Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xử lý nghiêm việc cố tình vi phạm về cách ly tập trung, khai báo y tế bắt buộc

Thứ Hai, 30/03/2020 09:24 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Những ngày gần đây, trong khi Chính phủ cùng các địa phương trong cả nước đang dồn sức tập trung thực hiện mọi giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch, bệnh COVID-19 thì đáng trách là vẫn còn nhiều người cố tình vi phạm các quy định về cách ly tập trung, khai báo y tế bắt buộc.

Theo thông báo chính thức của Bộ Y tế, tỉnh Thái Nguyên vừa ghi nhận trường hợp bệnh nhân đầu tiên dương tính với COVID-19 và là bệnh nhân số 178 trong cả nước. Điều đáng nói, với việc gian dối trong thực hiện các quy định về khai báo y tế bắt buộc, bệnh nhân này đã reo rắc nguy cơ lây lan bệnh dịch đối với hàng chục người tại cộng đồng. Cụ thể, bệnh nhân nữ HTN (sinh năm 1976) thường trú tại xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) làm thuê ở nhà ăn của Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội với công việc đưa cơm tới các khoa, phòng trong Bệnh viện. Ngày 25/3/2020, bệnh nhân đã đến Bệnh viện Nhiệt đới làm các xét nghiệm, chụp tim, phổi cho kết quả bình thường; làm test nhanh COVID-19 cho kết quả âm tính.

Chiều ngày 27/3/2020, bệnh nhân đi xe khách từ Bệnh viện Bạch Mai về Đại Từ; sau đó vào khám tại Bệnh viện đa khoa huyện Đại Từ với triệu chứng đau đầu, chóng mặt. Khai thác ban đầu, bệnh nhân cho biết ở nhà không đi đâu và bị đau đầu, chóng mặt nên đi khám. Bệnh nhân được lập hồ sơ bệnh án điều trị tại khoa nội, xét nghiệm công thức máu và đường máu cho kết quả bình thường. Tuy nhiên, đến 20 giờ cùng ngày, bệnh nhân có biểu hiện đau họng, sốt, kiểm tra thân nhiệt 37,6 độ C. Lúc này, sau khi phát hiện bệnh nhân vừa làm thuê ở nhà ăn của Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, Bệnh viện đa khoa huyện Đại Từ đã chuyển bệnh nhân xuống khu vực cách ly, phun thuốc khử khuẩn toàn bộ khu vực từ phòng khám đến khoa Nội. Lấy mẫu xét nghiệm gửi về Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Đến đêm 28/3/2020, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2 Đông Anh) để cách ly điều trị.

Liên quan đến bệnh nhân HTN, đến nay tỉnh Thái Nguyên đã cách ly 8 bệnh nhân cùng phòng; cách ly tại chỗ 12 cán bộ của Bệnh viện đã tiếp xúc với bệnh nhân. Ngoài ra, hơn 10 người đi cùng chuyến xe LIMOSINE với bệnh nhân cũng được cách ly tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên.

Thông báo khẩn của Sở Y tế tỉnh Tây Ninh. Ảnh: QĐ 

Ngày 29/3, Sở Y tế tỉnh Tây Ninh đã phát đi Thông báo khẩn về trường hợp một nam thanh niên trốn khỏi khu cách ly khi đang trong thời gian bắt buộc phải cách ly tập trung. Theo đó, anh Lê Văn Vũ, sinh ngày 8/01/1991 (ngụ tại ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) từ Campuchia nhập cảnh về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) vào ngày 19/3. Ngay sau đó, anh Lê Văn Vũ được cơ quan chức năng đưa vào khu cách ly tập trung tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu (Tây Ninh). Tuy nhiên, rạng sáng ngày 29/3/2020, anh Lê Văn Vũ đã trốn khỏi khu cách ly tập trung, trong khi chưa được xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Sở Y tế tỉnh Tây Ninh đã ra thông báo khẩn số 1170/SYT-NVY gửi Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng và UBND huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh Tây Ninh; đồng thời kêu gọi gia đình vận động anh Vũ ra khai báo tại cơ sở y tế gần nhất để được cách ly tập trung theo quy định, cũng như phối hợp với cơ quan chức năng tìm anh Lê Văn Vũ ngoài cộng đồng. Được biết, 14 giờ ngày 29/3, lực lượng chức năng đã tìm thấy anh Lê Văn Vũ tại quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) và buộc người này phải cách ly lại từ đầu trong 14 ngày.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp vi phạm các quy định về cách ly tập trung, khai báo y tế bắt buộc. Dù bất cứ lý do gì, những vi phạm này đã và đang tạo ra nguy cơ lớn về việc lây lan dịch, bệnh ra cộng đồng. Chị Đặng Lan Phương ở thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên) cho rằng: “Tôi nghĩ vấn đề ở đây không phải là nhận thức bởi từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các phương tiện thông tin đại chúng đã thường xuyên tuyên truyền về tính nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19 cũng như trách nhiệm phòng, chống dịch của cá nhân, tổ chức. Tôi được biết, theo quy định hiện nay, nếu gây hậu quả nghiêm trọng, các hành vi trên có thể sẽ bị xử lý hình sự. Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh, đồng thời làm gương cho toàn xã hội, cần xác minh hậu quả và sớm xử lý nghiêm các cá nhân có hành vi vi phạm nói trên”.

Chị Đặng Lan Phương ở thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: QĐ 

Cùng chung quan điểm nói trên, chị Nguyễn Hà Thanh ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ quan điểm: “Thực sự tôi không hiểu vì sao họ lại hành động như vậy. Giữa lúc cả nước đang ra sức chống dịch, khi mà trên thế giới đã có đến hơn 30.000 người tử vong mà họ vẫn cố tình reo rắc nguy hiểm chết người cho xã hội. Những việc làm này thể hiện rõ thái độ coi thường pháp luật, thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Do đó, tôi đề nghị cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp xử lý nghiêm minh, tránh để phát sinh những trường hợp tương tự”.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Chất, Khoa Công tác đảng, công tác chính trị, Trường Sĩ quan Chính trị (Bộ Quốc phòng), dịch bệnh COVID-19 rất nguy hiểm và có khả năng lây lan lớn, trên diện rộng. Thực tế, nhiều nước trên thế giới hiện đang phải trả giá cho việc thiếu cảnh giác vớiCOVID-19. Ở Việt Nam, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội, đến nay dịch bệnh này đã được ngăn chặn có hiệu quả. Song, mọi nỗ lực, cố gắng của Chính phủ và các lực lượng có thể bị ảnh hưởng nếu còn tiếp tục những trường hợp như bệnh nhân ở Thái Nguyên hay nam thanh niên ở Sóc Trăng. “Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ quân đội đã phải nhường doanh trại cho người dân cách ly; hàng vạn y, bác sỹ đã không quản vất vả ngày đêm chăm sóc bệnh nhân... Những sự nỗ lực đó chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng ta ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nói trên”, Đại tá Nguyễn Văn Chất nhấn mạnh.

Đại tá Nguyễn Văn Chất. (Ảnh: QĐ)

Ở góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn An Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn An Bình và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì dịch COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A có mức độ nghiêm trọng nhất. Điều 8, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 nghiêm cấm các hành vi: cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Do đó, người nào vi phạm các điều cấm ở trên thì sẽ bị xử phạt hành chính tùy theo mức độ vi phạm.

Điều 6 Nghị định 176/2013 quy định cá nhân phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm nhưng không khai báo sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng. Nếu che giấu bệnh dịch của mình hoặc người khác thì bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng.

Ngoài ra, Điều 10, Nghị định 176/2013 quy định người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.

Đặc biệt, tùy theo tính chất, mức độ hậu quả của vi phạm, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị xử lý vì “hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người khác”, quy định tại Điều 240, Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù tối đa 12 năm tù.

Những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân dương tính với COVID-19 ở nước ta đã liên tục tăng lên. Để ngăn chặn có hiệu quả dịch, bệnh nguy hiểm này, bên cạnh sự nỗ lực của các lực lượng chức năng, mỗi cá nhân cần chấp hành nghiêm túc các quy định của Chính phủ, địa phương; thực hiện đầy đủ việc kê khai y tế bắt buộc hoặc cách ly tập trung (nếu thuộc diện quy định). Đối với các trường hợp vi phạm, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, giảm thiểu các nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng dân cư./.

Tạ Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN