Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xóa bỏ bến xe Lương Yên: Trăn trở của nhiều doanh nghiệp.

Thứ Năm, 16/06/2016 19:59 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Dự kiến, bến xe Lương Yên (Hà Nội) sẽ chấm dứt hoạt động vào cuối tháng 7 tới. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, các nhà xe đang hoạt động tại đây vẫn chưa biết mình sẽ đi đâu về đâu, kèm theo đó là nỗi lo mất khách khi chuyển sang bến khác.

Bến xe Lương Yên trong thời gian chờ ngừng hoạt động.

 

Theo kế hoạch của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, các tuyến xe, phương tiện đang hoạt động tại bến xe Lương Yên (đường Nguyễn Khoái- Hà Nội) sẽ được di dời về các bến xe Gia Lâm, Nước Ngầm, Yên Nghĩa.  Một phương án khác cũng được đưa ra, đó là có thể điều toàn bộ các xe sang bến xe khách Cổ Bi (Gia Lâm- Hà Nội) sau khi bến xe này xây dựng xong.

Tuy nhiên khi trao đổi với phóng viên, các nhà xe đều bày tỏ lo lắng vì họ chưa biết mình sẽ được điều về bến nào. Ông Đặng Quốc Tuấn- chủ xe chạy tuyến Kinh Môn (Hải Dương)- Lương Yên cho biết: Chúng tôi sẵn sàng chấp hành chủ trương di dời sang bến khác. Nhưng hoạt động kinh doanh hành khách quan trọng nhất là xe và khách phải quen tuyến. Di dời sáng bến mới, chắc chắn nhà xe sẽ bị mất hầu hết khách quen, phải 6 tháng đến một năm sau mới xây dựng lại được mạng lưới hành khách quen. Do đó, rất mong Sở Giao thông- Vận tải Hà Nội sớm duyệt kiến nghị của nhà xe về bến mới, để nhà xe chủ động “tiếp thị” khách.

Trước đó, ông Tuấn đã chủ động đề xuất được về bến xe Gia Lâm, nhưng gợi ý của Sở Giao thông Vận tải lại muốn các xe của ông về bến Yên Nghĩa (quận Hà Đông).


Ông Đặng Quốc Tuấn- chủ xe tuyến Kinh Môn (Hải Dương)- Lương Yên.

 

Cùng nỗi lo với ông Đặng Quốc Tuấn, ông Việt- Chủ xe Tấn Hưng chạy tuyến Xuân Trường (Nam Định)- Lương Yên khẳng định, việc chuyển sang bến mới, chắc chắn khách cũ sẽ không còn. Nhà xe phải tự tìm kiếm thị trường mới. Vì vậy cơ quan quản lí vận tải cần sớm công bố bến mới cho nhà xe càng sớm càng tốt để nhà xe chủ động kế hoạch quảng bá lịch trình. Ông Việt mong được chuyển về bến Gia Lâm vì bến phía Nam (Giáp Bát) ngay cạnh bến Nước Ngầm đã có trên 20 lượt xe chạy tuyến Xuân Trường/ngày. Nếu về bến Nước Ngầm, nhà xe sẽ không thể cạnh tranh nổi với những nhà xe cũ. Trong khi đó, kế hoạch của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lại hướng xe Tấn Hưng về bến xe Nước Ngầm.

Một trường hợp nữa không trùng với gợi ý xắp xếp của Sở Giao thông Vận tải, đó đơn vị vận tải Thủy Ngân hiện có hai xe chạy tuyến Quảng Trị- Lương Yên. Ông Nguyễn Văn Sử, chủ đơn vị này cho biết, hiện Quảng Trị có rất ít xe chạy tuyến Lương Yên, trong khi tuyến phía Nam Hà Nội đã có nhiều xe rồi. Hơn nữa, xe Thủy Ngân hoạt động tại Lương Yên đã 11 năm nay, nên hầu hết là khách quen và khách hợp đồng đặt vé ra Hà Nội thăm Lăng Bác, khám chữa bệnh tại các bệnh Viện Phụ sản, Nhi Trung ương, Quân y 108, Việt Đức…, nếu chuyển sang bến Yên Nghĩa (cách trung tâm Tp.Hà Nội quá xa) như kế hoạch của Sở Giao thông Vận tải, nhà xe sẽ mất hết khách cũ, nguy cơ bù lỗ trong năm đầu chuyển sang bến mới rất cao. Do đó, ông Sử mong muốn được điều chuyển về bến xe Gia Lâm thay vì bến xe Yên Nghĩa như kế hoạch của Sở Giao thông Vận tải.

Khi được hỏi cơ quan chức năng có công bố các tiêu chí cụ thể để làm căn cứ điều chuyển xe nào về bến nào không, các nhà xe cho biết, họ không rõ những xe như thế nào thì về bến Nước Ngầm, hoặc bến Lương Yên, Gia Lâm. Từ sự “không rõ” này, nhiều nhà xe lo rằng, rất dễ xảy ra tình trạng không công bằng giữa các đơn vị vận tải, thậm chí có thể có tiêu cực trong việc xin được về bến này bến nọ.

Khẳng định, khi chuyển sang bến mới, chắc chắn sẽ gặp khó khăn, các đơn vị kinh doanh vận tải mong muốn cơ quan chức năng và các bến xe quan tâm hỗ trợ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, cơ quan quản lí nhà nước sẽ không có chính sách hỗ trợ về tài chính vì việc hỗ trợ này không thuộc quy định nào của nhà nước. Về phía các bến xe tiếp nhận, đến nay mới chỉ có bến xe Nước Ngầm khẳng định sẽ hỗ trợ trong vòng 3 tháng đầu. Theo đó, sẽ giảm 100% tiền dịch vụ vận tải vào bến cho các xe mới trong tháng đầu, tháng thứ 2 giảm 80%, tháng thứ 3 giảm 50% và từ tháng thứ 4 các nhà xe nộp như bình thường.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chưa đưa ra bộ tiêu chí cụ thể để điều chuyển xe nào về bến nào, mà mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc không được gây xáo trộn khi điều tiết hướng tuyến. Nhiều đơn vị kinh doanh vận tải bày tỏ: Sở Giao thông Vận tải nên xem xét kỹ nguyện vọng của nhà xe để tránh tình trạng một bến có quá nhiều xe cùng kinh doanh trên một tuyến, dẫn đến cung nhiều hơn cầu. Mặt khác cũng cần công khai các tiêu chí cụ thể về việc chuyển tới các bến, sao cho vừa phù hợp với hướng quy hoạch luồng tuyến đã được Bộ Giao thông Vận tải quy định vừa thuận tiện cho hoạt động kinh doanh của đơn vị vận tải hành khách./

 

 

Bài, ảnh: An Luých

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN