Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật
(ĐCSVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan y tế, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng... yêu cầu thực hiện nghiêm túc pháp luật Việt Nam về quảng cáo.
Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật. |
Liên tiếp thời gian qua, rất nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng vi phạm quảng cáo, Cục An toàn thực phẩm đã và đang công khai trên trang web của Cục để cảnh báo đến người tiêu dùng nhưng tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến. Mặt khác, trong quảng bá và truyền thông, quảng cáo sai thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, khiến nhiều người mua và sử dụng sản phẩm không hiệu quả, ảnh hưởng đến bệnh tật, nguy hiểm đến tính mạng, tiền mất tật mang, khiến dư luận bức xúc.
Cục An toàn thực phẩm cho biết, hiện nay các vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt trong môi trường mạng có chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài khó kiểm soát, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm nên khó xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, một số cơ quan phát hành quảng cáo chưa thực hiện đúng quy định quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thường phát hành các nội dung quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo, gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh. Đặc biệt sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, bác sĩ; quảng cáo thực phẩm kèm theo ý kiến phản hồi của người tiêu dùng, người nổi tiếng quảng cáo có tác dụng điều trị bệnh.
Thời gian qua, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đã lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc điều trị các bệnh mạn tính trên mạng xã hội. Đáng nói, nhiều sản phẩm chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam. Thậm chí, một số công ty thuê địa điểm, tổ chức đào tạo nhân viên gọi điện thoại, tư vấn, giả danh bác sĩ, dược sĩ tư vấn bệnh, dọa dẫm khách hàng để tư vấn liệu trình điều trị bệnh, thực tế là bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan y tế, có biện pháp mạnh với Facebook, Google, YouTube, yêu cầu họ thực hiện nghiêm túc pháp luật Việt Nam về quảng cáo.
Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chức năng kiểm duyệt gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng.
Bộ Công Thương cũng được đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, công ty bán hàng đa cấp kinh doanh sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Có biện pháp giám sát hoạt động đa cấp, đặc biệt là buổi hội thảo phát triển thành viên của các công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật. Có biện pháp, chế tài xử lý mạnh các sàn giao dịch thương mại điện tử./.