Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp, việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch có ý nghĩa quan trọng, vừa bảo đảm tính răn đe, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, tổ chức trong công tác này.
- Vẫn xét xử các vụ án liên quan đến dịch bệnh COVID-19
- Xử lý nghiêm các đối tượng đưa tin xuyên tạc, sai sự thật về dịch bệnh Covid-19
Xuyên tạc, tung tin giả - hậu quả thật!
Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự ủng hộ, tin tưởng và tinh thần chủ động phòng, chống dịch của người dân Việt Nam, công tác phòng chống dịch COVID -19 của nước ta đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Nhưng tiếc thay, trong bối cảnh toàn bộ hệ thống, cơ quan chức năng và người dân chung tay, đồng lòng chống dịch thì vẫn còn không ít người dân thiếu ý thức, trách nhiệm trong công tác này.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân 17 là người đầu tiên tại Hà Nội nhiễm COVID-19. Mặc dù đã biết mình từ vùng dịch trở về và có những dấu hiệu nhiễm bệnh nhưng bệnh nhân không chủ động khai báo y tế, gây lây nhiễm cho một số bệnh nhân khác trên địa bàn.
Lực lượng chức năng làm việc, xử lý hành chính với các chủ tài khoản thông tin sai sự trên mạng xã hội. Ảnh: Đăng Chung. |
Mới đây trường hợp của bệnh nhân thứ 178 tại tỉnh Thái Nguyên dù biết mình có triệu chứng đau họng và sốt, nhưng vẫn giấu chuyện từ Bệnh viện Bạch Mai về, mà khai báo chỉ ở nhà, thấy đau đầu, chóng mặt thì đi khám. Sự khai báo không trung thực này đã gây khó khăn và trở ngại cho các cơ quan chức năng trong công tác kiểm soát dịch bệnh.
Hay không ít anh hùng bàn phím tung tin suy diễn, xuyên tạc về dịch bệnh COVID-19 gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của một số cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, là tình trạng đầu cơ khẩu trang, thiết bị y tế để trục lợi…
Mặc dù đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng thực tế cho thấy những hệ lụy gây ra cho xã hội và chính bản thân, gia đình của họ lại rất lớn.
Các cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện, xử lý gắn với tuyên truyền, cảnh báo nhưng tất cả mới dừng lại ở mức xử lý vi phạm hành chính và tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch gần đây, Thủ tướng cũng đã đề nghị Bộ Công an và Bộ Y tế phối hợp xử lý bệnh nhân 178 để răn đe nhiều người khác.
Gây hậu quả nghiêm trọng, phải xử lý hình sự
Để hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) vừa ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC gửi Tòa án các cấp và các đơn vị trực thuộc hướng dẫn xử lý các tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ: Công văn đã hướng dẫn cụ thể cách xác định tội danh theo quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) 2015. Theo đó, nếu người nào biết mình đã có bệnh, nhiễm bệnh mà cố tình trốn tránh không khai báo, không tuân thủ nguyên tắc quy định về phòng, chống dịch bệnh thì có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự (BLHS).
Nhắc lại câu chuyện trong thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa rất nhiều thông tin về chuyện cơ quan chức năng đã xử lý hành chính đối với những trường hợp đưa thông tin thông tin sai sự thật hay xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh, những hành vi này đã gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng; đồng thời, có thể dẫn đến tình trạng làm ảnh hưởng, xâm phạm đến đời tư của người khác. Thậm chí, nếu đưa thông tin đó với mục đích xâm phạm uy tín người khác thì có thể bị xử lý về tội làm nhục người khác, hoặc tội vu khống người khác theo quy định của BLHS.
Phó Chánh án cho hay, đối với các cấp Tòa án, với những loại tội phạm mới trong bối cảnh hiện nay như: hành vi đưa thông tin sai sự thật, xâm phạm đời tư, nhân phẩm, uy tín có thể bị xử lý về tội làm nhục hoặc vu khống... hoặc những hành vi về đầu cơ, tích trữ, buôn lậu các phương tiện dụng cụ y tế nhằm mục đích xuất đi nước ngoài, không khai báo, hoặc đầu cơ, tích trữ mục đích bán lấy lợi thì tùy tính chất, mức độ có thể sẽ bị xử lý hình sự. Đây sẽ là cơ sở để Tòa án xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ: Ảnh: TH. |
Ngoài ra, với những hành vi đưa ra những thông tin sai sự thật về thuốc chữa bệnh, hoặc thuốc phòng bệnh để tiêm mà lấy tiền người khác thì có thể bị xử lý về hành vi lừa đảo. Tất cả những hành vi mà có thể cấu thành tội phạm thì đều được Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn về mặt khách quan, tương đối cụ thể, để cho các cơ quan tiến hành tố tụng như các Tòa án thực hiện trong quá trình tố tụng.
“Có thể nói văn bản hướng dẫn trong thời điểm này là rất kịp thời”, Phó Chánh án khẳng định.
Đề cập đến việc xử lý hành vi đầu cơ khẩu trang nhưng chưa xuất qua biên giới, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ cho biết: Về tội đầu cơ, theo quy định của luật tố tụng hình sự thì phải là mặt hàng bình ổn giá, hoặc là mặt hàng do nhà nước định giá. Đối với nhóm hàng hóa trong thời điểm hiện nay như khẩu trang, dụng cụ y tế… phải nằm trong danh mục này thì mới cấu thành được tội phạm. Đây cũng là một khó khăn vướng mắc của các cơ quan tiến hành tố tụng đang xem xét.
Nhấn mạnh Đảng, Nhà nước đang tập trung các biện pháp chống dịch, Phó Chánh án nêu rõ: Việc ban hành văn bản này được coi là biện pháp cảnh báo, phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm, mọi người đều phải tuân theo quy định của pháp luật, đặc biệt là BLHS. Các hành vi vi phạm cần phải xử lý nghiêm theo quyđịnh của pháp luật!.
Về vấn đề này, luật sư Lê Thu Hà (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho rằng việc ban hành công văn hướng dẫn về xử lý các tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch có tính kịp thời. Đây sẽ là bước nhấn quan trọng cho việc xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho mọi người dân trong công tác phòng, chống dịch. Trong trường hợp đã xử lý hành chính nhưng chưa đủ răn đe và hành vi gây hậu quả nghiêm trọng thì cần xử lý hình sự nghiêm khắc.
Tuy nhiên, đi vào phân tích cụ thể, luật sư Hà chỉ ra, để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự với các hành vi xử lý theo Điều 295 BLHS, công văn của Tòa án đã đưa ra yếu tố định lượng về giá trị thiệt hại là 100 triệu đồng song lại chưa có quy định hướng dẫn cụ thể việc xác định thiệt hại như thế nào?.Vì vậy, đề nghị cần bổ sung văn bản hướng dẫn về quy định này.
Có thể thấy, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, việc ban hành công văn hướng dẫn xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh là cần thiết, kịp thời nhằm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, tổ chức trong chung tay cùng xã hội “chống dịch như chống giặc”!./.