Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xử lý phù hợp, vì quyền lợi của thí sinh

Thứ Tư, 14/06/2023 11:38 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Cho điểm cả hai phương án làm bài đúng của thí sinh theo một trong hai cách hiểu trong đề thi môn Toán của Sở GD&ĐT Hà Nội là cách xử lý phù hợp, nhân văn, vì sự công bằng trong thi cử và vì quyền lợi của thí sinh.

Sau vụ việc dòng kẻ trong công thức Toán bị in mờ tại một câu hỏi của đề thi môn Toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, THPT tại Hà Nội, chiều ngày 12/6/2023, Sở GD&ĐT Hà Nội đã họp và quyết định làm thêm đáp án đối với những bài làm của thí sinh hiểu nhầm đề có dấu (-) tại một phân số toán học. Quyết định này được Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành sau khi nhận được phản ánh của phụ huynh học sinh và kết quả xác minh từ lỗi photo khiến cho đề bị lỗi dẫn đến sự hiểu sai đề của thí sinh.

Có thể nói, sau mỗi kỳ thi, việc có những tồn tại cần khắc phục, rút kinh nghiệm không phải là không có, nhất là những sai sót liên quan đến khâu ra đề thi. Tuy nhiên, đa số các sai sót không được thí sinh phát hiện ngay sau khi nhận được đề thi mà phải đến khi thi xong, ra khỏi phòng thi, thí sinh mới nhận thấy đề thi có câu, có phần có vấn đề. Vì vậy, việc khắc phục sai sót trong đề thi chưa được tiến hành một cách kịp thời.

Ảnh minh họa.

Giá như sau khi nhận được đề thi môn Toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, THPT tại Hà Nội, nếu thấy băn khoăn về câu hỏi nào đó trong đề, dù chỉ là một ký tự, thí sinh có quyền đề xuất câu hỏi với cán bộ coi thi, thì vấn đề hỏi của thí sinh sẽ nhanh chóng được chuyển đến hội đồng coi thi.

Trong Quy chế thi tuyển sinh của Bộ GD&ĐT quy định rõ, cho phép thí sinh rà soát đề thi sau khi nhận từ cán bộ coi thi về tình trạng đề bị nhòe, mờ, rách hay thiếu trang. Nếu có cần phản ánh ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 05 phút tính từ thời điểm phát đề thi. Như vậy, ở trường hợp này, sẽ có một số thí sinh đã phát hiện việc dấu gạch ngang phân số bị mờ, có thể do tâm lý còn e ngại nên không dám phản ánh tới cán bộ coi thi, dẫn đến hiểu nhầm đề theo dấu in mờ đó thành dấu (-).  

Nhìn ở góc độ Toán học, có nhiều ý kiến trao đổi về vấn đề này. Thầy giáo Lê Quý Mạnh, giáo viên Toán, Trường THPT Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ cho rằng: “Trong Toán học, mọi quy ước về công thức phải chính xác, rõ ràng. Nếu đề thi in mờ nên dòng gạch ngang bị đứt nối như thế học sinh hiểu nhầm đây là dấu (-) là điều rất dễ xảy ra. Điều quan trọng là thí sinh cần hỏi cán bộ coi thi khi chưa rõ và cán bộ coi thi cần chuyển nội dung câu hỏi đến lãnh đạo hội đồng để xử lý”.

Thầy giáo Châu Văn Điệp, giáo viên Toán, Trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình chia sẻ: “Nếu học sinh hiểu đề theo lỗi in ấn thì mức độ của câu đó với câu đúng là tương đương. Vẫn phân loại chính xác học sinh. Chỉ trừ câu lỗi đề có mức độ khác và khác cách làm với câu không lỗi thì mới thì sẽ không phù hợp. Quan điểm của tôi với việc này thì hướng xử lý như vậy là phù hợp”.

Nhìn từ góc độ chính xác, quy chuẩn của Toán học, thầy giáo Nguyễn Hữu Dương, giáo viên Toán, Trường THCS Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ khẳng định: “Trong Toán học, đúng, sai phải rất rõ ràng. Quy ước về dấu, kí hiệu phân thức đã có, không thể đánh đồng được. Nhưng các em còn nhỏ, sai sót một phần do đề trong quá trình in ấn sẽ tạo ra sự thiếu công bằng giữa các thí sinh. Vì thế, cách xử lý sự việc như trên là nhân văn, vì quyền lợi của thí sinh”.

Ông Nguyễn Hải Trung, một phụ huynh ở quận Long Biên, Hà Nội cho biết: “Cách xử lý của Sở GD&ĐT Hà Nội là phù hợp, nhân văn, điều đó, giúp các thí sinh và phụ huynh bớt đi những lo lắng sau kỳ thi. Tuy nhiên, đây cũng là bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc khi tổ chức và tham gia kỳ thi”.

Cùng ý kiến với ông Nguyễn Hải Trung, Thạc sỹ Trương Chí Hùng, giảng viên Đại học An Giang nhấn mạnh: “Khi có sự cố đề thi, dù xử lý theo cách nào cũng không thể toàn vẹn được. Cách xử lý của Sở GD&ĐT Hà Nội là theo tinh thần bảo vệ quyền lợi cho thí sinh. Tôi nghĩ đây là phương án có thể chấp nhận được”.

Vấn đề đặt ra sau vụ việc này là việc rút kinh nghiệm sâu sắc cả về phía hội đồng tuyển sinh và thí sinh. Đối với hội đồng tuyển sinh, cần rà soát thật kỹ quy trình, chất lượng in sao đề thi để kịp thời phát hiện ra những tồn tại trong chất lượng in, nội dung của đề thi. Làm tốt khâu thẩm định chất lượng đề thi ngay cả sau khi đã in sao để đảm bảo đề thi không bị nhòe, mờ trước khi phát cho thí sinh. Các hội đồng coi thi cần làm tốt công tác phổ biến quy chế thi đối với cán bộ coi thi và toàn thể thí sinh, nhấn mạnh trách nhiệm của cán bộ coi thi và trách nhiệm thí sinh trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi.

Cán bộ coi thi không giải thích các vấn đề trong đề thi mà cần chuyển những thông tin hỏi của thí sinh đến lãnh đạo hội đồng coi thi. Kịp thời xử lý những sai sót trong đề thi nói riêng và các khâu tổ chức kỳ thi nói chung sau khi nhận được phản ánh. Đối với thí sinh, cần nắm vững quy chế thi, đọc kỹ đề để rà soát và phát hiện những sai sót. Kịp thời phản ánh với cán bộ coi thi những phần in bị mờ, nhòe hoặc những vấn đề bất thường mà mình còn băn khoăn chưa rõ.

Khâu tổ chức kỳ thi là đặc biệt quan trọng, những vấn đề thí sinh chưa rõ cần được nắm bắt và xử lý kịp thời theo quy chế thi. Dù chỉ một thí sinh vì chưa rõ một vấn đề nào đó mà chưa được giải đáp kịp thời, đặc biệt là đề thi thì chắc chắn sự thiệt thòi sẽ thuộc về thí sinh. Các hội đồng thi nếu nêu cao trách nhiệm, nắm vững quy chế thi, với phương châm tất cả vì học sinh thì chắc chắn các kỳ thi sẽ diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN