõ rệt qua các cuộc họp hàng tháng của Chi bộ nhằm đánh giá kết quả các nhiệm vụ đã được Chi bộ phân công với từng đảng viên, mặt nào được, mặt nào còn thiếu sót. Ví dụ để xây dựng đường giao thông, Chi bộ sẽ phân công cụ thể cho từng đảng viên tham gia vận động bà con hiến đất, tháo bỏ tường rào, đóng góp ngày công lao động. Như vậy, mỗi đảng viên không chỉ là người được quán triệt chủ trương, chính sách mà bản thân họ lại trở thành những tuyên truyền viên vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới” ông Như cho biết.
Tinh thần đoàn kết và sự nỗ lực đã giúp xã Hòa Bắc trở thành địa phương cuối cùng của huyện Hòa Vang đạt chuẩn nông thôn mới. Một mùa xuân nữa lại đến trên khắp đường làng ngõ xóm, hy vọng niềm vui này sẽ là động lực cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã tiếp tục chung tay phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp./.