Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xe đưa đón học sinh: Cần giải pháp toàn diện

Thứ Hai, 03/06/2024 11:58 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Sự việc trẻ mầm non bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường Mầm non Hồng Nhung 2 (xã Phú Xuân, TP Thái Bình) dẫn đến tử vong ngày 29/5/2024 đã làm bàng hoàng các bậc phụ huynh và dư luận trước sự tắc trách của người lớn. Cần có giải pháp toàn diện về quản lý nhà nước, của nhà trường, các thầy cô giáo và những người liên quan đối với trẻ em, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Trường Mầm non Hồng Nhung 2. (Ảnh: Vietnamnet.vn) 

Bàng hoàng trước cái chết của cháu bé do sự tắc trách của người lớn

Nói về vụ cháu bé bị bỏ quên trên xe ở Thái Bình dẫn đến tử vong, lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Bình cho biết, trường Mầm non Hồng Nhung 2 có đầy đủ giấy phép hoạt động; về việc đưa đón học sinh, trường cũng có quy chế hoạt động.

Theo đó, mỗi học sinh đều được cài phần mềm quản lý để điểm danh. Bình thường trẻ đến lớp sẽ được cô giáo chụp ảnh và báo qua phần mềm quản lý học sinh, nên việc kiểm soát con đi học là rất kỹ. Dư luận đặt câu hỏi nếu qui định trong ngày học điểm danh 4 lần chắc sẽ không xảy ra sự việc đau lòng như trên.

Sự việc đau lòng xảy ra là do sự tắc trách của người lớn, hậu quả đáng tiếc nêu trên tiếp tục đặt ra yêu cầu cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với nhà trường, giáo viên, học sinh, nhất là trách nhiệm của người lớn.

Trong thời gian học sinh được phụ huynh bàn giao cho nhà trường mà nhà trường để xảy ra sự việc thì trách nhiệm đầu tiên là của nhà trường. Đặc biệt, em học sinh lại tử vong sau khi bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường nên nhà trường không thể chối bỏ trách nhiệm.

Sự việc đáng buồn trên không phải là lần đầu tiên xảy ra. Sự việc đau lòng này đã từng xảy ra trên địa bàn Hà Nội, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và đã cho chúng ta bài học đắt giá về sự buông lỏng quản lý, tắc trách của người lớn. Điều đáng nói là mỗi khi xảy ra sự việc các cơ quan vào cuộc điều tra, rồi chúng ta lại ngồi kiểm điểm nhau xem ai đúng ai sai, nhưng đó là một mạng người.

Nhiều người cho rằng người lớn chúng ta tắc trách, nếu như cô đưa đón cô giáo chủ nhiệm làm hết trách nhiệm, hay anh lái xe kiểm tra lại trên xe xem còn cháu bé nào không, cháu nào còn ngủ quên không, cô điểm danh thấy cháu vắng thì phải liên lạc với gia đình để tìm kiếm… thì chắc không có hậu quả đáng tiếc.

Theo điểm a, khoản 2, điều 11, Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô: Đơn vị kinh doanh vận tải phải theo dõi, giám sát hoạt động của lái xe và phương tiện trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh vận tải.

Đặc biệt, Nghị định 10 cũng quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải có phương án kiểm soát để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe khi đã kết thúc hành trình (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách).

Ngoài ra, điểm b, khoản 6, điều 4, Thông tư 12/2020/TT-BGTVT cũng quy định: Sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe, người lái xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách).

Như vậy, dù không nêu cụ thể xe chở học sinh nhưng rõ ràng hoạt động dịch vụ đưa đón học sinh đã được quy định trong các thông tư, nghị định về kinh doanh vận tải hành khách.

Giải pháp toàn diện trong việc đưa đón học sinh

Trước hết cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn trật tự giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này cũng đã có quy định về xe đưa đón học sinh.

Dự thảo quy định khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non, phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trong suốt chuyến đi.

Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non, phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô. Không được để học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trên xe khi người lái xe và người quản lý đã rời xe...

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên nhanh chóng có những chỉ đạo quyết liệt trong việc này để đảm bảo an toàn cho học sinh. Cần có những qui định siết chặt quản lý, qui trình kiểm tra nghiêm ngặt, xử lý kịp thời những biểu hiện lệch lạc.

