Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xu hướng phát triển ngành công nghiệp hydrogen xanh

Thứ Năm, 23/11/2023 15:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngành công nghiệp hydrogen xanh (ngành công nghiệp PtX) và công nghệ sản xuất nguyên/nhiên liệu tổng hợp dựa trên hydrogen đóng vai trò quan trọng góp phần giúp thế giới cũng như Việt Nam có thể đạt mục tiêu không phát thải carbon (Net Zero) vào năm 2050.

Ông Markus Bissel - Giám đốc Dự án PtX Outreach phát biểu tại hội thảo (Ảnh: A.N) 

Với mục tiêu nâng cao nhận thức về vai trò của hydrogen xanh trong xu hướng chuyển dịch năng lượng, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp hydrogen xanh tại Việt Nam, ngày 22/11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Dự án PtX Outreach do Bộ Kinh tế và Biến đổi Khí hậu (BMWK) - CHLB Đức tài trợ, Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo “Xu hướng phát triển ngành công nghiệp hydrogen xanh trên thế giới, định hướng phát triển tại Việt Nam”.

Ông Markus Bissel - Giám đốc Dự án PtX Outreach cho biết, chúng tôi đã tiến hành một số nghiên cứu về hydrogen xanh và chia sẻ tại hội thảo này với mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển ngành công nghiệp PtX cũng như trong quá trình chuyển dịch năng lượng.

Trong khi hydrogen xám được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch và là nguồn phát thải carbon ra môi trường, hydrogen xanh được sản xuất thông qua quá trình điện phân nước sử dụng năng lượng tái tạo và hoàn toàn không phát thải carbon. Ngoài ra, tùy theo công nghệ sản xuất và nguồn vật liệu sử dụng, hydrogen sẽ được quy định thành các màu sắc khác như vàng, xanh lam, đen và đỏ.

Ông Trần Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương cũng khẳng định: Định hướng phát triển năng lượng hydrogen đã được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu cho phép phát triển không giới hạn trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng, an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một ngành kinh tế mới của đất nước.

Ứng dụng công nghệ PtX cho phép sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất ra các loại vật liệu và dẫn xuất ở trạng thái khác nhau của vật chất như trạng thái khí hydrogen hay lỏng như ammonia hoặc dưới dạng nhiên liệu tổng hợp như kerosen. Nhờ đó, các vật liệu và dẫn xuất có thể được vận chuyển, lưu trữ tại những chuỗi cung ứng hiện đại và được giao dịch, buôn bán thuận tiện trên quy mô toàn cầu. Công nghệ PtX tạo ra những chất mang năng lượng đặc biệt cần thiết để gián tiếp điện khí hóa các ngành công nghiệp khó giảm thải, đẩy nhanh tiến trình đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng trình bày tổng quan về xu hướng quốc tế và cơ hội kinh doanh trong nền kinh tế PtX; phân tích chiến lược chuyển dịch năng lượng hướng tới Net Zero của các công ty dầu khí; kết quả nghiên cứu thực tế về yêu cầu kỹ thuật đối với ngành công nghiệp PtX VNergy; giới thiệu các tiêu chí bền vững cho ngành công nghiệp PtX Việt Nam (hydro và ammonia); khuyến nghị chiến lược trung và dài hạn cho ngành dầu khí; các tiến bộ công nghệ ngành PtX; chiến lược hydro xanh cho ngành dầu khí; bối cảnh ngành điện Việt Nam và các kế hoạch về amoniac phù hợp với Quy hoạch điện 8; phân tích việc sử dụng amoniac trong sản xuất điện ở Việt Nam (kết quả sơ bộ); chiến lược hydro xanh trong ngành điện.

Hội thảo là cơ hội để các diễn giả là các chuyên gia quốc tế và trong nước đến từ các: Viện nghiên cứu, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước chia sẻ quan điểm về xu hướng phát triển và cơ hội kinh doanh của nền kinh tế hydrogen trong quá trình chuyển dịch năng lượng của các công ty dầu khí, kỹ thuật và công nghệ hydro./.

A.N

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN