Xử lý ngay và nghiêm vì sức khỏe của nhân dân
(ĐCSVN) – Vụ việc một cơ sở sản xuất nước uống đóng bình ở Hải Phòng lấy nước từ mương nước thải để sản xuất và cung cấp ra thị trường hàng trăm bình nước mỗi ngày đang khiến dư luận bức xúc. Dư luận cho rằng cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị có liên quan đến vi phạm nghiêm trọng này.
Cận cảnh mương nước thải nơi cung cấp nguyên liệu để Công ty TNHH Phúc Hà sản xuất nước đóng bình phục vụ người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Huệ |
Vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 1 và Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng) đã hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất nước uống đóng bình Trường Thành ở xã Trường Thành, huyện An Lão. Đây là cơ sở thuộc Công ty TNHH Phúc Hà. Qua kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở này đã sử dụng nguồn nước được lấy trực tiếp từ mương phía sau cơ sở để sản xuất nước uống đóng bình.
Điều đáng nói, mương nước này là mương nước thải nông nghiệp và nước thải sinh hoạt của các hộ dân quanh khu vực thôn Phương Chử Đông, xã Trường Thành, huyện An Lão. Bước đầu ghi nhận, bình quân mỗi ngày cơ sở sản xuất trên đã đưa ra tiêu thụ trên thị trường khoảng 200 bình nước uống, mỗi bình dung tích 20 lít. Nơi tiêu thụ là một số cơ quan, doanh nghiệp, trường học, các đại lý nhỏ ở địa phương.
Sự việc trên đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Nhiều ý kiến bày tỏ sự bức xúc, bất bình với cách kinh doanh thiếu trách nhiệm của Công ty TNHH Phúc Hà, đơn vị quản lý cơ sở sản xuất nói trên.
Anh Cao Văn Tuân ở quận Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: PA |
Anh Cao Văn Tuân ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Việc làm của cơ sở sản xuất nước đóng bình ở Hải Phòng là không thể chấp nhận được. Rõ ràng, để có được lợi nhuận, họ đã bất chấp mọi thứ kể cả sức khỏe của người tiêu dùng. Với nguyên liệu đầu vào được hút trực tiếp từ mương nước thải đen ngòm như vậy, ai có thể bảo đảm nước thành phẩm của họ sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của những người đã sử dụng loại nước này?”.
Chị Trần Thị Thu, một người dân ở huyện An Lão bức xúc: “Nói thật là không ai nghĩ họ lại dùng nước ở mương nước thải để sản xuất nước đóng bình. Thậm chí họ còn bán cả vào một số trường học ở địa phương. Uống loại nước này vào chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, nhất là các cháu học sinh. Nhiều phụ huynh đang rất lo cho sức khỏe của các em học sinh vì khi uống nước của cơ sở này lâu ngày sợ sẽ tiểm ẩn nguy cơ phát bệnh về sau”.
Đồng tình với ý kiến nói trên, chị Nguyễn Thị Hoàn ở TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình chia sẻ: “Nước uống là nhu cầu thiết yếu hằng ngày của mỗi người; nguồn nước uống không bảo đảm vệ sinh sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với sức khỏe người sử dụng. Vậy mà họ lại hút trực tiếp nguồn nước ở mương nước thải để sản xuất nước “tinh khiết”. Theo tôi, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với cơ sở sản xuất này”.
Chị Nguyễn Thị Hoàn ở TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: PA |
Trao đổi với báo chí về vụ việc, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết, việc cơ sở sản xuất, sử dụng nguồn nước được lấy trực tiếp từ mương phía sau cơ sở để sản xuất nước uống đóng bình đã thể hiện về sự coi thường sức khỏe của người tiêu dùng; hành vi này cần phải được lên án và xử lý thật nghiêm minh theo đúng pháp luật.
Nhìn nhận từ góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đăng (Hà Nội) bày tỏ, việc cơ sở sản xuất, đóng chai nước uống tinh khiết của Công ty TNHH Phúc Hà ngang nhiên sử dụng nước từ mương thải để sản xuất nước bình “tinh khiết” là hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quy định của Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm; gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng trong cộng đồng, cũng như xã hội.
Khoản 7 Điều 9 và điểm b, Khoản 8, Điều 9 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thì hành vi “sử dụng nước mương thải để sản xuất nước bình tinh khiết” sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và bị áp dụng hình phạt bổ sung là “đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng”.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Văn Đăng, hành vi của các cá nhân nói trên có dấu hiệu cấu thành “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” được quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Theo đó, các cá nhân vi phạm tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 20 năm.
“Cơ quan chức năng cần vào cuộc thanh tra, điều tra làm rõ quy trình và những sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh buôn bán nước sạch của công ty này. Đối với người dân, hoàn toàn có thể tiến hành yêu cầu đòi bồi thường về hành vi vi phạm của Công ty TNHH Phúc Hà”, Luật sư Nguyễn Văn Đăng nhấn mạnh./.