Nhà trường vốn được coi là nơi an toàn cho con trẻ mà bây giờ xảy ra nhiều vụ việc thương tâm, tai nạn học đường là đáng báo động. Qua vụ việc dư luận xã hội cho rằng cần phải có sự quan tâm, chú trọng hơn, tạo môi trường sống lành mạnh và an toàn cho trẻ em.

Ngay cả vấn đề trẻ em trên không gian mạng cũng chưa có đủ hành lang pháp lý để bảo vệ, trẻ em vẫn bị bạo hành, xâm hại, vẫn bị ảnh hưởng mặt trái của mạng xã hội.

Tăng cường vai trò người đứng đầu, phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở, thậm chí phải xử phạt những người thiếu trách nhiệm vi phạm qui trình; lựa chọn những cô giáo trông trẻ phải đảm bảo các tiêu chuẩn, trách nhiệm, chu đáo, có tâm lý tốt.

Với lái xe cũng phải chọn người không chỉ đảm bảo an toàn trên đường mà còn đảm bảo cả việc kiểm tra, an toàn trước trong, sau khi đến trường. Nhưng thực tế, việc này chưa được quan tâm, chưa được quán triệt một cách triệt để.

Sau vụ việc cháu bé tử vong trên xe đưa đón ở Hà Nội vào năm 2019, đã thấy rõ trách nhiệm của lái xe và người được phân công đưa đón. Đồng thời, đã xử lý hình sự với những người liên quan nhưng có lẽ việc xử lý chưa nghiêm khắc, triệt để, vẫn chưa đủ răn đe. Vì vậy, cần phải tăng cường, bổ sung hình phạt để đủ tính răn đe, cùng với đó, bổ sung các quy định liên quan tiêu chuẩn của người được phân công đưa đón, giáo viên liên quan việc này.

Các giải pháp công nghệ để giám sát việc đưa đón trẻ và học sinh bằng ô tô hiện nay, trong đó điển hình là việc dùng camera AI, có thể hạn chế những sự cố đáng tiếc.

Việc để cô giáo hay tài xế quản lý quy trình lên xuống của học sinh đi xe đưa đón hiện nay dễ xảy ra sơ sót khi có quá nhiều học sinh lên xuống cùng một lúc. Chính vì thế, cần có thêm sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ để giải quyết tình trạng này, điển hình là sử dụng các camera AI thực hiện việc giám sát trực tuyến. Khi trẻ chưa xuống xe nhưng đã đến giờ lên lớp, camera AI hoàn toàn có thể phát hiện sự việc và gửi cảnh báo đến hệ thống, người quản lý. Việc này sẽ giúp cho những sai sót khi quên trẻ trên xe khó có thể xảy ra.

Do đó nên bắt buộc các xe đưa đón trẻ và học sinh đến trường, nhất là học sinh mẫu giáo và cấp 1, phải gắn camera AI, đặc biệt là các camera có tính năng cảnh báo bằng tin nhắn hoặc giọng nói. Camera gắn trên xe phải có nguồn pin dự phòng đủ để duy trì hoạt động một thời gian sau khi xe tắt máy và dừng đỗ trong sân bãi. Bên cạnh đó, các xe đưa đón học sinh cần làm kính trong suốt để dễ dàng phát hiện các trường hợp trẻ bị bỏ quên trên xe, thay vì dán kín các cửa kính như hiện nay. Nhà trường cũng cần lắp thêm thiết bị nhận diện khuôn mặt kết nối vào hệ thống, để biết các học sinh đã lên xe nhưng chưa vào lớp và thời gian các em lên, xuống xe.

Thực tế hiện nay ở Việt Nam đang triển khai cho một hệ thống trường quốc tế tại Việt Nam việc đưa camera AI vào giám sát công tác dùng xe đưa đón trẻ và học sinh đến trường và đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên công nghệ chỉ là giải pháp để hỗ trợ quy trình giám sát của nhà trường. Nhà trường cần có quy trình kiểm tra, giám sát công tác này một cách chặt chẽ, bởi công nghệ mà thiếu quy trình vẫn có thể xảy ra sự cố. Cuối cùng quan trọng nhất vẫn là con người, là trách nhiệm của người lớn đối với trẻ em./.

VM

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN