Xử lý triệt để tệ nạn đua xe
(ĐCSVN) - Tệ nạn đua xe đang có dấu hiệu bùng phát trở lại, khi mà những ngày qua các “quái xế” đã liên tục rồ ga, nẹt pô, chạy xe tốc độ cao gây náo loạn xung quanh khu vực Hồ Gươm. Việc này không chỉ gây bức xúc cho dư luận mà còn là một hiện tượng đáng lo ngại.
Theo các nhân chứng sinh sống xung quanh khu vực Hồ Gươm (Hà Nội), rạng sáng ngày 23/9, nhóm thanh niên chạy xe máy tốc độ cao theo từng tốp từ 8-15 người, bốc đầu xe quanh hồ Hồ Gươm từ 1h30-3h sáng, đây là "hoạt động thường xuyên" của nhóm quái xế vào mỗi buổi cuối tuần, khi hàng rào chắn tại phố đi bộ đã được gỡ bỏ...
Về thời gian, các đối tượng đang chọn đua vào các khung giờ vắng vẻ, tuy nhiên nếu không xử lý triệt để tình trạng này, rất có thể các đối tượng sẽ chuyển sang hoạt động ở các khung giờ khác, trong khi khu vực xung quanh Hồ Gươm là một trọng điểm tham quan của Hà Nội - nơi có nhiều du khách, người qua lại, tình trạng đua xe sẽ đặc biệt nguy hiểm.
Được biết, trước tình trạng đua xe nguy hiểm quanh Hồ Gươm, cán bộ cảnh sát của Công an quận Hoàn Kiếm đã phối hợp cùng cảnh sát giao thông, cảnh sát 113, cảnh sát hình sự và Công an các phường quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, thức trắng đêm triển khai nhanh phương án phòng chống đua xe và cổ vũ đua xe trái phép xung quanh Hồ Gươm. Tuy nhiên, theo phía cảnh sát, việc kiểm tra cũng như xử lý trường hợp vi phạm này không hề đơn giản, người vi phạm thường chống đối bằng nhiều hình thức, thậm chí manh động, liều lĩnh, là nguồn nguy hiểm cao độ, uy hiếp an toàn tính mạng cho cán bộ, chiến sĩ.
Các đối tượng đua xe gây kinh động trong đêm tại khu vực Hồ Gươm rạng sáng 23/9. Ảnh: Báo Dân Trí
Dư luận cũng khá bức xúc trước việc các nhóm thanh thiếu niên ngang nhiên tổ chức đua xe quanh Hồ Gươm, làm mất trật tự công cộng và gây nguy hiểm cao độ đến tính mạng của người khác cũng như của chính các đối tượng. Hành vi đua xe còn gây kinh động, phá vỡ không gian, biến khu vực Hồ Gươm - "linh hồn" của Hà Nội - trở thành nơi không an toàn trong mắt người dân và du khách, nên cần phải có biện pháp ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm.
Tệ nạn đua xe từng là vấn đề đau đầu cho các cơ quan chức năng cách đây hàng chục năm về trước, và hiện đang có dấu hiệu bùng phát trở lại một cách bất thường. Hành vi coi thường sự an toàn của người khác cũng như chính bản thân là việc cần lên án, phê phán của cả cộng đồng.
Nếu trước kia tham gia đua xe thường là con nhà giàu, khá giả hay một số thanh thiếu niên đam mê tốc độ, biến đua xe thành trò tiêu khiển để thi với “thần chết”, thì nay nó xuất hiện ở đủ các hoàn cảnh, thành phần, thậm chí có cả con nhà nghèo, người tỉnh lẻ cũng đua đòi tham gia, tức tăng cả về quy mô và số lượng, lứa tuổi ngày càng trẻ hóa.
Pháp luật cũng đã xử lý răn đe nhiều trường hợp, nhưng xem ra trong một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay tỏ ra nhờn luật, khiến tệ nạn đua xe lại bùng phát.
Đã đến lúc luật pháp cần có những hình thức xử lý nặng hơn như tịch thu xe, tăng phạt tiền, tước giấy phép lái xe (kể cả tước vĩnh viễn với những đối tượng vi phạm nhiều lần). Cần thiết phải xử lý hình sự hành vi trên. Với những "tay đua" vị thành niên thì cha mẹ, người giám hộ phải liên đới chịu trách nhiệm về những hành vi con em mình gây ra.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuần tra các điểm "nóng" trên các cung đường có đua xe trái phép để ngăn chặn phòng ngừa. Đồng thời, có biện pháp mạnh kết hợp với chương trình giáo dục cho thanh thiếu niên; cần có quy định trách nhiệm của gia đình, nhà trường đối với thanh thiếu niên có lối sống buông thả, nhận thức cuộc sống lệch lạc để quậy phá, lêu lổng đi đua xe trái phép.
Gây rối trật tự công cộng, gây nguy hiểm cao độ cho người khác và cho bản thân là những hành vi không thể chấp nhận được ở bất kỳ địa phương nào, chứ chưa bàn là giữa trung tâm Thủ đô. Nếu không được xử lý triệt để, và tiếp tục tái diễn, tình trạng đua xe sẽ là một điểm trừ lớn trong mắt du khách khi tới tham quan Hà Nội.
Hành vi đua xe, cổ vũ đua xe trái phép và các hành vi lạng lách, đánh võng, bốc đầu là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông, chiểu theo luật pháp đây là hành vi nghiêm cấm được quy định trong Luật giao thông đường bộ 2008:
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm:
.....
6. Đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng.
Theo quy định của luật, người tham gia giao thông không được đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép.
Trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo điều 34, Nghị định 46/2016/NĐ-CP: Theo quy định của pháp luật, người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện bị phạt tiền mức cao nhất từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền với lỗi đua xe trái phép, người tham gia đua xe trái phép còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng và tịch thu phương tiện.
Với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, hành vi đua xe trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về “Tội đua xe trái phép” theo điều 266 BLHS với mức án cao nhất là 15 năm tù./.